Hai tháng, 200 trẻ chết đuối: Dạy bơi trên giấy

Hai tháng, 200 trẻ chết đuối: Dạy bơi trên giấy
TP - Trong khoảng hai tháng qua, cả nước đã có 200 trẻ chết đuối. Tần suất xảy ra các vụ trẻ em đuối nước liên tục khiến dư luận không khỏi lo ngại trong khi các cơ quan hữu quan vẫn loay hoay tìm giải pháp…

> Chết đuối tại bãi tắm tiên sông Hồng

Rất nhiều vụ trẻ đuối nước là do bố mẹ bất cẩn Ảnh: Xuân Phú
Rất nhiều vụ trẻ đuối nước là do bố mẹ bất cẩn. Ảnh: Xuân Phú.

Liên tục có trẻ chết đuối

Mới chớm hè nhưng người dân ở Nghệ An đã phải chịu những ngày nắng nóng kéo dài. Để chống nóng, một số bà con, trong đó có nhiều trẻ em đã tìm đến khe suối, ao hồ, sông biển để tắm. Nhiều vụ trẻ chết đuối thương tâm đã xảy ra trong bối cảnh này.

Gần đây nhất, 14 giờ chiều 13-5, tại sông Đào đoạn chảy qua xã Yên Sơn, huyện Đô Lương đã xảy ra một vụ đuối nước làm hai nữ sinh thiệt mạng.Nạn nhân là các em Nguyễn Thị Trang, Nguyễn Thị Thùy Linh, cùng sinh năm 2000 và đều là người xã Yên Sơn.

Sau khi dự liên hoan cuối năm học, nhóm 8 bạn cùng lớp 6C trường THCS Văn Yên, trong đó có hai em Trang và Linh, đã rủ nhau xuống sông tắm. Em Linh bị sảy chân và đuối nước. Nghe bạn kêu cứu, em Trang nhảy xuống cứu nhưng cả hai cùng bị nước cuốn.

Chiều cùng ngày, tại Diễn Châu - huyện liền kề Đô Lương, cũng xảy ra một vụ đuối nước khiến hai anh em ruột thiệt mạng. Nạn nhân là các em Vũ Văn Bảo và Vũ Văn Ngọc, người xã Diễn Hoa, một em học lớp 9 một em học lớp 6.

Theo ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An, từ đầu hè đến nay đã có 14 em là học sinh của các trường phổ thông trong tỉnh thiệt mạng do đuối nước.

Trong đó có nhiều vụ 2-3 em chết cùng lúc. Hầu hết các nạn nhân đều gặp nạn trong khi tắm sông.

Nguy hiểm rình rập con nhà nghèo

Theo ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội, trong các loại hình tai nạn thương tích mà trẻ em dưới 18 tuổi đã gặp thì đuối nước là tai nạn chủ yếu.

Từ năm 2005 đến nay, năm nào cũng trên 3.500 trẻ em bị chết đuối trong tổng số hơn 7.000 trẻ em bị thiệt mạng do các tai nạn thương tích. Năm nay, tuy mới chớm hè nhưng rất nhiều em thiệt mạng do đuối nước.

Theo thống kê sơ bộ từ các tỉnh thành trong toàn quốc, trong khoảng 2 tháng qua có khoảng 200 em nhỏ chết đuối. Như vậy tần suất trẻ em chết đuối của năm nay không kém gì các năm trước và vẫn xảy ra nhiều vụ 3 - 4 em chết cùng một lúc.

Chẳng hạn, cách đây ít lâu ở Bình Phước có 5 em bị chết trong khi đi mót hạt điều, gần đây hơn có 3 em ở Gia Lai, rồi ở Hương Sơ (Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế) cũng có vụ 5 em chết.v.v…

Điểm qua các vụ đuối nước nổi cộm năm nay cho thấy, nguyên nhân các vụ trẻ thiệt mạng do đuối nước vẫn tương tự như mọi năm.

Rất nhiều vụ việc trẻ đuối nước (đặc biệt là trẻ dưới 10 tuổi) là do bố mẹ bất cẩn, thiếu sự giám sát cần thiết nhằm đảm bảo an toàn cho các con mình. Đã vậy, môi trường sống của các em rất thiếu an toàn.

Phần lớn các trường hợp đuối nước là do các em không biết bơi, kể cả những vùng sông nước. Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực năm nào cũng có nước ngập hàng tháng trời nhưng chỉ 35 - 36% trẻ em độ tuổi từ 12 đến 15 biết bơi. Khu vực miền Bắc thấp hơn nhiều - dưới 10% trẻ biết bơi.

Nhưng tai hại hơn, ngay cả trẻ biết bơi cũng chết đuối vì thiếu hiểu biết về kỹ năng chống đuối nước. “Mới đây, ở Nghệ An tuyên dương một em tên Trang tuy biết bơi nhưng nhảy xuống cứu bạn và bị chết.

Quan điểm của tôi là không nên khuyến khích những trường hợp thấy bạn đuối nước thì nhảy xuống cứu khi mà các em không có kỹ năng cứu đuối”, ông An nhận xét.

Dạy bơi trên giấy

Trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều giải pháp can thiệp nhằm hạn chế tình trạng trẻ đuối nước nhưng kết quả thu về chẳng được là bao.

Hệ thống truyền thông dày đặc những cảnh báo tai nạn đuối nước nhưng các thông tin này lại không đến đối tượng nguy cơ cao, đó là người nghèo. Họ mải mưu sinh nên hầu như không tiếp cận được với đài, báo, ti vi.

Cách làm truyền thông hiệu quả là thông qua cộng tác viên hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ chăm sóc trẻ em tại cộng đồng nhưng lực lượng này lại quá mỏng.

Cả nước có hơn 11.000 xã thì chỉ có 15.000 cộng tác viên. Bình quân mỗi xã chỉ có 1 cộng tác viên, trong đó có những xã tới 25.000 dân!

Được biết, đưa giáo dục kỹ năng bơi vào cộng đồng thông qua tổ chức Đoàn TNCS HCM và hệ thống trường học đang là giải pháp được các cơ quan quản lý nhà nước kỳ vọng.

Vừa qua, Cục Bảo vệ Chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Vụ Công tác Học sinh Sinh viên, Bộ GD&ĐT xây dựng lộ trình để năm 2015 đưa bộ môn bơi vào chương trình bắt buộc dành cho học sinh phổ thông.

Hiện nay, chương trình dạy bơi đã thực hiện thí điểm ở 10 địa phương. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trọng Hoàn, Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An, việc thí điểm dạy bơi cho học sinh các trường hiện nay mới chỉ thực hiện… trên giấy.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG