Hàng hóa nghệ thuật

0:00 / 0:00
0:00
TP - Nếu cứ theo như định nghĩa của mọi loại từ điển trên đời thì hàng hóa là những sản vật dùng để bán nói chung. Và sản vật của mĩ thuật như tranh, tượng… cũng không nằm ngoài định nghĩa này. Thế nhưng câu chuyện sẽ khác đi khi ta có những cách nhìn khác nhau. Nó không chỉ là mối quan tâm của khán giả mĩ thuật mà còn là băn khoăn toan tính của cả người làm nghệ thuật tạo hình.
Hàng hóa nghệ thuật ảnh 1

Điệu múa cổ. Nguyễn Tư Nghiêm. Sơn mài. 1970

Mỹ thuật khi nào là hàng hóa

Ta đã từng được làm quen với những thuật ngữ mà báo chí, sách vở khi đề cập đến một tác phẩm cụ thể nào đó và gọi nó là kiệt tác hoặc đánh giá nó là vô giá. Điều này nghe quen tai và mặc nhiên ta chấp nhận nó là đúng. Nhưng sự thực không phải thế. Ta cũng từng được xem và nghe những cuộc đấu giá trên thế giới rất nhiều kiệt tác mĩ thuật. Chúng đều có giá tiền cụ thể cho từng thứ. Những thứ được coi là vô giá chỉ là nó chưa được mang ra bán mà thôi. Thậm chí dù không bán thì giới kinh doanh nghệ thuật chẳng mấy khó khăn cũng có thể ước đoán được giá trị của nó.

Làm thế nào để phân biệt được đâu là một tác phẩm nghệ thuật và đâu là hàng hóa mĩ thuật? Câu hỏi này làm bận tâm không ít những người chơi tranh, tượng. Để đơn giản nhất mà họ có thể hiểu được, nhiều người đã đề ra khái niệm rằng cái gì có số lượng nhiều hơn một thì đó chính là hàng hóa. Thoạt nghe thì cũng thấy xuôi tai. Nhưng không hẳn thế. Bức tranh “The scream” của Edvard Munch có đến 3 phiên bản do chính ông thực hiện. Và chúng đều có giá vài chục triệu USD ngang nhau. Đó hẳn là một kiệt tác của hội họa thế giới không thể nghi ngờ. Và nó không độc bản. Nhưng cũng không thể gọi là hàng hóa được.

Hàng hóa nghệ thuật ảnh 2

Tiếng thét- Tranh của Edvard Munch. Chất liệu tổng hợp 91x73,5cm. Bảo tàng Oslo-Na Uy

Không chỉ họa sĩ Việt Nam mà rất nhiều họa sĩ thế giới suốt đời chỉ theo đuổi một phong cách. Thậm chí một đề tài vẽ đi vẽ lại hàng trăm lần. Đây chính là vấn đề lớn nhất để đánh giá tác phẩm của họ. Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm vẽ đi vẽ lại nhiều lần những tranh “Điệu múa cổ”, tranh “Thánh Gióng”, tranh Con giáp”. Nhưng rất khó để ai đó nói rằng tranh của ông là hàng hóa. Ông không làm hàng. Mỗi bức vẽ của ông là một tìm kiếm nghệ thuật như một tác phẩm độc lập. Họa sĩ Bùi Xuân Phái vẽ hàng trăm bức Phố Hà Nội. Thoạt trông có thể nhận ra phong cách của ông rất rõ ràng. Nhưng thực ra chúng được họa sĩ vẽ ra với những trạng thái tâm lí rất khác nhau. Và hàng trăm bức Phố của ông hoàn toàn là những tác phẩm độc lập bền vững với thời gian.

Thuật ngữ “hàng hóa” dùng trong mĩ thuật tai hại thay lại giống như một lời miệt thị. Dù rằng tranh tượng được mua bán rôm rả hàng ngày thì chắc chắn cũng không có họa sĩ nào tự nhận tranh của mình là hàng hóa. Có chăng chỉ là trào tiếu cho khuây khỏa những lúc lao động mệt nhọc. Trong thâm tâm họ hẳn là vẫn nghĩ mình đang cống hiến cái đẹp cho đời. Thế nhưng vẫn có nhiều trường hợp bị cơm áo dẫn đường mà người họa sĩ ấy đã không hề biết mình đã lặp lại chính mình. Ở mức độ sâu rộng thì có thể được núp bóng dưới một mĩ từ là “phong cách”. Ở mức cụ thể cho từng tác phẩm thì lại được biện minh bằng thị trường có nhu cầu. Đã có nhiều họa sĩ loay hoay cố chứng minh rằng mình không lặp lại. Bằng chi tiết đơn lẻ hoặc bảng hòa sắc khác biệt. Tuy nhiên, cái phần cốt lõi ngay từ lúc đặt vấn đề đã hoàn toàn như một. Nó chỉ giống như một bản ảnh được photoshop ở nhiều trạng thái khác nhau. Người xem vẫn hoàn toàn có thể nhận ra là chính nó.

