Linh động ứng biến
Những ngày này, công nhân Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản – Vissan khẩn trương làm hàng ngày đêm để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán 2023. Ông Trương Hải Hưng, Phó tổng giám đốc Vissan cho biết, nhiều tín hiệu khởi sắc của doanh nghiệp mùa cuối năm, đó là Vissan sẽ tung ra thị trường Tết 4.200 tấn thực phẩm chế biến và gần 3.000 tấn thực phẩm tươi, tăng lần lượt 10% và 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có nhiều sản phẩm mới như giò sụn ớt xiêm xanh, giò sụn giòn… Sản phẩm này được chế biến từ hương thơm nồng nàn đặc trưng của ớt xiêm hòa quyện cùng hương vị ngọt thơm từ nguyên liệu thịt heo chuẩn VietGAP, đặc biệt kết hợp cùng sụn gà tạo cho món ăn thêm phần mới lạ.
Theo ông Hưng, vấn đề an toàn thực phẩm luôn được đơn vị này đặt lên hàng đầu, đặc biệt với các sản phẩm cung cấp cho trường học, bếp ăn công nghiệp… Với mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn bền vững “từ trang trại đến bàn ăn”, Vissan luôn kiểm soát chặt chẽ từ nguồn nguyên liệu đầu vào cho đến thành phẩm ra thị trường, bổ sung nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khỏe và phù hợp với người tiêu dùng Việt. Đồng thời tăng cường công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm khi đưa ra thị trường.
“Là doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường nhiều năm liền, chúng tôi cam kết không tăng giá, thậm chí giảm giá nhiều mặt hàng Tết để phục vụ người tiêu dùng tốt nhất. Người tiêu dùng đã tin tưởng sản phẩm Vissan thì chúng tôi càng không được ngủ quên trên chiến thắng mà phải không ngừng nỗ lực, sản xuất, chế biến nhiều sản phẩm tốt hơn để đáp ứng mọi yêu cầu của khách hàng và hướng đến những sản phẩm chất lượng cao để xứng đáng với sự tin yêu của các khách hàng” – ông Hưng khẳng định.
Cũng thể hiện ý chí vượt khó, không ngừng cải tiến để nâng cao chất lượng sản phẩm, ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty TNHH sản xuất, thương mại Tân Quang Minh (Bidrico) cho biết, năm 2021, Bidrico phải đối mặt với nhiều khó khăn khi nhiều nhà cung cấp giảm hoặc ngưng cung cấp nguyên vật liệu cho sản xuất; nguyên vật liệu nhập khẩu bị đứt gãy hoặc quá chậm. Bên cạnh đó, hệ thống phân phối nội địa cũng giảm sút.
Do đó năm nay công ty quyết tâm lấy lại những gì đã mất, đặc biệt là nội địa hóa nguồn nguyên vật liệu mà vẫn giữ được chất lượng không thua kém với nguyên liệu nhập khẩu.
“Chúng tôi đã sử dụng các loại nước cốt chanh dây, xoài, vải được chế biến ở Việt Nam thay cho nguyên liệu nhập khẩu; đồng thời tăng cường sản xuất các loại đồ uống có nguồn gốc từ thiên nhiên như: nước chanh muối, yến sào nha đam, nha đam đường phèn, nước tăng lực nha đam, nước tăng lực thạch dừa...” - ông Hiến thông tin.
Công ty Vissan chinh phục thị trường bằng chất lượng sản phẩm |
Phát triển chuỗi cung ứng, phân phối hàng Việt
Ở góc độ nhà phân phối, ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, vừa qua Saigon Co.op đã ứng dụng công nghệ vào hoạt động phân phối; đồng thời, triển khai mạnh mẽ ứng dụng thanh toán không tiền mặt, giao dịch không tiếp xúc nhằm cung cấp thêm cho người tiêu dùng những trải nghiệm mua sắm mới hiện đại và tiện lợi hơn.
Theo Sở Công Thương TPHCM, đến nay kênh phân phối tại chợ truyền thống và hệ thống siêu thị, cửa hàng tạp hóa có tỉ lệ hàng Việt Nam chiếm trên 90%; tại các trung tâm thương mại, hàng Việt cũng chiếm tới 80%. Đặc biệt, số người tiêu dùng trực tuyến mới tiếp tục tăng và phần lớn trong đó đã trở thành những người tiêu dùng thông minh, thành thạo kỹ năng mua sắm trực tuyến, thậm chí một bộ phận người tiêu dùng đã ưu tiên mua sắm trực tuyến hơn mua sắm truyền thống.
Tại hội nghị tổng kết thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mới đây, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải đánh giá Cuộc vận động trên địa bàn TPHCM ngày càng đi vào chiều sâu, tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành vi ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam trên địa bàn thành phố. Từ đó, góp phần khẳng định vị thế của hàng Việt Nam với chủng loại đa dạng, chất lượng nâng cao, giá cả hợp lý, chiếm tỷ trọng lớn trong hệ thống phân phối bán buôn, bán lẻ tại TPHCM.
Theo ông Hải, bối cảnh năm 2022, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, dịch COVID-19 chưa thể sớm kết thúc, tác động tiêu cực kéo dài, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Ở trong nước, tác động của dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn tiếp tục diễn biến phức tạp; yêu cầu nhiệm vụ cho đầu tư phát triển, phòng chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội rất lớn trong bối cảnh nguồn lực hạn chế.
Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải yêu cầu các đơn vị tập trung vào các nhóm giải pháp đa dạng, mở rộng hình thức, quy mô xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với người tiêu dùng, hình thành các liên kết chiến lược giữa các doanh nghiệp phân phối, giữa phân phối và sản xuất, góp phần tăng cường liên kết nội bộ, liên kết vùng để hình thành và phát triển chuỗi cung ứng, phân phối hàng hóa có giá trị, ổn định và dẫn dắt thị trường. Đồng thời tổ chức giới thiệu các sản phẩm công nghệ mới, các ngành hàng thuộc lĩnh vực sản phẩm chủ lực của thành phố, qua đó thúc đẩy nâng cao giá trị và tiêu chuẩn hàng hóa Việt...