Một mẫu xe của BYD. |
Khi điều đó xảy ra, có thể trong quý này, đó sẽ vừa là bước ngoặt trên thị trường xe điện, vừa là sự xác nhận thêm về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong ngành công nghiệp ô tô toàn cầu.
Trong lĩnh vực vẫn bị thống trị bởi những cái tên quen thuộc hơn như Toyota Motor, Volkswagen và General Motors, các hãng Trung Quốc như BYD và SAIC Motor đang có những bước phát triển gây kinh ngạc.
Sau khi vượt qua Mỹ, Hàn Quốc và Đức trong vài năm qua, Trung Quốc đang cạnh tranh với Nhật Bản để giành vị trí dẫn đầu toàn cầu về xuất khẩu xe hơi.
Tính đến tháng 10 năm nay, khoảng 1,3 triệu trong số 3,6 triệu xe được xuất xưởng ở Trung Quốc đại lục là xe điện.
“Bối cảnh cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô đã thay đổi. Vấn đề không còn là quy mô và di sản của các công ty nữa, mà là tốc độ mà họ có thể đổi mới. BYD đã bắt đầu chuẩn bị từ lâu để có thể thực hiện việc này nhanh hơn mọi người nghĩ, và giờ đây các hãng khác trong ngành đang phải chạy đua để bắt kịp”, Bridget McCarthy, người phụ trách các hoạt động tại Trung Quốc của Snow Bull Capital, quỹ phòng hộ có trụ sở tại Thâm Quyến đã đầu tư vào cả BYD và Tesla, đánh giá.
Việc BYD "giành được chiếc vương miện" về doanh số bán xe điện cũng phản ánh thay đổi trong động lực cạnh tranh giữa Elon Musk của Tesla, giám đốc điều hành giàu nhất thế giới và nhà sáng lập BYD - tỷ phú Wang Chuanfu.
Trong khi tỷ phú Musk cảnh báo không có nhiều người tiêu dùng đủ khả năng mua xe điện của Tesla thì tỷ phú Wang tiếp tục đẩy mạnh. BYD cung cấp gần chục mẫu xe với giá thấp hơn nhiều so với giá của mẫu sedan Model 3 rẻ nhất của Tesla ở Trung Quốc.
Hồi tháng 5, một câu lạc bộ chủ sở hữu Tesla chia sẻ đoạn clip cho thấy tỷ phú Musk cười khúc khích với những chiếc xe của BYD trong lần xuất hiện trên Bloomberg TV năm 2011, nhưng tỷ phú Musk phản hồi rằng những chiếc xe của BYD ngày nay “có tính cạnh tranh cao”.
Sự thay đổi về thị trường xe điện toàn cầu cho thấy tỷ phú Wang, 57 tuổi, có thể thực hiện mục tiêu đề ra khi Trung Quốc mới bắt đầu thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô điện.
Nhiều rào cản ở nước ngoài
Trong khi BYD tiếp tục bỏ xa Tesla và tất cả các thương hiệu ô tô khác trong nước, việc đạt được thành công ở nước ngoài có vẻ khó khăn.
Châu Âu có vẻ sẵn sàng cùng Mỹ áp mức thuế cao hơn đối với ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc để bảo vệ việc làm của họ. Thị trường xe điện ở các quốc gia khác vẫn còn ở giai đoạn sơ khai. Thị trường Mỹ khó tiếp cận hơn do căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.
Khác với tỷ phú Musk, tỷ phú Wang tránh xa mạng xã hội và ít xuất hiện. Nhưng trong một bài phát biểu vài tuần trước khi Liên minh châu Âu mở cuộc điều tra về cách Trung Quốc trợ cấp cho ngành công nghiệp xe điện, tỷ phú Wang tuyên bố đã đến lúc các thương hiệu Trung Quốc phải “phá bỏ những huyền thoại cũ” trong thế giới ô tô.
Trong khi nhiều người bên ngoài vẫn chỉ biết mơ hồ về BYD thì từ năm 2007, hãng Berkshire Hathaway của tỷ phú Warren Buffett đã chi 230 triệu USD để mua gần 10% cổ phần của hãng xe Trung Quốc.
Khi Berkshire bắt đầu giảm tỷ lệ nắm giữ vào năm ngoái, giá cổ phiếu của BYD đã tăng khoảng 35 lần lên đạt mức vốn hoá khoảng 8 tỷ USD.
Năm 2016, BYD thuê Wolfgang Egger làm giám đốc thiết kế. Ông Egger từng đảm nhiệm vị trí này cho hai hãng Audi và Alfa Romeo. BYD cũng tuyển mộ các giám đốc điều hành quốc tế khác, trong đó có giám đốc thiết kế ngoại thất của Ferrari và nhà thiết kế nội thất hàng đầu của Mercedes-Benz.
So với thời điểm Trung Quốc mời Tesla xây dựng nhà máy ô tô đầu tiên do một hãng nước ngoài sở hữu hoàn toàn, BYD không còn chỉ sản xuất những chiếc xe tiết kiệm đơn giản nữa. Giờ đây, mẫu đắt nhất của hãng – xe thể thao đa dụng Yangwang U8 – có giá 1,09 triệu nhân dân tệ (203.700 USD).