Theo ghi nhận của Tiền Phong chiều 17/7, lực lượng chức năng huyện Cát Hải (TP Hải Phòng) đã khẩn trương di dời các tàu thuyền du lịch, vận tải về nơi neo đậu an toàn. |
Đồng thời, vận động ngư dân khẩn trương gia cố lồng bè nuôi trồng thủy hải sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. |
|
Trên các ô lồng nuôi trồng thủy sản, ngư dân đã sử dụng dây thừng gia cố giữa các ô lồng, nhà nổi trước giờ cơn bão số 1 (bão Talim) đổ bộ. Anh Dũng (ở Cát Bà) tỏ ra lo lắng vì các ô lồng bè bằng vật liệu nhựa HDPE lần đầu đón cơn bão lớn sau khi đưa vào hoạt động. |
Ở các ô lồng đóng bằng gỗ và thùng phuy nhựa, ngư dân cũng cơ bản hoàn tất gia cố bằng bao cát, dây thừng. |
Theo UBND huyện Cát Hải, các tổ công tác địa phương đã trực tiếp xuống 134 cơ sở nuôi trồng thủy sản thông báo với 336 lao động về việc gia cố lồng bè và vận động sơ tán về vị trí tránh trú an toàn. |
Các nhà hàng nổi trên vịnh khu vực Bến Bèo cũng đang được người dân gấp rút gia cố hoặc di dời về khu vực an toàn. |
Tính đến chiều 17/7, có 690 phương tiện tàu, thuyền với hơn 2.000 lao động tránh trú bão trên địa bàn huyện, 646 phương tiện tàu thuyền khai thác và dịch vụ thủy sản, phương tiện vận tải khách và du lịch đã được sắp xếp neo đậu tại các vị trí an toàn. |
Từ trưa 17/7, lực lượng chức năng đã thông báo tạm dừng mọi hoạt động tham quan du lịch trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà. Những khách du lịch nước ngoài cuối cùng được chủ du thuyền đưa vào cảng Bến Bèo trú bão. |
Cũng theo ghi nhận của PV, tại các khách sạn lớn ở trung tâm thị trấn Cát Bà vẫn rất đông du khách ra check-in nhận phòng. Nhiều khách tranh thủ xuống bãi tắm, ra bờ biển vui chơi trước giờ đón bão. |
Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng vừa ban hành Công điện, yêu cầu Chủ tịch UBND các quận huyện, thủ trưởng các sở ngành, đơn vị tuyệt đối không được chủ quan, chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện phòng chống và khắc phục hậu quả do cơn bão số 1 (bão Talim).
Theo dõi sát diễn biến của bão, kiểm đếm, bằng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi trú bão an toàn, quản lý chặt chẽ hoạt động của của tàu thuyền thủy sản, tàu du lịch, tàu vận tải, tổ chức neo đậu tàu thuyền, gia cố lồng bè thủy sản. Tuyệt đối không để người trên các tàu thuyền, lồng bè, chòi canh thủy sản khi có gió mạnh hoặc bão đổ bộ, đặc biệt khách du lịch trên biển và các đảo. Đồng thời, giữ liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.
Chủ động xác định thời điểm thông báo cấm biển, tạm dừng các hoạt động vận tải đường thủy, cầu qua sông, cáp treo, khu vui chơi giải trí ven biển. Chủ động rà soát, thực hiện các phương án phòng chống bão, phương án sơ tán nhân dân ở khu vực trũng, ven sông, ven biển, khu vực có nguy cơ sạt lở…