Hành động và phục vụ Nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
TP - Gần một tuần trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết miễn nhiệm (ngày 28/3) và được đề cử để bầu làm Chủ tịch nước, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc nghiên cứu, học tập và quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết thúc bài chuyên đề “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội” bằng câu thơ:

“Năm năm biết bấy nhiêu ngày - Mười lần chất vấn còn gì là xuân”, rồi ông chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ về kỳ vọng lớn: “Năm năm biết bấy nhiêu ngày - Mười lần chất vấn càng ngày càng xuân”.

Được bầu làm Thủ tướng lần đầu vào ngày 7/4/2016, Chính phủ sau kiện toàn (kiện toàn nhân sự sau Đại hội XII của Đảng) và Chính phủ nhiệm kỳ 2016- 2021 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu đã phải đối diện với hàng loạt khó khăn, thách thức. Đó là sự cố ô nhiễm môi trường ven biển miền Trung; là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu gây thiệt hại nặng nề ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung… Song với quyết tâm “biến nguy thành cơ”, xây dựng một Chính phủ “kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân”, ngay trong phiên họp đầu tiên, Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành đổi mới mạnh mẽ và ngăn chặn biểu hiện trì trệ trong từng cấp, từng ngành; xử lý nhanh, kịp thời mọi công việc với tinh thần phục vụ nhân dân. Sau đó, Thủ tướng cũng quyết định thành lập Tổ công tác để ngăn chặn tình trạng “bắn chỉ thiên quá nhiều mà không trúng vào ai cả”, dẫn đến hàng loạt các vụ việc bức xúc chưa được giải quyết rốt ráo như vi phạm xây dựng tại dự án 8B Lê Trực- Hà Nội; hay việc chặt phá rừng… Với sự vào cuộc quyết liệt đó, đến nay vi phạm tại dự án 8B Lê Trực đã được giải quyết, tình trạng “một thanh sôcôla phải cõng... 13 giấy phép” cũng đã chấm dứt; cải cách hành chính được cải thiện, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, tham nhũng vặt cũng có xu hướng giảm dần…

Đặc biệt, dù bận trăm công, nghìn việc đại sự, song trước các vụ việc bức xúc, gây bất bình trong dư luận, Thủ tướng luôn có những chỉ đạo xử lý rốt ráo. Điển hình như Vụ quán cà phê Xin chào ở TPHCM, dù có người nói rằng “nhỏ xíu như móng tay”, song để bảo đảm quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, Thủ tướng đã yêu cầu dừng ngay việc khởi tố vụ án hình sự, đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan.

Thủ tướng cũng thể hiện tinh thần hành động khi có mặt ở mọi nơi, mọi điểm nóng để động viên, xử lý, cũng như tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Khi đầu tư công có dấu hiệu chậm trễ, ì ạch, “sợ làm”, “sợ trách nhiệm” đích thân Thủ tướng đã trực tiếp kiểm tra và chủ trì hàng loạt các hội nghị quan trọng để tháo gỡ ngay khó khăn, vướng mắc. Nhờ thế, hàng loạt các dự án trọng điểm đã được khởi công, đưa vào sử dụng như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Cao Lãnh, Vàm Cống... Trước “biến cố” lớn do đại dịch COVID-19 gây ra vào đầu năm 2020, ngay trong ngày mùng 3 Tết năm đó, Thủ tướng đã chủ trì cuộc họp và đưa ra chỉ đạo “chống dịch như chống giặc”, với yêu cầu cao nhất là phải bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân. Khi nói về điều này, ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói rằng: “Nếu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không có những quyết định mạnh mẽ ngay từ đầu, có lẽ bây giờ chúng ta không thể lường hết được điều gì sẽ xảy ra”.

Trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ mới đây, ông Mai Tiến Dũng đã nhắc lại lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng, Chính phủ nhiệm kỳ này sẽ bàn giao những gì tốt nhất cho Chính phủ nhiệm kỳ mới. Với một “nền móng” vững chắc về một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các thành viên Chính phủ để lại, hy vọng Chính phủ sau kiện toàn sẽ tiếp tục kế thừa, hướng đến một nước Việt Nam hùng cường vào giữa thế kỷ 21 như Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII đã đề ra.

MỚI - NÓNG