Dù muốn dù không thì ta vẫn phải coi những tranh bày bán trên phố Nguyễn Thái Học là hàng hóa. Mặc dù chúng hoàn toàn khác nhau. Chỉ có một điểm duy nhất giống nhau là đều phục vụ một loại thị hiếu bình dân tầm thấp. Và dĩ nhiên nó rẻ tiền. Ở đây lại nảy sinh một câu hỏi khác. Vậy nếu nó được bán ra với giá đắt, thậm chí rất đắt thì có vượt ra khỏi được ngưỡng cửa hàng hóa để trở thành nghệ thuật không? Câu trả lời là không. Loại sản vật mĩ thuật này luôn là hàng hóa. Chỉ người bán chúng là có nghệ thuật mà thôi. Nghệ thuật bán hàng. Mặt khác, không loại trừ khả năng những người vẽ ra loại tranh ấy cũng quan niệm nó là hàng hóa ngay từ lúc bắt tay vào “sản xuất” rồi.

Nghệ thuật ở đâu?

Hẳn là khán giả nhất là những người chơi tranh, sưu tập nghệ thuật đều rất nóng lòng được giải đáp câu hỏi thế nào là nghệ thuật? Nó nghệ thuật ở chỗ nào? Vì sao giá của nó đắt gấp nhiều lần những bức tranh tương tự?

Không có bất cứ câu trả lời nào thỏa đáng cho mọi trường hợp. Tuy nhiên, một cách tổng quát nhất có thể giải đáp được ẩn số này. Đó là nhìn vào tác phẩm ta thấy được họa sĩ sáng tạo ra những gì. Cái sáng tạo ấy có tác động vào tâm lí thẩm mĩ của ta đến đâu. Như vậy, một cách công bằng nhất ta đã có câu trả lời rằng tác phẩm ấy đã đạt được những gì mà người xem mong muốn. Và đạt được bao nhiêu phần trăm của mong muốn ấy.

Dĩ nhiên ta không thể đòi hỏi ở một tác phẩm trừu tượng một cách thức thực hiện kì công tỉ mỉ như một tác phẩm hiện thực. Cái hay cái đẹp của trừu tượng là khoáng hoạt, đánh mạnh vào trực giác và cảm xúc của người xem. Tất cả sự tỉ mỉ kì công chỉ có tác dụng dập tắt xúc cảm nhanh nhất mà thôi. Ngược lại, nghệ thuật hiện thực luôn đề cao sự kì công, trau chuốt. Một trong những mục đích của nó là làm cho người xem phải kinh ngạc thán phục về tay nghề tái hiện không gian thực. Và câu chuyện nó định kể với người xem nhờ đó mới có hiệu quả lay động thẩm mĩ.

Vấn đề khác đặt ra ở đây là, vậy thì ta nên sưu tập nghệ thuật nào cho mình? Câu hỏi này không khó trả lời. Và luôn đúng. Ta mua về cái mình thích. Đơn giản thế thôi nhưng không hề dễ dàng. Bởi vì có khá nhiều người không hẳn biết rằng mình thích cái gì. Hiện thực hay phi hiện thực. Nhưng lại rất chủ quan cho rằng mình thích và mình có tiền thì cứ mang về là được. Không khó để bắt gặp những bộ sưu tập như thế ở nhà vài người chơi tranh. Vào đấy, ta sẽ nhanh chóng hình dung ra trình độ hiểu biết của gia chủ. Với vài tay buôn láu cá thì không khó khăn gì để họ làm vừa lòng gia chủ với những cái giá rất hời.

Muốn trả lời cho thắc mắc này là cả một quá trình học tập suy ngẫm không hề nhanh như ý muốn. Không có nghệ thuật nào dành cho khán giả thiếu hiểu biết. Anh muốn thâm nhập vào một thế giới hội họa nào cũng cần phải có những hiểu biết nhất định. Hiểu biết đến đâu anh sẽ nhập vào nó đến đấy. Nếu ta tưởng tượng hiểu biết phát triển theo hình chóp thì sẽ biết quá trình này gian nan vất vả. Không thể đi theo đường thẳng lên đỉnh vì độ dốc quá cao. Lại càng không thể đi tắt đón đầu được.

Rất may mắn là giờ đây truyền thông đại chúng sẽ cho phép ta tiếp cận nhanh nhất với những lí thuyết bậc cao. Tuy nhiên, như đã nói, nhận thức thẩm mĩ lại không bao giờ đi được từ ngọn xuống gốc. Nó chỉ được bồi đắp bằng ngày tháng tiếp xúc ngẫm ngợi. Ngay cả người cầm bút có khi xem những kiệt tác hội họa không phải ai cũng có thể cảm nhận trọn vẹn nó trong thời gian ngắn. Đến một lúc nào đó mới phát hiện ra những điều còn ẩn giấu dưới mặt tranh. Quá trình này dù có ai đó viết sẵn cho ta đọc cũng không chắc đã cảm nhận được điều họ viết ra.

Có một may mắn cho tất cả những người cầm bút lông. Đó là cứ lao động hết mình đi. Sản phẩm của anh làm ra nhất định sẽ trở thành hàng hóa hoặc nghệ thuật. Thất bại chỉ dành cho những người dừng bước.

MỚI - NÓNG
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
Cảnh báo 'sốt ảo' đất vùng ven Hà Nội, hành vi chiếm đất bị phạt đến 1 tỷ đồng
TPO - Đất nền vùng ven Hà Nội tăng giá, chuyên gia cảnh báo 'sốt ảo'; Chủ đầu tư dự án bất động sản nợ thuế, loạt lãnh đạo bị tạm hoãn xuất cảnh; Lãnh đạo 'xộ khám', loạt dự án bất động sản thay tên đổi chủ; Chiếm đất, hủy hoại đất bị phạt đến 1 tỷ đồng... là những thông tin hot về BĐS đáng chú ý tuần qua.