Hàng không kêu lỗ và chuyện tăng giá vé

Khách đi máy bay ngày càng đông nhưng các hãng bay nội địa vẫn kêu lỗ. Ảnh: Gia Khánh
Khách đi máy bay ngày càng đông nhưng các hãng bay nội địa vẫn kêu lỗ. Ảnh: Gia Khánh
TP - Các hãng hàng không nội địa đang rốt ráo làm đề án xin tăng giá vé máy bay, mức cao nhất tăng tới 1,5 lần. Lý do xin tăng giá vé là do các hãng đều kêu lỗ nặng. Thực hư chuyện lỗ của các doanh nghiệp này ra sao?

> Giá vé máy bay sẽ tăng 1,5 lần?

Khách đi máy bay ngày càng đông nhưng các hãng bay nội địa vẫn kêu lỗ. Ảnh: Gia Khánh
Khách đi máy bay ngày càng đông nhưng các hãng bay nội địa vẫn kêu lỗ. Ảnh: Gia Khánh.
 

Lỗ và... lỗ

Vietnam Airlines (VNA) đầu năm nay công bố 70% chi phí đầu vào phải thanh toán bằng ngoại tệ, trong khi thu nội địa tính bằng tiền đồng theo mức trần bị khống chế, nên năm 2010 phải bù lỗ 30 triệu USD cho mạng bay nội địa. Còn 6 tháng đầu năm nay, tình trạng kinh doanh của VNA cũng không sáng sủa hơn.

Theo VNA, nếu VNA không có các ngành nghề kinh doanh khác và các đường bay quốc tế bù đắp thì kết quả kinh doanh hàng không nội địa sẽ vô cùng khó khăn.

Jetstar Pacific (JP) còn rơi vào tình trạng khó khăn hơn. Bởi chỉ bay nội địa, không có nhiều nguồn thu khác để bù lỗ. Trong 3 tháng cao điểm 6, 7, 8 năm 2010, lúc đó giá dầu thô bình quân trên 86 USD/thùng, JP đã có lãi. Hệ số sử dụng ghế cả năm 2010 của JP đạt 90,6%, tăng 2,6% so với năm trước đó.

Theo Tổng GĐ JP Lê Song Lai, kết quả hoạt động kinh doanh của hãng năm 2010 đạt 108,92 triệu USD (không bao gồm doanh thu từ hoạt động tài chính), tăng 8,6% so với năm 2009, tương đương 7,49 triệu USD. Doanh thu vận chuyển hành khách đạt 99,33 triệu USD, tăng 8,2%.

Tuy nhiên, doanh thu trên đã không bù đắp nổi chi phí cho hãng bay này. Khi giá nhiên liệu tăng cao, tỷ giá ngoại tệ tăng (khiến JP bù lỗ chênh lệch giữa tỷ giá khoảng 1,362 triệu USD), các loại phí dịch vụ mặt đất cũng tác động tới doanh thu...

Air Mekong ngay từ khi bay khai trương đã tuyên bố cố gắng đảm bảo lỗ có lộ trình. Ông chủ hãng bay này từng cho biết, với sự biến động của tỷ giá, giá xăng dầu, vướng mắc mức giá trần hiện tại đã ảnh hưởng tới tính chủ động trong kinh doanh, khoảng 50% phụ thuộc vào tác động ngoài cảnh, ngoài tầm kiểm soát.

Lượng khách đi lại trên mỗi chuyến bay chiếm hơn 90% số ghế, thị trường tăng trưởng 2 con số, nhưng các hãng hàng không nội địa vẫn kêu lỗ, để đòi tăng giá. Có thực sự các hãng bay đang lỗ? Một chuyên gia vận tải hàng không cho biết, việc các hãng hàng không nội địa lỗ không khó xác định. Một chuyến bay có bao nhiêu ghế, các chi phí cũng dễ thấy, đặt trên một đường bay cụ thể sẽ hoạch toán ra lỗ, lãi thế nào. Sau đó tính gộp các đường bay sẽ có kết quả doanh thu chung.

Trên thực tế, nếu “ngon ăn” Hãng hàng không tư nhân Indochina Airlines của nhạc sỹ Hà Dũng đã không "chết yểu” sau thời gian ngắn cất cánh, hãng bay tư nhân Vietjet Air thành lập nhiều năm nhưng liên tục lỗi hẹn khai trương.

“Đã đành kinh doanh hàng không cần phải có năng lực tài chính và kinh nghiệm điều hành, nhưng tác động từ các yếu tố bên ngoài (giá xăng dầu, biến động tỷ giá...) tới kinh doanh hàng không rất lớn”, chuyên gia này nói.

Chuyên gia này tiết lộ, một hãng hàng không nội địa báo cáo với cơ quan chức năng chỉ cần giá dầu thế giới 105 USD/thùng đã bị lỗ 1.757 tỷ đồng/năm. Trong khi đó, giá dầu hiện nay khoảng 120 USD/thùng, chắc chắn số lỗ lớn hơn con số trên rất nhiều lần.

Một nguồn tin riêng của Tiền Phong cho biết, tới đây nếu không có tiền rót vào để tái cơ cấu, thêm một hãng hàng không nội địa có thể bị xoá sổ.

Ai thẩm tra chuyện lỗ?

Một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho biết, cuối tháng này, các hãng hàng không sẽ trình đề án tăng giá vé. Các đề án này sẽ phải báo cáo cụ thể các số liệu như chi phí, lợi nhuận kinh doanh...thế nào. Cơ quan chức năng của Cục HKVN sẽ đánh giá xem mức đề xuất tăng giá vé kiểm tra xem các mức chi phí, lợi nhuận có đúng thực tế hay không.

“Thực tế, lãi hay lỗ trong kinh doanh hàng không làm sao qua mặt được Cục. Ngoài ra, còn bao nhiêu cơ quan chức năng khác có thể kiểm tra như kiểm toán, đại diện vốn sở hữu, thanh tra Bộ Tài chính”, lãnh đạo Cục HKVN này nói.

Một chuyên gia kinh tế nói: Tăng trưởng hàng không nội địa là đáng kinh ngạc. Bảy tháng đầu năm nay, có khoảng 8 triệu lượt khách đi lại bằng đường hàng không (12 tháng năm 2010 có 12 triệu lượt khách). Tăng khoảng 14,6% là mức tăng cao nhất trong các loại hình vận tải. Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của các hãng nội địa là màu xám.

Hiểu rõ chuyện này nhất nên Bộ GTVT và Tài chính từng ban hành một thông tư liên tịch (số 103) cho phép bỏ giá trần ở những đường bay có sự cạnh tranh. Tuy nhiên do vướng Luật Hàng không Dân dụng hiện hành (quy định Nhà nước quản lý giá cước vận tải hàng không) nên thông tư 103 vẫn chưa được áp dụng.

Cảng hàng không cũng kêu lỗ nặng

Vừa qua, các cảng hàng không kêu lỗ vì thu không đủ chi phí vận hành. Tổng GĐ Tổng Cty Cảng Hàng không miền Bắc (NAC) Lê Mạnh Hùng cho biết từ trước tới nay các cảng địa phương, đặc biệt cảng nhỏ, tần suất bay thấp (có cảng chỉ có 1 chuyến/ngày) luôn gặp khó khăn về chi phí.

Được biết, năm 2010, NAC đã phải chi 82,3 tỷ đồng bù lỗ cho 5 cảng hàng không địa phương trực thuộc.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.