> Hàn Quốc: Thông điệp năm mới của lãnh đạo Triều Tiên “nhạt nhẽo”
> Tân tổng thống Hàn Quốc từ chối gặp phái viên Nhật
Thưa ông, vì sao lúc này người dân Hàn Quốc lại chọn bà Park Geun-hye?
Thực ra, đây không phải lần đầu tiên bà Park Geun-hye ra tranh cử. Hồi năm 2008, bà là đại diện của đảng Đại dân tộc, là đảng đối lập với đảng Dân chủ của tổng thống lúc bấy giờ là ông Roh Moo-hyun.
Nhưng bà đã không qua được vòng loại và phải nhường bước cho Tổng thống đương nhiệm Lee Myung-bak (là người cùng đảng). Đến nay, đảng cầm quyền Đại dân tộc vẫn được người dân Hàn Quốc tín nhiệm.
Nhưng họ cho rằng, kinh tế Hàn Quốc khó khăn có một phần trách nhiệm trong đường lối chính sách của ông Lee Myung-bak và họ muốn có thay đổi.
Thứ hai, Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đang ở thời kỳ căng thẳng nhất, khi tổng thống đương nhiệm có lập trường cứng rắn với Triều Tiên.
Trong khi đó, bà Park Geun-hye lại thể hiện quan điểm muốn có chính sách mềm dẻo và uyển chuyển hơn. Người dân không muốn bán đảo luôn căng thẳng nên họ chấp nhận một người có chủ kiến muốn dịu đi.
Thêm nữa, bà Park Geun-hye cũng được chính đảng cầm quyền tín nhiệm giới thiệu. Còn ông Moon Jae-in (thất bại trong tranh cử) thì ở đảng đối lập, nên bà không có đối thủ.
Bà Park Geun-hye sẽ thay thế Tổng thống Lee Myung-bak vào tháng 2, khi ông này kết thúc nhiệm kỳ 5 năm. Ảnh: AP. |
Tổng thống mới có thay đổi chính sách với Việt Nam?
Gần đây, Việt Nam là nước có vị trí quan trọng nhất ở Đông Nam Á mà Hàn Quốc muốn tiếp tục phát triển quan hệ. Những đời tổng thống gần đây của Hàn Quốc đều theo chủ trương mở rộng quan hệ với Việt Nam.
Vì thế, bà Park Geun-hye cũng nói là coi trọng quan hệ với Việt Nam và không có lý do gì thay đổi chủ trương này.
Vậy, lĩnh vực ưu tiên là gì?
Về hợp tác kinh tế - đầu tư là chính, tôi nghĩ sau này cũng vậy. Ngoại giao bây giờ không thể ngoại giao chung chung được. Hiện tại, chỉ sau 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Hàn Quốc là nước có đầu tư lớn nhất tại Việt Nam cả về dự án và kim ngạch, có viện trợ ODA lớn thứ hai, chỉ sau Nhật Bản.
Quan hệ hai nước có vấn đề gì khúc mắc không?
Không có gì vướng, các lĩnh vực đều có quan hệ giao lưu, đặc biệt là số người Hàn Quốc ở Việt Nam và ngược lại đang ở mức 10 vạn người.
Từng gặp gỡ bà Park Geun-hye, ông có ấn tượng như thế nào?
Tôi chưa có gặp riêng mà chỉ gặp trong các cuộc ngoại giao chung, cũng có chào hỏi vì tôi nói được tiếng Hàn. Bà Park Geun-hye là một người kín đáo, hơi “lạnh”, không phải người vồn vã. Người Hàn Quốc gọi bà là “công chúa lạnh”.
Có thể vì là chính trị gia chăng?
Không hẳn, tôi đã gặp một nữ thủ tướng Hàn Quốc thời tôi làm đại sứ (2001 - 2004), bà này cũng là Chủ tịch Bộ Phụ nữ, rất hồ hởi, cởi mở. Tôi nghĩ đó là cá tính. Tuy nhiên, bà Park Geun-hye cũng đã tuyên bố với người dân Hàn Quốc là bà sẽ chăm lo cho cuộc sống của họ như một người mẹ, vì bà không có gia đình riêng.
Ông có kỷ niệm nào đặc biệt với bà Park Geun-hye không?
Khi tôi làm đại sứ là “giao thời” hai nhiệm kỳ tổng thống của ông Kim Dae-jung (nhiệm kỳ 1998-2003) và Roh Moo-Hyun (nhiệm kỳ 2003-2008). Bà Park Geun-hye thuộc đảng đối lập.
Hai vị tổng thống kia muốn cải thiện quan hệ với Việt Nam (vì có thời gian Hàn Quốc mang quân sang tham chiến) . Họ bày tỏ lấy làm tiếc, thậm chí xin lỗi.
Thế nhưng, bà Park Geun-hye lại phản đối hai ông bằng cách lên tiếng rằng, nhờ có tham gia chiến tranh Việt Nam, có sự giúp đỡ của Mỹ, Hàn Quốc mới có cơ hội phát triển như bây giờ.
Thế nhưng gần đây tôi theo dõi thấy bà cũng mềm dẻo hơn và thể hiện coi trọng quan hệ với Việt Nam.
Có cha là cố Tổng thống Park Chung-hee, người mà công và tội vẫn còn được bàn đến, bà Park Geun-hye có thuận lợi, khó khăn gì?
Tôi nghĩ không có nhiều khó khăn, bởi giờ đây người dân Hàn Quốc ghi công ông Park Chung-hee nhiều hơn tội, nhờ ông mới có đất nước Hàn Quốc phát triển như bây giờ, thậm chí, người ta còn tính đến chuyện dựng tượng đồng.
Nhưng còn phải để xem đường lối của bà Park Geun-hye với Triều Tiên thế nào, có đem lại ổn định cho bán đảo không.
Bà từng nói sẽ có đường lối mềm dẻo hơn với Triều Tiên, hy vọng có cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên. Với Nhật Bản cũng sẽ có gặp gỡ, tìm con đường phù hợp, không muốn có căng thẳng (tranh chấp chủ quyền biển đảo).
Cảm ơn ông.
Phương Anh
Thực hiện