Thành lập Liên minh sản xuất heo rừng Tây Nguyên
Hạn chế săn bắn động vật hoang dã, cung cấp sản phẩm an toàn cho thị trường
Hạn chế tình trạng săn bắn động vật hoang dã
Ra mắt ngày 17-6-2010, Liên minh sản xuất heo rừng (Liên minh) có sự liên kết giữa các bên gồm: Cty TNHH NNH và Hợp tác xã nông lâm nghiệp - dịch vụ Trường Xuân với 90 nông hộ thuộc ba huyện Ea Kar, Krông Pắk và M’Đrắk. Nguồn giống ban đầu do Công ty NNH cung cấp. Tổng kinh phí thực hiện dự án trên 9,5 tỷ đồng, trong đó vốn của doanh nghiệp trên 358 triệu đồng, vốn của nông dân gần 5,3 tỷ đồng, vốn của dự án ACP hỗ trợ nông dân trên 3,5 tỷ đồng, vốn dự án ACP hỗ trợ cho doanh nghiệp hơn 360 triệu đồng. Dự án thực hiện trong 24 tháng.
Sau khi đi vào hoạt động, Liên minh tiến hành sản xuất heo giống, heo thương phẩm cùng các sản phẩm chế biến từ heo rừng để cung cấp ra thị trường. Trước mắt, doanh nghiệp cung cấp giống heo rừng đạt chất lượng, chịu trách nhiệm khâu kỹ thuật, phòng trị bệnh cho heo và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Người chăn nuôi chăm sóc heo theo kỹ thuật doanh nghiệp yêu cầu. Lợi nhuận chia theo thỏa thuận hai bên thống nhất.
Ông Nguyễn Văn Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn kiêm giám đốc ACP Đắk Lắk, cho biết Liên minh sản xuất heo rừng ra đời nhằm hỗ trợ nông dân chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, tăng lợi nhuận, góp phần hạn chế tình trạng săn bắn động vật hoang dã để tạo ra sản phẩm an toàn cho thị trường, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Dự kiến năm 2011 Liên minh cung cấp khoảng 7.200 heo thịt thương phẩm cho thị trường.
Mô hình cần được nhân rộng
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Giám đốc Cty TNHH NNH, chia sẻ: “Người ta cứ tưởng nuôi heo rừng rất dễ vì trong rừng không cần ai chăm sóc mà chúng vẫn sống khỏe mạnh và tăng trưởng tốt. Và, cái mà người ta vẫn lầm tưởng là vì heo rừng là động vật hoang dã nên khi đem về nuôi thì phải nuôi theo kiểu “hoang dã”, và cứ để mặc cho chúng chống chọi với thời tiết và dịch bệnh mà không cần phải can thiệp gì cả. Không ai biết được tỷ lệ sống sót của heo trong rừng là bao nhiêu, nhưng nếu ta nuôi theo kiểu chọn lọc tự nhiên của hoang dã thì chắc chắn sẽ bị thất thoát”
Là một kỹ sư tin học cao cấp, thạc sĩ quản trị kinh doanh (Đại học Hawai, Mỹ), một lần về nước, ghé Tây Nguyên, thấy người dân nơi đây vẫn săn bắt và ăn thịt thú rừng mặc dù pháp luật đã nghiêm cấm, từ dự định đầu tư làm năng lượng sạch (điện gió, năng lượng mặt trời), anh Hiếu chuyển sang mở trung tâm nuôi heo rừng. Năm 2006, Trung tâm thành lập với “vốn liếng” là 2 ha đất và 26 con heo rừng giống. Do không có kinh nghiệm trong chăn nuôi nên toàn bộ số heo rừng đó không hợp với khí hậu núi rừng Tây Nguyên, chỉ trong mùa mưa đã có 18 con heo giống bị chết, số còn lại èo uột không lớn và bệnh tật thường xuyên nên không sinh sản được.
Không nản chí, một mặt tìm tòi học hỏi kỹ thuật nuôi heo rừng của Thái Lan, của trang trại các tỉnh Bình Dương, một mặt tham gia hợp tác với kỹ sư của trường ĐH Tây Nguyên để tìm cách nhân đàn heo giống cũng như các biện pháp chăm sóc đàn heo sao cho có hiệu quả cao nhất, đến nay anh Hiếu đã đầu tư tổng số vốn để phát triển nuôi heo rừng lên tới 3,5 tỷ đồng. Trang trại hiện có đàn heo rừng gần 600 con, trong đó có 134 con heo sinh sản, 10 con heo đực giống.
Với việc thành lập, Liên minh được đánh giá là một trong những trung tâm đầu tiên và lớn nhất nước có thể cung cấp con giống có đầy đủ giấy tờ nguồn gốc. Tuy nhiên, theo anh Hiếu, Liên minh nuôi heo rừng vẫn còn không ít khó khăn. Thứ nhất là nguồn giống vì heo đực tỷ lệ sống không cao. Thứ hai là thủ tục bán sản phẩm. “Một con heo muốn xuất chuồng phải qua ngành kiểm lâm kiểm tra, làm thủ tục… Nếu chẳng may vào ngày nghỉ của ngành chức năng thì việc bán heo phải tạm dừng”, anh Hiếu cho hay.
Hiện gần 100 hộ nông dân tham gia Liên minh đã nhận heo giống về nuôi, bình quân mỗi hộ nhận 5- 10 con. Dự kiến tới năm 2015, Liên minh bán 4.000 heo giống, 3.000 heo thương phẩm. Tới đây, mô hình này sẽ tiếp tục nhân rộng trong 3 huyện Ea Kar, M'Đrăk và Krông Păk.
- Heo rừng là loài ăn tạp nên thức ăn cho heo rất đơn giản, ít tốn kém, bình quân mỗi ngày một con heo rừng chỉ tiêu tốn hết 1.000 đồng tiền cám, còn lại là thức ăn xanh. Heo ăn bất cứ thứ cây gì có sẵn trong vườn như thân cây chuối, lá dâm bụt, xơ mít, khoai sắn, cỏ sữa và rất nhiều loại cây cỏ khác. Chuồng trại chỉ cần 6 – 8m2 là nuôi được 5 – 6 con heo. -Heo rừng nuôi khoảng 7 – 8 tháng là có thể đạt 30 – 40kg. Hiện nay thị trường giá một kg thịt heo rừng giống là 300.000 đồng/kg, heo thịt là 150.000 đồng/kg. |
CTV