Tuy nhiên, tại đồn cảnh sát Phuket, hai nhà báo này phủ nhận mọi cáo buộc.
Hai phóng viên này là Alan Morison, cựu binh người Úc và Chutima Sidasathian, người Thái, làm việc cho Phuketwan, một trang web tin tức của tỉnh Phuket. Bài báo của họ hôm 17/7 có trích dẫn một đoạn thông tin điều tra từ hãng tin Reuters cáo buộc lực lượng hải quân Thái Lan thu lợi từ việc buôn người Rohingya, một bộ tộc trốn chạy nạn bạo lực tôn giáo và sắc tộc tại Myanmar.
Theo đơn tố cáo, hải quân nước này cáo buộc hai phóng viên tội vu khống và cố ý đăng tải thông tin sai lệch.
Nếu bị kết tội, hai phóng viên này có thể phải ngồi tù 5 năm và bị phạt 3.300 USD.
Tổ chức Quan sát Nhân quyền (HRW) lên án hành động này của hải quân Thái Lan, cảnh báo rằng việc này đang đe dọa đến tự do báo chí ở nước này.
“Vụ kiện của hải quân Thái Lan là một nỗ lực liều lĩnh nhằm ngăn chặn các báo cáo của hai phóng viên về vụ buôn người do những nhân viên của lực lượng này thực hiện”, ông Brad Adam, giám đốc tổ chức Quan sát Nhân quyền ở châu Á nói.
Ông cũng cảnh báo: “Trừ phi chính phủ rút đơn kiện, nếu không hậu quả sẽ vượt xa cả những bài viết về lạm dụng chống lại bộ tộc Rohingya, và có thể ảnh hưởng lớn đến tất cả các báo cáo điều tra ở Thái Lan”.
Cũng theo HRW, các phóng viên của hãng tin Reuters có thể cũng phải đối mặt với tội danh tương tự vì bài báo gốc, tuy nhiên hãng này cho biết họ chưa nhận được thông báo nào về vấn đề pháp lý.
“Các báo cáo của chúng tôi là công bằng và được cân nhắc kỹ, Reuters vẫn chưa bị cáo buộc tội bôi nhọ”, Giám đốc Truyền thông Toàn cầu của Reuters, ông Barb Burg nói.
Phủ nhận các cáo buộc chống lại mình, nhà báo Morison nói rằng bài báo của hãng Reuters được đăng tải trên các phương tiện truyền thông toàn thế giới và các hành động của Hải quân Hoàng gia Thái Lan đang đẩy ông và các đồng nghiệp vào tình thế khó xử.
Phan Yến
Theo CNN