Ngày 17/5, Tổng cục Hải quan phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức hội thảo tham vấn dự thảo Nghị định quy định thực hiện thủ tục hải quan thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK (gọi tắt là Nghị định Cơ chế một cửa quốc gia )
Phát biểu tại hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Công Bình cho biết, Hiệp định về thành lập và thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN được các nước thành viên ký kết và phê duyệt Nghị định thư về xây dựng và thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN. Cơ chế một cửa quốc gia chính thức triển khai từ tháng 11/2014, đến nay đã kết nối với 11 bộ, ngành/14 bộ, ngành và đã có 47 thủ tục hành chính được triển khai trên cơ chế một cửa quốc gia.
Tuy nhiên, theo ông Bình, số thủ tục hành chính được triển khai trên Cơ chế một cửa quốc gia chưa nhiều (47/245 tổng số thủ tục hành chính) và tồn tại những chồng chéo, bất cập do quy định trong văn bản pháp luật được xây dựng theo phương thức thủ công truyền thống, thiếu sự phối hợp, liên kết giữa các thủ tục hành chính liên quan đến nhau dẫn đến còn nhiều yêu cầu về thông tin chứng từ không cần thiết.
Vì vậy, để xây dựng dự thảo Nghị định Cơ chế một cửa quốc gia, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Công Bình cho biết, Tổng cục Hải quan đã tiến hành đánh giá quá trình triển khai thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia, rà soát quy định của Hiệp định thành lập và thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN, Nghị định thư về xây dựng và thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN, Nghị định thư về khung pháp lý thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN, rà soát các quy định pháp luật liên quan đến kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK làm cơ sở xây dựng nội dung dự thảo.
Theo ông Michael Trueblood, Giám đốc Phòng Phát triển Kinh tế và Quản trị Nhà nước, Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) Việt Nam, việc xây dựng một nghị định mới về Cơ chế một cửa và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK sẽ đóng vai trò quan trọng và kịp thời trong bối cảnh Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO mà Việt Nam là thành viên đã có hiệu lực từ tháng 2/2017. Bên cạnh đó, Nghị quyết 19 năm 2018 của Chính phủ lần 5 đặt ra những tiêu chuẩn cao hơn về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Do đó, dự thảo Nghị định Cơ chế một cửa quốc gia sẽ giúp Việt Nam tiếp tục tạo thuận lợi thương mại hơn nữa cho các DN thông qua việc đơn giản thủ tục hải quan và thủ tục XNK.
Góp ý về dự thảo, bà Phạm Thị Ngọc Thủy, đại diện Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho rằng, dự thảo mặc dù có những nỗ lực để giúp doanh nghiệp giải quyết một khối lượng công việc rất lớn. Tuy nhiên, vẫn đang tồn tại một số bất cập như chưa đề cập tới vấn đề cổng một cửa tại cơ quan Hải quan.
Bà Thủy dẫn chứng, doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa sau khi có kết quả kiểm tra của cơ quan chuyên ngành thì thông tin có thể đăng tải trên cổng một cửa và hoàn tất thủ tục. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại phải thông báo kết quả ngược trở lại với cơ quan hải quan. Điều này vừa tốn thời gian, vừa chồng chéo không đáng có. Bên cạnh đó, cơ sở dữ liệu cũng không được kết nối giữa cơ quan hải quan và cổng một cửa gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
“Chính cơ quan hải quan lại không có sự kết nối đối với cổng một cửa do cơ quan hải quan phụ trách. Qúa trình điều phối diễn ra rất thủ công, nhiều tình huống kê khai đã hoàn tất nhưng sau đó phát sinh một số vấn đề mà cơ quan hải quan cũng không cập nhật lên cổng nên doanh nghiệp phải làm lại từ đầu, rất mất thời gian”, bà Thủy nói.
Đồng tình ý kiến trên, ông Phạm Thanh Bình, chuyên gia tư vấn Dự án GIG cho rằng, dự thảo cần quy định thêm về vấn đề cổng điện tử thì cần phải quy định bỏ chứng từ giấy, chỉ có chứng từ điện tử. Mặt khác, một số thuật ngữ trong dự thảo cũng cần phải được nêu rõ, ví dụ cơ quan giải quyết thủ tục hành chính chuyên ngành nên ghi hẳn ra là cơ quan cấp giấy phép và cơ quan kiểm tra chuyên ngành. Hệ thống xử lý chuyên ngành cần ghi rõ là hệ thống xử lý thông tin điện tử của cơ quan cấp phép và của cơ quan chuyên ngành, ông Bình cho hay.