> 10 doanh nghiệp gỗ ép được hoạt động trở lại
Người dân Đình Xuyên đã có việc làm trở lại chụp chiều 22-8. Ảnh: Minh Đức. |
Ngày 31-5-2012, UBND huyện Gia Lâm (Hà Nội) ra thông báo đình chỉ hoạt động của 10 cơ sở sản xuất gỗ ép tại xã Đình Xuyên (huyện Gia Lâm), khiến hàng nghìn lao động thất nghiệp.
Từ đó đến nay đã gần 3 tháng, máy móc của các xưởng sản xuất nằm chết một chỗ, nhà xưởng trống vắng, vật liệu sản xuất bỏ không, vật dụng ngổn ngang, lâu ngày bỏ không nên dễ hỏng hóc.
Một người lao động ở đây cho biết, ước tính thiệt hại từ vật liệu, nhà xưởng, máy móc lên tới cả tỷ đồng. Công nhân khốn đốn trong mấy tháng qua.
Ngày 22-8, phóng viên Tiền Phong trở lại xã Đình Xuyên, chứng kiến cảnh công nhân dọn dẹp máy móc, nhà xưởng trong niềm vui công việc.
Một nữ nhân công cho hay, vô cùng vui mừng vì có việc làm trở lại, không phải ngồi lê đường phố tìm việc. Cũng may chính quyền tạo điều kiện cho chúng tôi, không thì chẳng biết trông chờ vào đâu.
Ông Nguyễn Duy Ba (65 tuổi) đang làm việc tại xưởng, chia sẻ, từ khi mất việc, cả gia đình rơi vào cảnh bữa no, bữa đói, phải vay mượn. Nay, được làm việc trở lại, tôi rất vui.
Tuy nhiên, ông Ba cũng không giấu được vẻ lo lắng bởi một số người thường xuyên gây sự, mang nước đổ nhằm dập lửa lò hơi của các cơ sở sản xuất.
Không gây ô nhiễm
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Duy Thích, Chủ tịch UBND xã Đình Xuyên cho biết, ngay sau cuộc họp đối thoại với chủ cơ sở sản xuất và người lao động (hôm 13-8), chúng tôi đã ra nghị quyết về lao động và việc làm, nhằm giải quyết số người lao động thất nghiệp trên địa bàn xã.
Cụ thể, UBND xã đã có văn bản gửi UBND huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội cho Đình Xuyên cơ chế đặc thù, nhằm khoanh vùng tạo điều kiện cho 10 cơ sở gỗ ép hoạt động trở lại.
Điều này vừa giải quyết việc làm cho người lao động, lại đảm bảo an ninh trật tự, cũng như đời sống của bà con nhân dân.
Chủ các cơ sở sản xuất gỗ ép và người lao động đồng thời đã có đơn thư gửi UBND huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội, để các cơ quan này xem xét, tạo điều kiện cho bà con có công ăn việc việc.
“Trước mắt, chúng tôi đã đề nghị huyện Gia Lâm cho các cơ sở sản xuất gỗ ép được tiếp tục hoạt động đến hết Tết Nguyên đán. UBND huyện đồng ý đề nghị này. Chúng tôi cũng đề nghị UBND huyện Gia Lâm tham mưu cho thành phố Hà Nội sớm thực hiện dự án làng nghề tại Đình Xuyên để các cơ sở gỗ ép có thể chuyển vào đó sau Tết Nguyên đán” - ông Thích nói.
Cũng theo ông Thích, nên quy hoạch khu làng nghề ngay tại vị trí các xưởng sản xuất, vừa không gây lãng phí, lại thuận tiện cho người lao động và các cơ sở sản xuất được hoạt động liên tục.
Đại diện UBND xã Đình Xuyên cho biết, khi các cơ sở sản xuất trở lại, khoảng chục người dân trên địa bàn lại tiếp tục mang đơn đi khiếu nại về việc các cơ sở sản xuất gỗ ép gây ô nhiễm môi trường.
Phía UBND xã đã giải thích rằng, việc gây ô nhiễm môi trường đã được Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm về Môi trường (Công an Hà Nội) có văn bản số 39 trả lời UBND huyện Gia Lâm.
Cụ thể, cơ quan này tiến hành lấy 18 mẫu khí xung quanh khu vực sản xuất, 20 mẫu keo của cơ sở ông Thạch Thọ Ly và 9 hộ kinh doanh khác.
Kết quả phân tích cho thấy, cả 18 mẫu khí xung quanh đều nằm trong giới hạn cho phép, 20 mẫu keo không phải là hóa chất nguy hiểm.
“Cùng với việc khiếu nại, một số đối tượng đã gây rối, thậm chí còn mang cả nước dập lửa lò hơi của các cơ sở sản xuất gỗ ép, khiến chúng tôi phải điều động công an xuống để can thiệp” - ông Thích nói.