> Một người bị bắn chết trong biểu tình ở Thái Lan
> Người biểu tình ở Thái Lan vây quanh văn phòng thủ tướng
Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã chứng tỏ là một chính khách đảm lược, song việc chính phủ muốn thông qua đạo luật ân xá lại được coi là một nước cờ sai của bà.
Giọt nước làm tràn ly lập tức kích hoạt cơn giận dữ của không chỉ phe bảo hoàng đối lập, mà cả không ít người từng ủng hộ bà. Họ cho rằng, bà chỉ là con rối do người anh trai Thaksin giật dây từ nước ngoài, việc thông qua đạo luật ân xá nhằm mục đích miễn tội và mở đường hồi hương cho vị cựu thủ tướng thất thế.
Dù bị kết tội tham nhũng và buộc phải sống lưu vong kể từ năm 2008, nhưng ông Thaksin luôn chiếm vị trí trung tâm và phủ bóng lên đời sống chính trị-xã hội Thái Lan.
Ảnh hưởng của nhân vật này lớn đến nỗi đặt dân chúng phải đứng giữa sự lựa chọn giữa hoặc ủng hộ, hoặc chống lại ông. Viên cựu sĩ quan cảnh sát, nhà tỷ phú bước chân vào chính trường Thái, lập tức trở thành nhân vật mang tầm ảnh hưởng quyết định.
Hai nhiệm kỳ liên tiếp của ông Thaksin giai đoạn 2001-2006 cho thấy sức hút lớn của chính khách theo xu hướng dân túy này. Đó cũng là giai đoạn chuyển đổi dưới chiều sâu của vương quốc Thái, vốn bị gắn chặt với những truyền thống lâu đời, nơi mà khái niệm bình đẳng bị ức chế đến mức ám ảnh trong hệ thống thứ bậc chặt chẽ.
Dưới thời ông Thaksin cầm quyền, một bộ phận lớn dân chúng từ lâu vẫn nằm dưới nấc thang thấp trong xã hội đã ý thức được sức mạnh chính trị của mình. Phe bảo hoàng đối lập, chủ yếu gồm tầng lớp giàu có, giới tinh hoa sống ở thành phố, ghét cay ghét đắng nhà Thaksin bởi những chính sách mang tính dân túy. Họ kết tội nhà Thaksin và những người thân cận đã gieo rắc mầm mống tham nhũng và làm bén rễ văn hóa miễn tội tại Thái Lan.
Năm 2006, quân đội quyết định lật đổ Thủ tướng Thaksin với danh nghĩa bảo vệ nền quân chủ và đấu tranh chống tham nhũng. Hành động này đã tước đoạt hy vọng, giấc mơ tươi đẹp của vô số những người nông dân nghèo vùng nông thôn ủng hộ gia đình Thaksin.
Cuộc đảo chính đã thực sự khơi dậy khủng hoảng xã hội ở Thái Lan. Những người áo đỏ từ nông thôn đòi khôi phục chức vụ cho ông Thaksin, cũng như các chính sách đem lại lợi ích cho họ, còn phe đối lập dứt khoát cự tuyệt những đòi hỏi nọ. Sự khinh miệt của cư dân trung lưu thành thị ở thủ đô càng khiến những người dân quê và lao động tầng lớp dưới thêm nổi khùng.
Sóng gió trên chính trường vén lên hiện trạng bất ổn sâu sắc trong xã hội Thái Lan, đất nước bị phân rẽ giữa một bên là mô hình xã hội truyền thống do giai tầng tinh hoa chi phối và bên kia là mô thức chính trị-xã hội mới chưa định hình. Nó cũng soi chiếu sự bế tắc, bối rối trong việc lựa chọn con đường tương lai của Thái Lan.
Chính phủ hiện thời có nền tảng vững chắc và nhận được ủng hộ sâu rộng nhờ chiếm được cảm tình của đông đảo cư dân vùng nông thôn và người nghèo thành thị.
Điều đó lý giải thế lực và ảnh hưởng rộng lớn của đảng Thai Rak Thai trước kia và Pheu Thai cầm quyền ngày nay. Kể cả phe đối lập áo vàng có thành công trong việc lật đổ người nhà Thaksin khỏi ghế quyền lực như từng làm hồi năm 2006, họ vẫn có thể trở lại ngoạn mục nhờ thắng lợi bầu cử.
Phe đối lập muốn thực hiện cuộc “đảo chính mềm”, dựng lên một chính phủ không qua bầu cử, nhằm triệt hạ di sản của gia đình Thaksin. Nhưng nếu làm vậy, họ sẽ giết chết niềm hy vọng, đồng thời thổi bùng cơn giận dữ của hàng triệu người phe áo đỏ. Và một vòng luẩn quẩn mới lại bắt đầu...