Tiền “chảy” vào túi cán bộ hải quan
Về những cải cách trong thủ tục hải quan, ĐB Trần Quang Tuấn (Hà Nội) cho rằng bộ trưởng chưa đưa ra chiến lược dài hạn và ngắn hạn cải cách thủ tục hải quan. Ông Tuấn dẫn chứng hai vụ việc bức xúc, nổi cộm, được dư luận quan tâm là vụ việc 20 nghìn viên thuốc ung thư ở TP.HCM do thủ tục quá dài, quá lâu làm thời hạn thuốc không còn, khiến hàng trăm bệnh nhân không có thuốc dùng. “Đây là những bệnh nhân rất nghèo, cận kề cái chết, thế mà thuốc lại hết hạn”, ông Tuấn nói.
Vụ việc thứ hai được ông Tuấn nêu ra là trước tình trạng lũ lụt, thiên tai, nhiều nước đã viện trợ hàng cho Việt Nam. Tuy nhiên, do thủ tục quá lâu khi đến tay đồng bào thì đã quá muộn, mất tính cấp thiết và ảnh hưởng đến việc hỗ trợ cho đồng bào lũ lụt.
Giải đáp những nội dung trên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết lô thuốc chữa ung thư được công ty nhập về Việt Nam thì hạn sử dụng còn dưới 12 tháng. Theo quy định thì lô thuốc này phải qua kiểm tra chuyên ngành, phải gửi đến Viện huyết học và truyền máu trung ương. Sau khi có kết quả và khi có ý kiến của Cục kiểm tra chất lượng của Bộ Y tế, thì hải quan đã thông quan ngay ngày hôm sau. "Đối với chúng tôi thì hàng cứu trợ thì nguyên tắc là phải thông quan ngay trong ngày", bộ trưởng nói
Đối với vụ 213 container, ông Dũng cho biết, đây là vụ do Tổng cục Hải quan phát hiện ra. Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Công an. Đến nay cơ quan điều tra đã bắt 3 đối tượng. Còn về tinh thần thái độ thì chúng tôi kiên quyết chống tiêu cực trong ngành.
Theo ông Dũng, có những vụ như Hải quan An Giang đã bắt, xử lý tới 46 cán bộ. Hàng năm xử lý cán bộ thuế, hải quan liên quan đến vi phạm nghiệp vụ, vi phạm hành chính khoảng trên dưới 300 người.
Đầu tư công không hiệu quả gây thiệt hại kép
Về nợ công, đầu tư công, ĐB Trần Quang Tuấn cho rằng, bộ trưởng mới nói đến giải pháp kìm hãm sự phát triển tăng tốc của nợ công nhưng điều quan trọng là hiệu quả đầu tư công thì chưa rõ. “Con số chỉ là vỏ bên ngoài, linh hồn là hiệu quả đầu tư ra sao. Nợ công không xấu nhưng đầu tư công không hiệu quả thì vô cùng xấu. Bởi vì chúng ta thiệt hại kép, thứ nhất phải trả tiền gốc, tiền lãi, bên cạnh đó phải trả bù lỗ cho các doanh nghiệp chúng ta đầu tư không hiệu quả”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng dẫn chứng, như vừa rồi có 12 dự án đầu tư không hiệu quả, đội vốn đầu tư, thất thoát rất nhiều tiền gây ảnh hưởng xấu đến nền sức khoẻ nền kinh tế đồng thời ảnh hưởng xấu uy tín Việt Nam trên trường quốc tế.
“Đề nghị Bộ trưởng song song báo cáo kìm hãm nợ công thì phải nói thêm đầu tư công hiệu quả ra sao. Nếu không đầu tư thì không phát triển được nhưng đầu tư không hiệu quả thì làm cho kinh tế còn xấu hơn”, ông Tuấn chất vấn.
Thừa nhận chất lượng đầu tư công còn hạn chế, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, đầu tư công nằm trong chương trình tái cơ cấu đầu tư công. Bộ Tài chính đang triển khai nhiệm vụ nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay, cấp phép cho vay lại, hạn chế bảo lãnh Chính phủ để kiểm soát chặt chẽ vấn đề này.
Về hướng giải quyết, ông Dũng cho biết, Chính phủ đã có kế hoạch tái cơ cấu đầu tư công, tổng hợp rà soát lại tất cả bất cập, cho sửa luật theo hướng quản lý chặt chẽ nhưng nhanh gọn.