Dung dị đời sống tâm linh
Đường mới mở lên chùa Ông Núi
Tọa lạc ngay lưng chừng đỉnh Chóp Vung, chùa Ông Núi thu hút du khách bởi nhiều câu chuyện huyền thoại về vị Mộc Y Sơn Ông và công lao chữa bệnh cho dân nghèo. Hơn nữa, với địa thế lưng tựa núi, mặt hướng ra biển, khuôn viên lại có nhiều hang sâu, chùa Ông Núi trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách thập phương.
Tượng Phật Thích Ca cao 69m, cao nhất Đông Nam Á ở trước cổng chùa trên núi
“Tôi đến chùa lễ Phật cầu mong một năm an yên, sức khỏe cho bản thân và gia đình. Cùng với đó tôi cũng mong may mắn đến với tất cả mọi người”, bà Nguyễn Thị Bạch Tuyết, du khách đến từ huyện Phù Mỹ, chia sẻ.
Từ các bậc tam cấp lên chùa nhìn ra biển Cát Tiến
Đến với chùa Ông Núi vào dịp này, du khách không chỉ bái Phật, vãn cảnh mà còn được cùng nhau dùng bữa cơm chay thanh đạm để cầu bình an và sức khỏe. Năm nay nhà chùa chuẩn bị số lượng lớn thực phẩm chay gồm 5 tấn gạo, 7 tấn dưa cải, 3 tấn cải bắp, 2 tấn quả su... để phục vụ lượng du khách đông đảo từ ngày 23 đến 25 tháng Giêng. Dẫu số lượng du khách rất đông nhưng khu vực nhà ăn của nhà chùa không hề xô bồ mà diễn ra trong trật tự, gần gũi.
Khách cầu nguyện trước cổng chùa
Hòa thượng Thích Quảng Nghiêm, trụ trì Linh Phong Thiền Tự chia sẻ, hàng năm chùa đón vài chục ngàn người nhưng thời gian gần đây, lượng khách từ các tỉnh như Quảng Ngãi, Gia Lai, Phú Yên, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Hà Nội... tăng lên đột biến.
Lễ cúng của chùa sẽ diễn ra vào tối 24, ngày 25 tháng Giêng. Năm nay trong lễ cúng nhà chùa có tổ chức múa lân - sư - rồng để thêm phần trang trọng.
Hàng ngàn người chen chân lên chùa với lối đi được xây dựng từ hàng trăm năm trước
Thu hút khách du lịch
Khuôn viên trước thánh điện hạn chế khách hành hương tụ tập
Chùa Ông Núi là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia, một trong những ngôi chùa lâu đời và nổi tiếng nhất Bình Định, được nhắc đến trong nhiều sử sách xưa. Du khách đến đây không chỉ có ý nghĩa đặt chân đến một địa chỉ tâm linh, một vùng địa linh mà còn đến một địa chỉ du lịch nổi tiếng, được khám phá, thăm thú danh lam thắng cảnh. Chùa đã tồn tại hơn 300 năm, nay với tượng Phật được tạo dáng trong tư thế ngồi mới khánh thành cuối năm 2017 càng thêm thu hút du khách.
Quảng trường trường pháp luân rộng hàng ngàn m2
Ưu điểm địa thế đã vậy, dọc đường vãn cảnh chùa Ông Núi ngày trước mùa lễ hội năm nay, những câu chuyện bên lề, đời thường càng khiến du khách cảm tình với địa chỉ tâm linh này. Đó là sự thiện cảm, thoải mái, tin tưởng khi chúng tôi gửi xe máy với giá 5.000 đồng, mua chai nước suối giá 5.000 đồng và chiếc mũ lát giá 20.000 đồng tại một nhà dân đối diện cổng vào tượng Phật ngồi. Đáp lại lời khen “giá đẹp” của nhiều du khách, người giữ xe - chị Đỗ Thị Mỹ Tâm (thôn Phương Phi, xã Cát Tiến) vui vẻ nói thêm: “Giá ngày Tết hay chính lễ và sau đó cũng vẫn vậy, chúng tôi không “chặt chém” đâu, giàu có gì, mang tiếng dân Bình Định lắm!”.
khu nấu ăn phục vụ khách hành hương
Giữa chùa Ông Núi và tượng Phật mới xây dựng xong, có một con đường khá bằng phẳng thông nhau, qua - lại mất chừng 5 phút đi bộ. Bạn có thể đến chùa hoặc tượng trước, rồi tham quan tiếp điểm kia. Đến đây, thắp những nén nhang dâng Phật và nguyện cầu điều phúc, điều lành, thong thả vãn cảnh chùa, tự thưởng cho mình những bức ảnh lưu niệm giữa một không gian non nước hữu tình, thật sự không ít cho một chuyến đi.
Chùa Ông Núi nhìn từ trên cao
Tọa lạc giữa thiên nhiên, vị trí trên cao vốn dĩ đã cho chùa Ông Núi và toàn bộ không gian tượng Phật ngồi một cảm giác thoáng đãng, thư thái. Đã vậy, những hình ảnh đời thường mà chúng tôi vô tình bắt gặp, nghe được như càng góp thêm vẻ mộc mạc, bình yên cho nơi này.
Chùa Ông Núi tương truyền được xây dựng bởi nhà sư mặc áo vỏ cây, sống chan hòa, làm bạn cùng muông thú, cỏ cây đại ngàn, có lẽ hơn 300 năm sau vẫn ít nhiều giữ được những vẻ đẹp giản dị, chan hòa ấy.