Hơn 1 năm qua, dịch COVID-19 đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, việc vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn, khi giá cước tăng cao, thời gian vận chuyển kéo dài.
Cước vận chuyển container các tuyến đường dài giữa Việt Nam - châu Âu/Bắc Mỹ đã tăng 4-8 lần trong 1 năm qua, từ mức 4.000 USD/container 40 feet trước đây lên đến 20.000 USD/container, và phải chuyển tải tại các cảng Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc). Tình trạng tăng giá trên có một phần tới từ việc xuất, nhập khẩu hàng container của Việt Nam phải phụ thuộc gần như hoàn toàn vào hãng tàu nước ngoài.
Việc VIMC chính thức khai thác tàu chở container xuất, nhập khẩu trên tuyến đường biển kết nối trực tiếp Việt Nam – Malaysia – Ấn Độ từ ngày 25/11, là sự kiện đánh dấu hãng tàu đầu tiên của Việt Nam tham gia thị trường vận tải container đường dài.
Hải trình bắt đầu từ cảng Hải Phòng, qua cảng Port Klang (Malaysia), điểm cuối tại cảng Calcutta (Ấn Độ). Chiều ngược lại sẽ về cảng SP-ITC (TPHCM). Với tuyến vận tải này, hàng hoá không phải chờ trung chuyển, nên rút ngắn thời gian hơn 10 ngày so với trước đây.
Theo kế hoạch của VIMC, trong năm 2022, đơn vị sẽ tiếp tục đầu tư đội tàu container chuyên dụng, trọng tải lớn để phát triển thị trường vận tải container, phá thế độc quyền của các hãng tàu nước ngoài.
Trước đó, Tập đoàn Hoà Phát cũng chính thức triển khai nhà máy sản xuất vỏ container tại Bà Rịa – Vũng Tàu, góp phần để Việt Nam chủ động hơn trong xuất, nhập khẩu hàng hoá.
Các bước đi trên của doanh nghiệp Việt Nam hứa hẹn từng bước tham gia thị trường vận tải container quốc tế bằng đường biển, giảm phụ thuộc vào các hãng tàu nước ngoài, khi 99% thị phần của thị trường này đang nằm trong tay các hãng tàu nước ngoài.