Đã thế, trách gì những người đàn bà bất hạnh, biết chuyện mình mười mươi, vẫn cả đời tô tô vẽ vẽ.
Xấu chàng, hổ ai...
Phải gặp người tin tưởng lắm, chị Thanh Huyên mới cởi lòng kể chuyện vợ chồng mình, dù chuyện nhà chị, cả khu phố chẳng ai còn lạ gì. Vợ chồng chị cùng là dược sĩ. Anh giỏi chuyên môn, lại giỏi quản lý; chẳng bao lâu sau ngày kết hôn đã lên chức giám đốc chi nhánh của một công ty dược lớn. Chị cũng giỏi việc, nhưng nổi trội hơn cả là tư chất hiền thục của một người vợ đảm.
Thế nhưng, cuộc hôn nhân của chị, thực chất chỉ là ác mộng. Người chồng “hào hoa” của chị, sau những buổi tiệc tùng thết đãi bạn bè, đối tác trở về, lại hiện nguyên hình một kẻ vũ phu. 20 năm rồi, cứ mỗi lần uống say, những tức bực ban ngày anh trút hết lên vợ bằng những trận đòn.
Chồng về nửa đêm, bấm chuông mấy lần vợ mới ra mở cửa: đánh. Chồng lè nhè vặn vẹo hàng chục câu hỏi vặt vãnh, vợ ậm ừ... “thiếu thiện chí”: đánh. Nửa đêm chồng thức giấc, nhận ra đêm qua mình chưa ăn gì: lôi vợ dậy, đánh. Tần suất của những trận đòn ngày một tăng, chị làm quen bằng cách tin lời xin lỗi của anh vào những buổi sáng hôm sau: là do... rượu đánh.
Nhưng, ngay cả lúc tỉnh, anh cũng chẳng ra dáng một ông chồng. Cuối tháng, anh thực hiện nghĩa vụ bằng một khoản tiền, rồi mặc định mọi sinh hoạt trong nhà đều thuộc phần trách nhiệm của vợ. Bởi thế, mỗi lúc cần chiếc áo, đôi giày, dù vợ đã chuẩn bị tinh tươm, để sẵn, anh cũng chẳng buồn liếc tìm mà lập tức “tri hô”.
Huyên dù đang dở tay nấu nướng, chăm con cũng phải lật đật chạy lên, lấy giúp. Mỗi lần về nhà, nếu anh không say xỉn, đánh mắng, vợ con cũng xáo xào vì những sai bảo liên miên.
Đã quen “sống chung với lũ”, nhưng điều khiến chị sợ hãi là nhỡ tính xấu của chồng lọt đến tai người ngoài, thì mất mặt cả đôi. Sợ thế, nên dù công việc giao đãi nhiều, chị cũng hạn chế khách khứa đến nhà, tránh để người ta nhìn thấy anh những lúc trợn mắt, khoa tay, nói năng lỗ mãng. Mỗi bận họ hàng ghé thăm, chị lại nhanh nhảu nghĩ ra bao nhiêu công việc khiến chồng bận bịu rồi giải thích trước với mọi người, để tránh cho anh cái tiếng “xa cách, lạnh nhạt”. Cũng thế, những lần hiếm hoi chắt chiu được một khoản tiền mang biếu mẹ đẻ, chị đều mượn danh anh; vừa được tiếng thơm cho chồng, vừa để bà yên tâm với niềm vui có được chàng rể quý.
Có điều, Huyên chẳng bảo bọc được chồng trước đôi mắt của những đứa con. Cánh cửa cách âm đóng chặt mỗi lúc anh mượn rượu chửi thề, thái độ xuề xòa cười nói của mẹ trước ánh mắt lạnh nhạt của cha, hay những món đồ “của ba mua”, “của ba tặng” đều đặn nhận từ tay mẹ - con chị biết hết. Bởi thế, bi kịch gia đình đã vỡ òa bằng cái cách khiến chị đau đớn nhất. Trong một lần say xỉn, vừa về đến nhà anh đã lôi vợ dậy, bắt… quỳ. Trước “trò lạ” của chồng, chị hơi hoang mang, chưa kịp phản ứng anh đã quát tháo ầm ĩ khiến các con thức giấc, kéo nhau chạy sang. Hoảng loạn trước cơn giận của chồng và ánh mắt của con, chị quỳ sụp xuống; mếu máo. Con bé út hoảng sợ khóc thét, con gái lớn vụt chạy đi khi quay lại, kéo theo những người hàng xóm, sấp ngửa xông vào. Rồi người lớn bàng hoàng, há hốc nhìn nhau; trẻ con thì khóc òa, xô lại ôm lấy mẹ. Sau đêm ấy, chị ly hôn.
