Học sinh, phụ huynh tiễn đưa người thầy đáng kính.
Hạc đã về trời
Lễ viếng, lễ truy điệu kéo dài 3 giờ đồng hồ, các ngả đường xung quanh nhà tang lễ tắc nghẽn. Các thế hệ học trò trường Lương Thế Vinh tề tựu chật kín cả khoảng sân rộng trong nhà tang lễ. Mỗi học sinh khi đến viếng đều dán hình ảnh người thầy đáng mến trên ngực trái của mình.
Nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gửi vòng qua kính viếng. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đến viếng và chia buồn cùng gia đình. Trong sổ tang, ông Chung viết: “PGS Văn Như Cương đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp giáo dục của thủ đô và đất nước. PGS mãi là tấm gương mẫu mực cho nhiều thế hệ học trò thủ đô và cả nước noi theo”.
Ở một góc khác, Ban tổ chức đặt nhiều cuốn sổ, hộp kính để các thế hệ học sinh viết lời tri ân. Những lời chúc, lời tri ân đầy xúc động được gửi lại. Những giọt nước mắt lăn xuống ướt đẫm cả trang giấy. Trong tiếng nhạc tiễn đưa, không ai nói với ai lời nào, chỉ nghe tiếng thổn thức. Đứng ở sân sau nhà tang lễ, nhiều học sinh đã ôm nhau nấc nghẹn…
Sau lễ viếng, cô Nguyễn Thị Hải, người có hơn 10 năm dạy nhạc trường Lương Thế Vinh chia sẻ: “Từ khi hay tin thầy mất, mình rất buồn. Thầy như một người cha, người ông luôn coi học sinh, giáo viên trong trường như người nhà”. Nên dù không còn dạy học ở trường, cô vẫn dành nhiều tình cảm cho thầy, sáng nay cô nghỉ việc đến nhà tang lễ từ 9 giờ để thắp cho thầy nén hương tiễn biệt. Cô chia sẻ: “Tôi cảm thấy tự hào vì khi sáng tác Bài ca “Hát về mái trường Lương Thế Vinh” đã được chính thầy chọn làm bài hát truyền thống của trường”.
Vũ Ngọc Khoa, cựu sinh viên trường Lương Thế Vinh ngậm ngùi: “Thầy ra đi là mất mát lớn đối với các thế hệ học sinh. Thầy nghiêm khắc nhưng bao dung, hiền hòa, là tấm gương cho học sinh chúng em. Chúng em sẽ khắc ghi lời dạy có chí thì nên của thầy”.
Có người ví, sự ra đi của ông giáo già xứ nghệ là hạc đã về trời. Hàng ngàn lời nguyện cầu xuất phát từ trái tim của nhiều thế hệ học trò, giáo viên, phụ huynh khiến người dự tang lễ không khỏi xúc động. Đặc biệt, trước giờ lễ truy điệu, nhóm cựu học sinh đã cùng nhau hát bài hát: “Bài học đầu tiên” để tiễn đưa.
Chị Nguyễn Hà Thu (Thanh Xuân), phụ huynh học sinh tâm sự: “Hiếm có người thầy nào ra đi lại khiến người ta tiếc thương nhiều như thầy. Không phải người thân nhưng mấy hôm nay cả tôi và con gái đều cảm thấy mất mát, hụt hẫng”.
Một đời trăn trở với sự nghiệp giáo dục
Theo người nhà của PGS Văn Như Cương, trước khi mất thầy có di nguyện. Thứ nhất, tiền phúng viếng sẽ để xây điểm trường mầm non Na Ngao tại xã Đồng Tâm, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang. Số tiền còn lại cho vào quỹ để giúp đỡ những học sinh khó khăn. Di nguyện thứ hai là linh cữu của thầy được về “thăm” hai ngôi trường lần cuối để tạm biệt các học trò thân thương. Và hôm nay, gia quyến đã thực hiện di nguyện của thầy giáo già là về thăm mái trường lần cuối ở cả hai cơ sở. Trước khi xe chở linh cữu về đến nơi, học sinh Lương Thế Vinh đã xếp hàng dài hai bên đường hát bài ca truyền thống để đón và tiễn biệt thầy lần cuối. Người thầy đáng kính đã đi qua hai hàng nước mắt học sinh để về Đài hóa thân hoàn vũ – Văn Điển thực hiện nghi lễ cuối cùng.
Thầy Văn Như Cương, sinh năm 1937 tại làng Quỳnh Đôi, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Thầy là người sáng lập trường THPT dân lập Lương Thế Vinh đầu tiên của cả nước, đến nay sau gần 30 năm đã trở thành ngôi trường danh tiếng với nhiều thế hệ học trò. Thầy cũng là người biên soạn hàng chục đầu sách giáo khoa, giáo trình đại học. Ông đã dành cả đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
“Hiếm có người thầy nào ra đi lại khiến người ta tiếc thương nhiều như thầy. Không phải người thân nhưng mấy hôm nay cả tôi và con gái đều cảm thấy mất mát, hụt hẫng”
Phụ huynh Nguyễn Hà Thu (Thanh Xuân, Hà Nội)