Cựu Giám đốc An ninh quốc gia Hàn Quốc Suh Hoon. (Ảnh: (Reuters) |
Ông Suh bị bắt khi chính quyền của Tổng thống Yoon Suk Yeol đang điều tra cách xử lý của chính quyền tiền nhiệm đối với vụ giết hại quan chức nghề cá và một vụ việc khác xảy ra ở biên giới cùng năm.
Cựu Tổng thống Moon Jae-in, người đã có nhiều nỗ lực để hàn gắn quan hệ giữa hai miền trong nhiệm kỳ của ông, phản ứng giận dữ với cuộc điều tra nhằm vào ông Suh. Tuần này, ông Moon ra tuyên bố cho rằng chính quyền đương nhiệm đưa ra những cáo buộc vô căn cứ và chính trị hoá các vấn đề an ninh nhạy cảm.
Thẩm phán Kim Jeong-min của Toà án quận trung tâm Seoul chấp thuận đề nghị của phía công tố về việc bắt ông Suh, vì cho rằng cựu quan chức này có thể tiêu huỷ bằng chứng. Ông Suh không trả lời câu hỏi của báo chí khi ông ra toà ngày 2/12.
Điều tra trước đó của Ủy ban Kiểm toán và Thanh tra Hàn Quốc kết luận rằng các quan chức của chính quyền cựu Tổng thống Moon không có những nỗ lực đáng kể để cứu ông Lee Dae-jun sau khi nhận được tin vị quan chức nghề cá 47 tuổi này bị trôi dạt sang vùng biển của Triều Tiên hồi tháng 9/2020.
Sau khi xác nhận ông Lee bị binh lính Triều Tiên bắn chết, giới chức Hàn Quốc khi đó loan tin quan chức này cố đào tẩu sang Triều Tiên vì nợ nần cờ bạc và các vấn đề gia đình, trong khi giữ kín bằng chứng cho thấy ông Lee không có ý định đó.
Ông Suh đảm nhận vị trí giám đốc cơ quan tình báo trước khi trở thành giám đốc an ninh quốc gia 2 tháng trước khi xảy ra vụ việc. Ông bị nghi ngờ rằng đã hướng dẫn các quan chức xoá hồ sơ tình báo liên quan đến vụ việc, trong khi chính phủ thêu dệt câu chuyện về ông Lee để đưa ra dư luận.
Ông Suh cũng bị nghi ngờ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng, Cơ quan Tình báo quốc gia và Lực lượng Bảo vệ bờ biển mô tả ông Lee là người đang cố gắng đào tẩu.
Tháng 6 năm nay, Bộ Quốc phòng và Lực lượng Bảo vệ bờ biển đảo ngược thông tin đưa ra trước đó, để nói rằng không có bằng chứng cho thấy ông Lee cố tìm cách đào tẩu.
Đảng Dân chủ của ông Moon ra tuyên bố chỉ trích vụ bắt ông Suh, cho rằng lý do ông có thể tiêu huỷ bằng chứng là không hợp lý vì “mọi tài liệu đang nằm trong tay chính phủ hiện tại”.
Bên cạnh đó, Chính phủ Hàn Quốc cũng đang điều tra vụ cưỡng ép hồi hương 2 ngư dân Triều Tiên năm 2019, dù họ được nói là có nguyện vọng muốn sang Hàn Quốc.
Tháng 7 năm nay, Cơ quan Tình báo quốc gia cáo buộc ông Suh và người kế nhiệm Park Jie-won lạm quyền, tiêu huỷ hồ sơ công và làm giả tài liệu liên quan đến hai vụ việc.
Cơ quan này cáo buộc ông Park chỉ đạo tiêu huỷ báo cáo tình báo về cái chết của ông Lee, cáo buộc ông Suh ép khép lại cuộc điều tra vụ buộc 2 ngư dân Triều Tiên bị bắt trên vùng biển Hàn Quốc phải hồi hương.
Những người chỉ trích cho rằng chính phủ của ông Moon chưa bao giờ giải thích rõ ràng lý do ép 2 ngư dân này quay về nước. Các quan chức của chính quyền trước nói rằng 2 người này là tội phạm, đã nhận tội giết người.