Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), đối tượng được phép chuyển đổi là người lao động nước ngoài làm việc theo Chương trình EPS (lao động E-9) đã hết hạn hợp đồng 3 năm hoặc 4 năm 10 tháng và được Bộ Tư pháp Hàn Quốc cấp Giấy trì hoãn thời hạn xuất cảnh do dịch bệnh COVID-19 không thể về nước.
Lĩnh vực được chuyển đổi là lao động làm việc trong ngành nông nghiệp với 27 địa phương cấp quận, huyện, thành phố được phép tuyển dụng; số lượng dự kiến 4.179 người. Ngoài ra, lĩnh vực ngư nghiệp cũng có 1 địa phương được phép tuyển dụng với số lượng khoảng 200 người.
Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, việc chuyển đổi sẽ diễn ra trong khoảng thời gian từ ngày 2/3/2021 đến ngày 31/3/2022. Theo đó, người lao động có thể lựa chọn thời gian làm việc liên tục từ trên 1 tháng đến tối đa 5 tháng nhưng không thể vượt quá ngày 31/3/2022.
Về thời gian tiếp nhận đăng ký, Cục Quản lý lao động người nước cho biết, người lao động có thể đăng ký từ ngày 2/3/2021 đến ngày 28/2/2022. Người lao động có thể truy cập vào trang web www.eps.go.kr để đăng ký hoặc mang Thẻ đăng ký người nước ngoài đến các Trung tâm tuyển dụng của Bộ Lao động và Việc làm tại địa phương được phép tuyển dụng lao động thời vụ. Ngoài ra, lao động cũng có thể gửi fax hoặc email đơn đăng ký đến đến các Trung tâm tuyển dụng của các địa phương này.
Đặc biệt, lao động khi đăng ký chuyển đổi sang lao động thời vụ sẽ được cộng thêm 10 điểm nếu sau khi về nước tham dự kỳ kiểm tra tiếng Hàn đặc biệt và ưu tiên giới thiệu hồ sơ cho chủ sử dụng Hàn Quốc lựa chọn để tái nhập cảnh Hàn Quốc làm việc theo Chương trình EPS. Mức lương cũng sẽ được chi trả cao hơn mức lương tối thiểu đã được quy định. Người lao động còn được tham gia Bảo hiểm tai nạn lao động.
Đối đối những người cư trú bất hợp pháp; hoặc lao động E9 ngành nông nghiệp và ngành thủy sản đã hết số lần được phép chuyển đổi nơi làm việc, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, không thuộc diện chương trình này.
Hiện, Việt Nam có khoảng 50.000 lao động làm việc tại Hàn Quốc