> Toàn cảnh về 'cụ' Rùa Hồ Gươm
Ảnh minh họa. |
Tim Mc Cormack, Điều phối viên Tổ chức Bảo tồn Rùa châu Á (ATP), một trong hai đơn vị tổ chức cuộc thi lần đầu tiên trên thế giới về Rùa Hoàn Kiếm, cho hay, cá thể rùa Đồng Mô vẫn được các nhà khoa học quốc tế xác định có danh pháp khoa học Rafetus swinhoei. Danh pháp này trùng với danh pháp khoa học của Rùa Hoàn Kiếm đang được điều trị ở Hồ Gươm (Hà Nội).
Trao đổi với Tiền Phong tại Đồng Mô, Tim cho rằng, kết quả nghiên cứu mới nhất của nhóm nhà khoa học ở Viện Công nghệ Sinh học thuộc Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam, do Tiến sĩ Lê Trần Bình chủ trì, vẫn không làm thay đổi quan điểm của các chuyên gia quốc tế.
“Trước đây, nhóm nhà khoa học này cũng tiến hành một nghiên cứu và đưa ra nhận định tương tự nhưng chưa được quốc tế công nhận” - Tim nói - “Tôi hy vọng kết quả nghiên cứu mới nhất sẽ sớm được gửi lên ngân hàng gene quốc tế. Nếu được công nhận là loài mới thì đấy không chỉ là niềm vui chung, thế giới có thêm một loài mới”.
Ông Nguyễn Văn Trọng nhận định, tại hồ hiện còn khoảng ba cá thể Rùa Hoàn Kiếm. “Nhiều dân làng ở đây cũng nghĩ như tôi” - ông Trọng nói với Tiền Phong tại lễ trao giải cuộc thi hôm 6 - 5 tổ chức ở Trưởng Tiều học Kim Sơn, cách hồ Đồng Mô chỉ vài trăm mét đường chim bay.
Ông là cư dân bản địa có vinh dự được mời hợp tác với ATP để truy tìm các cá thể rùa Hoàn Kiếm khác ngoài cá thể bị bắt rồi thả cách đây ba năm.
“Con rùa bắt năm 2008 nặng khoảng 70 kg. Hai con còn lại, một con nặng khoảng 40 kg và một con chừng một tạ” - ông Trọng, ngụ ở thôn Hải Sơn, xã Kim Sơn, thị xã Sơn Tây, ước đoán.
Ông Trọng còn kể thời kỳ cao trào săn bắt rùa khổng lồ trên hồ Đồng Mô hồi đầu thập niên 90 của thế kỷ trước mà ông là một trong những nhân chứng sống. Chỉ trong hai năm 1991 - 1992, dân quanh hồ bắt không dưới 40 con và hầu như tất cả đều xuất sang Trung Quốc. Cách bắt hồi đó không phải bằng lưới vì không lưới nào chịu nổi các cú phi thân của rùa băng hai vũ khí chính là móng vuốt và răng.
Điều ngạc nhiên là người ta bắt những con bò sát không lồ ấy toàn bằng lưỡi câu. Các chùm lưỡi cậu, không lưỡi nào có mồi, mỗi lưỡi cách nhau 20 - 30 cm, được thả xuống, quét dọc ngang lòng hồ.
Khi rùa mắc phải một lưỡi câu, các lưỡi khác lập tức cuốn chặt vào thân thể rùa cho đến khi chúng không cựa được nữa. Toàn thân chúng nhuộm đỏ máu tươi bởi thịt da bị xé toác bởi các lưỡi ngạnh sắc nhọn, bập sâu hoắm vào thân thể.