Tiến thoái lưỡng nan
đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Chánh Trung, Giám đốc ngành hàng lúa gạo của Tập đoàn Tân Long - T&T Group, một trong những đơn vị xuất khẩu gạo lớn nhất cả nước cho rằng, việc Chính phủ cân đối nhằm đảm bảo nguồn cung lương thực cho người dân khi dịch COVID-19 căng thẳng là cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Trung, Bộ Công Thương đề xuất chỉ cho xuất khẩu khoảng 400.000 nghìn tấn trong tháng 4/2020 sẽ khiến DN gặp khó. Ông Trung cho biết do lệnh tạm dừng xuất gạo ngày 24/3 đã khiến gần 200.000 tấn gạo đang bị tắc tại DN.
Cùng với đó, việc giao hàng sẽ tính theo thời gian DN khai báo hải quan, nghĩa là ai khai báo trước sẽ được xuất hàng trước. Ông Trung cho biết: DN phải có số container, số seal (số kẹp chì trên container) rồi mới được khai báo hải quan.
“Rủi ro ở chỗ, nếu hợp đồng lớn, đóng hàng không kịp trong tháng 4, thì DN phải lùi sang tháng 5 mới xuất được, trong khi tháng 5 chưa rõ thế nào. Điều này sẽ khiến DN mất thêm chi phí lưu bãi”, ông Trung phân tích.
Cũng theo ông Trung, sau khi có lệnh tạm dừng xuất khẩu, một số mặt hàng như gạo nếp xuống giá tới 800-1.000 đồng/kg. Các loại gạo thơm jasmine, Nàng hoa, Đài Thơm 8…, là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam cũng rớt giá 300-500 đồng/kg.
Riêng gạo trắng IR50404, năm nay người dân gieo trồng ít. Đây cũng là mặt hàng Tổng cục Dự trữ nhà nước đang mua vào khoảng 300 nghìn tấn, nên giá tăng từ 9.300 đồng/kg, lên 9.600 đồng/kg.
“Hiện tại, còn khoảng 200.000ha lúa Đông Xuân đang trong vụ thu hoạch; lúa Hè Thu sớm sẽ được thu hoạch từ đầu tháng 5 tới. Nếu lúa gạo tiếp tục đà giảm giá nông dân sẽ thiệt hại”.
Đại diện Tập đoàn Tân Long-T&T Group bày tỏ lo ngại, tháng 4-5 là “mùa xuất khẩu”, vì thương nhân nước ngoài sang Việt Nam ký hợp đồng nhập khẩu gạo rất nhiều. Nếu năm nay này họ dừng nhập, lúc đó giá lúa gạo sẽ xuống thấp.
Trong khi đó, giám đốc một DN xuất khẩu lớn khác ở phía Nam cho biết, lượng tồn kho trong các DN xuất khẩu còn rất lớn, nếu không cho xuất, DN sẽ đứng trước nguy cơ phá sản.
“Hàng trăm nghìn tấn gạo đang được đóng bao và đã được đưa lên tàu chuẩn bị xuất khẩu chưa biết sẽ xử lý ra sao. Các DN trước khi xuất khẩu đã vay ngân hàng để mua gạo, nếu để lâu, DN sẽ không có dòng tiền trả nợ, lãi vay”, vị này phân tích.
Lãnh đạo DN này cho rằng, trung bình Việt Nam xuất khẩu mỗi tháng khoảng 600 nghìn tấn gạo. Do vậy, nếu chỉ cho xuất 400 nghìn tấn, lượng gạo tồn rất lớn.
Việt Nam dừng xuất, giá gạo Thái Lan tăng đột biến
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ NN&PTNT), tính đến hết tháng 3/2020, xuất khẩu gạo cả nước đạt 1,67 triệu tấn, kim ngạch đạt gần 775 triệu USD, tăng gần 20% về lượng và gần 30% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong 2 tháng đầu năm nay, Philippines nhập khẩu gạo của Việt Nam nhiều nhất, tiếp đó là Trung Quốc, Đài Loan, Mozambique.
Về lượng gạo xuất khẩu năm nay, Bộ NN&PTNT tính toán, năm 2020 cả nước ước đạt 43,5 triệu tấn thóc, trong đó vụ Đông Xuân ước đạt 20,2 triệu tấn thóc, riêng sản lượng các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ước đạt 10,8 triệu tấn.
Nhu cầu tiêu dùng và dự trữ trong nước năm 2020 gần 30 triệu tấn thóc. Trong đó, tiêu thụ của người dân là 14,26 triệu tấn; phục vụ chế biến là 7,5 triệu tấn; phục vụ chăn nuôi 3,4 triệu tấn; dùng làm giống và giống dự phòng 1 triệu tấn và dự trữ trong nước 3,8 triệu tấn.
Như vậy, lượng thóc còn dư để xuất khẩu khoảng 13,5 triệu tấn, tương đương 6,5 - 6,7 triệu tấn gạo.
Theo thông tin từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam, sau khi Việt Nam tạm dừng xuất khẩu gạo (ngày 24/3), giá gạo Thái Lan đã nhảy vọt lên 548-552 USD/tấn, tăng hơn 80 USD/tấn trong vòng khoảng 10 ngày.