Bù trừ
Là một người bán hàng trên mạng, chị Phong Lan được khá nhiều chị em sử dụng Facebook biết đến. Nấu ăn tại nhà theo đơn đặt hàng, thời gian rảnh, chị bày vẽ đủ điều để trang hoàng mái ấm, làm đẹp lòng chồng con. Một bữa ăn ngon, một lọ hoa đẹp, và ti tỉ thứ xinh xắn khác tự tay làm đẹp cho tổ ấm mình, chị đều khoe trên mạng. Khoe đến đâu, bạn bè xúm xít ngợi ca đến đó. Rảnh rỗi thêm chút nữa, chị lại bày biện làm đủ thứ mặt nạ dưỡng da, rồi chụp hình từng công đoạn, đăng trên “phây”. Đi kèm với mỗi công thức làm đẹp, chị luôn chép nhanh mấy lời khen ngợi của chồng, khiến chị em lại rần rần xôn xao.
Còn trên Facebook của anh, từ trên xuống dưới chỉ rặt những album ảnh chụp bản thiết kế, cộng thêm vài tấm hình anh chụp kỷ niệm những vùng đất đã đi qua. Bạn chung của anh chị cũng nhiều, anh cập nhật điều gì, họ đều xúm vô “like”, rồi rối rít ca ngợi. Mà “ca” anh thì ít, “ca” chị khéo lấy chồng thì nhiều. Có điều, dù được ca ngợi bao nhiêu, anh cũng chẳng một lần hưởng ứng hay phản hồi.
Tốt nghiệp đại học mỹ thuật, chị quen anh khi cùng hợp tác thực hiện một dự án. Cưới nhau, chị được anh “phân công” chăm lo gia đình, phụ trách căn bếp xinh đẹp mà anh tự tay thiết kế. Không cân bằng được quỹ thời gian, chị quyết định tạm thời nghỉ việc để tập trung cho gia đình. Thời gian đầu, anh tạo điều kiện cho chị đi học nữ công. Chị nấu thành thạo các món ăn ba miền, anh lại gợi ý chị học cách nấu món Tây, sau đó lại chuyển sang đăng ký cho chị học massage, ấn huyệt…
Ngập trong hạnh phúc làm vợ được vài năm, chị mới nhận ra chồng mình đã biến thành ông hoàng tự lúc nào. Đi làm về, anh sà vô mâm cơm, khen chê mấy câu rồi hờ hững đứng dậy. Chị dọn dẹp xong, lên phòng thì đã có anh nằm sẵn, chờ vợ massage. Xong, anh lăn ra ngủ. Sáng ra, nếu chị không cẩn thận chuẩn bị sẵn tất vớ, không chùi lau đôi giày, thể nào anh cũng nhăn nhó, càm ràm. Chị khéo léo, siêng năng, lại hiền lành, phục vụ chồng bao nhiêu cũng không thấy chán, thấy mệt. Thế nhưng, không chia sớt công việc, vui buồn với vợ đã đành, bao nhiêu lần chị gợi ý chuyện sinh con, anh cũng đều gạt phắt. Thất bại, chị quyết định đi làm trở lại, anh lại thản nhiên: “tạm thời chưa được”.
Trong lúc khao khát có con thì chuyện ái ân dần trở thành cực hình với chị, khi anh cứ lạnh lùng, quấy quá như đang thực thi nhiệm vụ, mà chẳng lần nào thiếu biện pháp ngừa thai. Quá thèm tiếng trẻ con, những buổi đi chợ, chị thường cố tình đi vòng qua con đường có trường mẫu giáo, nhìn người ta đưa đón con; rồi về nhà, tủi phận ngồi khóc. Niềm vui từ những lời khen của chồng không còn đủ nuôi sống mình, chị tìm vui trên Facebook; để mặc những hình ảnh có thật kể về những điều không thật với bạn “phây”. Rồi một khi đã trở thành “hình tượng đẹp” trong “cộng đồng” của riêng mình, chị buộc phải nói ý đẹp lời hay. Những tô vẽ, ngợi ca cứ nối tiếp nhau, khơi nguồn cho nhau năm này tháng nọ; dù gặp lúc trống hoác trong lòng, chị cũng phải hào hứng nhập vai. Rồi cuối cùng, chị cũng tiếc rẻ cuộc sống đó, vì “dẫu gì cũng trăm người mơ ước…”.
***
Những chuyện ấy, chẳng lạ gì. Với nhiều người phụ nữ bất hạnh, tô vẽ trở thành một phương thuốc, xoa dịu, đắp bù những trống trải của cuộc hôn nhân mệt nhoài. Để rồi, chính những khi tưởng chừng đã lẩn tránh được bất hạnh, lại là những lúc họ dung dưỡng, nối dài cho nỗi bất hạnh…