Hải quan đẩy nhanh cơ chế Một cửa quốc gia

Ngành hải quan hiện đại hoá thông qua cơ chế 1 cửa Quốc gia với rất nhiều ưu việt.
Ngành hải quan hiện đại hoá thông qua cơ chế 1 cửa Quốc gia với rất nhiều ưu việt.
TP - Ngành hải quan đang chuẩn bị thực thi Nghị định thư Asean về Cơ chế một cửa Asean, Nghị định thư về hàng hóa quá cảnh...song song với việc thực thi đầy đủ các cam kết quốc tế và các hiệp định thương mại song phương và đa phương mà Việt Nam đã ký kết.

Kiểm tra chuyên ngành tránh chồng chéo

Nhằm tạo bước đột phá của quá trình cải cách hành chính đối với lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, phối hợp với các bộ ngành triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa Asean và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành. Từ khi triển khai vào năm 2014 công tác này đang thực sự tạo ra cú hích mới, được kỳ vọng sẽ tháo gỡ “nút thắt” trong hoạt động xuất nhập khẩu của nước ta.

Theo đó, trong năm 2016 và 9 tháng đầu năm 2017, Bộ Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành tích cực triển khai Cơ chế một cửa quốc gia theo lộ trình nêu tại Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016-2020.

Cụ thể, tính đến ngày 5/10/2017, đã có 11 bộ, ngành tham gia Cơ chế một cửa quốc gia với 41 thủ tục hành chính, xử lý hơn 546 nghìn hồ sơ của hơn 14,3 nghìn doanh nghiệp.

Ngành đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 29/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh tiến độ, nâng cao hiệu quả thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại; Hoàn thành dự thảo Nghị định về triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại.

Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia đường hàng không; Mở rộng trên toàn quốc đối với thủ tục tàu thuyền vào, rời cảng biển, cảng nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi; Phối hợp với 6 bộ, ngành hoàn thiện tài liệu kỹ thuật, nghiệp vụ và phần mềm cho 22 thủ tục mới để đưa lên Cơ chế một cửa quốc gia.

Tích cực phối hợp với 4 nước ASEAN gồm Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia thực hiện trao đổi thử nghiệm C/O form D. Về công tác kiểm tra chuyên ngành: Đã phối hợp với các bộ ngành rà soát để sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật quy định về kiểm tra chuyên ngành. Đến nay đã có 76% các văn bản về kiểm tra chuyên ngành được sửa đổi, bổ sung, thay thế. Theo đó, các danh mục kiểm tra được quy định rõ ràng hơn, có mã số HS kèm theo, tránh chồng chéo nhằm tạo thuận lợi cho công tác kiểm tra và cho doanh nghiệp làm thủ tục kiểm tra. Ngoài ra, việc thành lập và đưa vào hoạt động 10 địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại 8 địa bàn hải quan giúp cho việc kiểm tra chuyên ngành tại các cửa khẩu được thuận lợi hơn.

Thanh toán điện tử qua 35 ngân hàng

Trong những năm vừa qua, Tổng cục Hải quan đã nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước về hải quan. Các công tác quản lý hải quan cốt lõi (thông quan, quản lý thuế, kiểm tra sau thông quan, điều tra chống buôn lậu, thống kê nhà nước về hàng hóa XNK) đã được tin học hóa. 100% quy trình thủ tục cơ bản đã được thực hiện tự động.

Theo đó, việc xử lý cấp phép của các bộ, ngành được thực hiện tự động và nhanh chóng, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời nâng cao năng lực quản lý nhà nước. Đến nay, 11 bộ, ngành đã thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia với 41 thủ tục hành chính.

Ở khâu trong thông quan đã có 99,9 % tờ khai hải quan, 99,6 % kim ngạch xuất nhập khẩu được xử lý thông qua Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS tại 100% đơn vị trong ngành với thời gian thông quan hàng luồng xanh không quá 3 giây.

Tại khâu nộp thuế, Tổng cục Hải quan thực hiện thanh toán điện tử thông qua 35 ngân hàng thương mại với tổng số thu đạt khoảng 90% số thu toàn ngành. Nhằm tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, ngày 23/10/2017, Tổng cục Hải quan đã ký kết với 5 ngân hàng thương mại lớn (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, MBBank và Techcombank) thực hiện thí điểm nộp thuế điện tử 24/7. Bên cạnh đó, các thủ tục hành chính cốt lõi liên quan đến người dân và doanh nghiệp đã được Tổng cục Hải quan cung cấp ở cấp độ 3 và cấp độ 4 (là cấp độ cao nhất về thủ tục hành chính).

Đối với quản lý hải quan, Tổng cục Hải quan đã triển khai thí điểm Hệ thống giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại cảng biển và sân bay thông qua việc kết nối, trao đổi với các cơ quan kinh doanh cảng. Dự kiến trong năm 2018, Tổng cục Hải quan sẽ triển khai chính thức hệ thống này trong phạm vi toàn quốc. Việc triển khai hệ thống nói trên cho phép cơ quan hải quan giám sát, quản lý hàng hóa xuất khẩu một cách hiệu quả từ khi vào cảng cho đến khi ra khỏi cảng.

Trước áp lực công việc ngày càng cao, yêu cầu thời gian xử lý hàng hóa ngày càng ngắn, Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan bên cạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin phải đầu tư trang bị các trang thiết bị hiện đại hỗ trợ công tác kiểm tra giám sát hàng hóa và đấu tranh chống buôn lậu.

Ngành đã mua sắm và đưa vào sử dụng các máy móc thiết bị hiện đại như: hệ thống giám sát hải quan trực tuyến, máy soi container, máy soi hành lý, tàu cao tốc, camera giám sát, thiết bị kiểm định di động...nhằm nâng cao hiệu quả công việc, giảm áp lực cho doanh nghiệp và hạn chế sự can thiệp thủ công của công chức hải quan.

MỚI - NÓNG