Hàng Việt “lên ngôi” thị trường Tết

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thay vì chọn đủ loại bánh mứt, kẹo ngoại vào giỏ quà Tết, vài năm trở lại đây, người tiêu dùng trong nước có xu hướng ưu tiên lựa chọn hàng Việt để làm quà biếu tặng trong dịp đặc biệt này.

Hàng Việt chiếm sóng

Theo khảo sát của PV báo Tiền Phong, tại nhiều siêu thị ở TPHCM như Co.opmart, Satra, Mega Market, Big C, Aeon…, hàng Tết đã được bày biện vô cùng phong phú, đa dạng ở các quầy kệ. Đặc biệt, năm nay các loại hàng hóa “made in Vietnam” đã chiếm lĩnh thị trường, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng từ cao cấp đến bình dân như mật ong Hà Giang, Đắk Lắk; tỏi đen Lý Sơn; bơ sáp Tây Nguyên; tôm khô Đầm Dơi, khô cá thòi lòi Đất Mũi (Cà Mau); hạt điều (Bình Phước)…

Lựa chọn một xe đẩy đầy các loại bánh, mứt, kẹo, nước giải khát của các nhãn hàng trong nước như Bibica, Kinh Đô, Chương Dương… chị Trần Thị Thu Lan (kế toán tại một doanh nghiệp ở quận 3) chia sẻ: “Năm nào tôi cũng chọn mua hàng Tết khá sớm để gửi tặng gia đình, bạn bè, người thân… Bây giờ hàng hóa do doanh nghiệp trong nước sản xuất phong phú, chất lượng, mẫu mã không thua gì hàng ngoại nhập. Đặc biệt trong hai năm đại dịch vừa qua, công ty kinh doanh khó khăn do đơn hàng giảm, thì những sản phẩm Việt vừa túi tiền được tôi ưu tiên lựa chọn nhiều hơn”.

Chọn hàng Việt ăn Tết như chị Lan cũng đang là xu hướng của rất nhiều khách hàng hiện nay. Nắm bắt nhu cầu đó, các doanh nghiệp sản xuất, siêu thị phân phối không ngừng tăng nguồn hàng, đa dạng sản phẩm phục vụ “thượng đế”.

Trở lại với thị trường Tết Quý Mão 2023, Công ty CP Dầu thực vật Tường An đặt kế hoạch sản lượng tăng 15% so với cùng kỳ, phát triển đồng đều cả 3 phân khúc phổ thông, trung và cao cấp tùy thuộc đặc trưng của từng khu vực.

Ông Bùi Thanh Tùng – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn KIDO, Tổng Giám đốc Công ty Tường An cho biết: “Trước những biến động của nền kinh tế thế giới cùng tác động của thị trường trong nước khiến người tiêu dùng dè dặt hơn trong chi tiêu. Vì vậy, những sản phẩm thiết yếu như dầu ăn sẽ được cân nhắc để mua sắm nhiều hơn. Như mọi năm, chúng tôi đã triển khai kế hoạch sản xuất, thiết kế bao bì, hộp quà cho năm mới từ rất sớm để kịp sản xuất và cung ứng cho thị trường. Đặc biệt, dù giá nguyên liệu, lạm phát có dấu hiệu tăng, chúng tôi vẫn sẽ giữ nguyên giá bán, đồng thời tặng thêm quà khi khách mua dầu ăn”.

Tại các chợ truyền thống ở TPHCM như Bến Thành, Tân Định (quận 1), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Bàn Cờ (quận 3), An Đông (quận 5)…, hàng Việt cũng chiếm ưu thế trước hàng ngoại nhập. Lý giải nguyên nhân khiến mặt hàng bánh kẹo Việt Nam chiếm ưu thế, các tiểu thương có chung ý kiến, sức tiêu thụ bánh kẹo nội cao cấp vẫn mạnh hơn bánh kẹo ngoại, bởi chất lượng không thua kém nhưng giá chỉ bằng 50-60% hàng ngoại.

Hàng Việt “lên ngôi” thị trường Tết ảnh 1

Hàng Việt được nhiều người tiêu dùng lựa chọn dịp Tết

Sức mua hàng nội địa tăng cao

Từ nay đến cuối năm 2022, hệ thống các điểm bán lẻ của Tổng Công ty thương mại Sài Gòn TNHH MTV (Satra) giảm giá hơn 3.000 mặt hàng với mức giảm lên đến 72%. Các sản phẩm được khuyến mãi khác tặng kèm sản phẩm, mua hàng giá tốt, nhận voucher mua hàng gia dụng…

“Tận dụng thế mạnh là tổng công ty có nhiều đơn vị thành viên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - chế biến lương thực, thực phẩm như Vissan, APT, Cofidec… Satra đã làm việc với các nhà cung cấp, vừa để đàm phán các mức chiết khấu tốt nhất, vừa để đảm bảo nguồn hàng khuyến mại. Điển hình như với Công ty Vissan, một số sản phẩm thịt heo được bày bán với mức giảm giá hơn 40%...” - bà Phạm Thị Vân, Phó Tổng Giám đốc Satra chia sẻ.

Đại diện MM Mega Market thông tin, người tiêu dùng có tâm lý bắt đầu mua sắm ít nhất 4 tuần trước Tết nên siêu thị bắt đầu trưng bày hàng hóa cho dịp Tết Nguyên đán từ 15/12/2022 đến 21/1/2023 (hơn 1 tháng trước Tết), để khách hàng có thể linh hoạt sắp xếp thời gian mua sắm mà vẫn không bị dồn vào những ngày cận Tết.

“Chúng tôi tập trung đảm bảo nguồn cung cho những mặt hàng thiết yếu như rau củ quả, thịt cá, bánh kẹo, đồ uống…, tránh tình trạng hàng hóa khan hiếm và giá cả leo thang cuối năm với nhiều khuyến mãi Mua 1 tặng 1; Mua nhiều lợi nhiều, Nhân 5 lần điểm tích lũy…” – đơn vị này thông tin.

Bà Lê Cẩm Linh, giám đốc một cửa hàng tiện lợi trên đường Hai Bà Trưng (quận 3) thừa nhận: “Nhu cầu mua sắm hàng Việt của khách năm nay tăng cao, hơn nữa do ảnh hưởng lạm phát nên hàng nhập khẩu rất ít, các quầy kệ đều được hàng Việt thay thế và lấp đầy. Điều này phần nào tác động đến hành vi mua hàng của người Việt, giúp các nhà sản xuất ghi dấu ấn trong lòng người dân, thúc đẩy tinh thần Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”.

Đại diện Sở Công Thương TPHCM cho biết, hiện hàng Việt đã chiếm lĩnh chủ yếu ở các kênh phân phối trên địa bàn thành phố. Riêng nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu đã đạt trên 80%, nhóm hàng nông sản đạt trên 90%. Đây chính là những lợi thế để doanh nghiệp sản xuất hàng Việt và các đơn vị phân phối có cơ hội phát triển mạnh hơn trong thời gian tới.

MỚI - NÓNG