Nếu kế hoạch diễn ra suôn sẻ, tên lửa NURI gồm 3 giai đoạn do Viện Nghiên cứu hàng không vũ trụ Hàn Quốc (KARI) thiết kế sẽ đưa 1,5 tấn hàng lên quỹ đạo cách Trái đất 600-800km, đưa một vệ tinh giả vào không gian.
Lần gần đây nhất mà Hàn Quốc phóng tên lửa vào vũ trụ là vào năm 2013, sau nhiều lần trì hoãn và trục trặc. Đó là sản phẩm hợp tác chế tạo với Nga. Tên lửa KSLV-II NURI mới lần này hoàn toàn sử dụng công nghệ của Hàn Quốc, trở thành phương tiện phóng lên vũ trụ nội địa đầu tiên mà nước này làm được, ông Han Sang-yeop, giám đốc bộ phận bảo đảm chất lượng bệ phóng của KARI, cho biết. “Sở hữu phương tiện phóng riêng sẽ giúp đất nước có được sự linh hoạt khi đưa các vật thể lên vũ trụ cũng như lịch trình phóng”, ông Han nói với Reuters. Quan chức này cũng cho biết tên lửa mới sẽ giúp Hàn Quốc tự chủ việc đưa “những vật thể bí mật” lên quỹ đạo.
Nếu thành công, tên lửa đó sẽ đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch của Hàn Quốc nhằm đưa các vệ tinh giám sát lên quỹ đạo, để tạo nên hệ thống mà các quan chức an ninh quốc gia nước này gọi là chòm sao của “những đôi mắt không chớp” nhằm giám sát Triều Tiên.
Trung Quốc phóng vệ tinh quan sát Mặt trời
Ngày 14/10, Trung Quốc phóng vệ tinh quan sát Mặt trời đầu tiên, bước vào một lĩnh vực khám phá vũ trụ mới. Vệ tinh Xihe (Hy Hoà) nặng 550kg được tên lửa Trường Chinh 2D phóng từ Trung tâm Vệ tinh Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây, đưa lên quỹ đạo ở độ cao 571km. Vệ tinh này dự kiến sẽ quan sát Mặt trời trong 3 năm, Xinhua đưa tin. Sau khi đưa tàu thăm dò lên Mặt trăng và sao Hoả, việc đưa vệ tinh lên gần Mặt trời được báo chí Trung Quốc gọi là bước đi mang tính đột phá, sẽ giúp các nhà khoa học nước này hiểu sâu hơn về ngôi sao chói lọi.
Cho đến nay, Hàn Quốc vẫn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào Mỹ về thông tin tình báo vệ tinh để giám sát nước láng giềng phía bắc. Năm 2020, một tên lửa Falcon 9 của hãng Space X (Mỹ) đưa vệ tinh thông tin liên lạc quân sự đầu tiên của Hàn Quốc vào quỹ đạo từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida.
NURI còn đóng vai trò chìa khoá trong kế hoạch của Hàn Quốc nhằm xây dựng một hệ thống định vị riêng dựa vào vệ tinh và mạng viễn thông 6G. “Chương trình này được thiết kế không chỉ để hỗ trợ các dự án của chính phủ mà phục vụ cả thương mại”, ông Oh Seung-hyub, giám đốc bộ phận phát triển hệ thống đẩy của KARI, cho biết tại cuộc họp báo ngày 12/10. Hàn Quốc đang hợp tác với Mỹ để thực hiện dự án chế tạo tàu quỹ đạo Mặt trăng, và hy vọng sẽ đưa một tàu thăm dò lên Mặt trăng vào năm 2030.
Sau những trục trặc với các vụ phóng trước đây, ông Han và một số quan chức khác cho biết luôn chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Ngày phóng có thể bị thay đổi vào phút chót nếu phát sinh vấn đề về thời tiết hoặc kỹ thuật. Tên lửa được thiết kế cơ chế tự huỷ nếu không thể lên quỹ đạo, và báo chí sẽ không được quan sát trực tiếp vụ thử. Các quan chức Hàn Quốc cho biết ít nhất 4 vụ phóng thử sẽ được thực hiện nhằm bảo đảm tên lửa có đủ độ tin cậy để có thể đưa vật thể thực sự lên quỹ đạo.
Theo thông tin được nước này công bố, tên lửa sẽ được phóng từ bờ biển phía nam của bán đảo, vượt đại dương theo quỹ đạo tránh đi qua Nhật Bản, Indonesia, Philippines và các vùng đất lớn khác. “Vụ phóng tới đây có thể được nhớ đến như một niềm hy vọng và thành tựu của lịch sử tên lửa Hàn Quốc, dù có thành công hay không”, ông Han nói.
Công nghệ nhạy cảm
Vấn đề tên lửa trên bán đảo Triều Tiên luôn gây ra lo ngại về khả năng sử dụng vào mục đích quân sự, khiến chương trình phát triển công nghệ vũ trụ của Hàn Quốc tụt hậu hơn các nước Trung Quốc và Nhật Bản. “Các tên lửa hiện tại ở Hàn Quốc không thể phát triển mạnh vì những vấn đề chính trị lâu dài”, ông Han nói.
Mỹ vẫn coi các tên lửa phóng vệ tinh của Triều Tiên là nhằm phục vụ công nghệ tên lửa đạn đạo liên lục địa mang theo đầu đạn hạt nhân. Một vụ phóng tên lửa lên vũ trụ của Triều Tiên năm 2012 đã dẫn đến sự sụp đổ thỏa thuận với Mỹ. “Triều Tiên sẽ không có cái nhìn thiện cảm về năng lực không gian vũ trụ của Hàn Quốc”, ông James Caly Moltz, một chuyên gia về công nghệ vũ trụ tại Trường đào tạo sau đại học Hải quân Mỹ, nói với Reuters.
Không chỉ đẩy mạnh công nghệ vũ trụ, Hàn Quốc gần đây tăng tốc phát triển các hệ thống tên lửa đạn đạo sau khi đạt được thoả thuận với Mỹ về việc chấm dứt tất cả hạn chế song phương trong lĩnh vực này. “Không nên quan ngại về hàm ý quân sự trong việc phát triển tên lửa đẩy NURI”, ông Chang Young-keun, một chuyên gia về tên lửa tại ĐH Hàng không Hàn Quốc, nói. Tên lửa đẩy NURI sử dụng nhiên liệu lỏng, trong khi các tên lửa quân sự Hàn Quốc sử dụng nhiên liệu rắn, ông Chang cho biết.
Hàn Quốc không bị Trung Quốc hay Nhật Bản coi là mối đe doạ, vì thế Seoul có thể không gặp nhiều trở ngại khi phát triển chương trình không gian, dù những công nghệ đó mang tính quân sự rất cao, ông Moltz nhận định. “Nhiều công nghệ tên lửa phóng vào vũ trụ vốn có tính lưỡng dụng”, ông Moltz nói, đồng thời hy vọng chương trình phát triển NURI sẽ không dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian.