Hai nhà máy thép sai phạm ở Ðà Nẵng: Vẫn chờ lời giải

Người dân sống xung quanh hai nhà máy thép Dana – Ý và Dana – Úc phản đối vì cho rằng gây ô nhiễm ​
Người dân sống xung quanh hai nhà máy thép Dana – Ý và Dana – Úc phản đối vì cho rằng gây ô nhiễm ​
TP - Ðà Nẵng vừa công bố Kết luận Thanh tra hai nhà máy thép Dana - Ý và Dana - Úc gây xôn xao dư luận thời gian qua. Việc “khám” hai nhà máy đã lòi ra sai phạm của chính quyền và cả doanh nghiệp. Câu chuyện di dời hay không di dời nhà máy chưa định đoạt, nhưng đã có cơn “sốt” về đất đai quanh 2 nhà máy này.

Dân mắc kẹt

Theo kết luận thanh tra, UBND thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2008 - 2014 đã cấp giấy chứng nhận cho hai nhà máy thép là không phù hợp với quy định ngành nghề tại Cụm công nghiệp Thành Vinh theo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; không phù hợp với chủ trương của UBND thành phố về việc không cho đầu tư lắp đặt lò luyện thép trong các khu công nghiệp; không đảm bảo khoảng cách ly tối thiểu đối với khu dân cư (500 m). Việc UBND thành phố Đà Nẵng cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chủ đầu tư Cụm công nghiệp, sau đó chủ đầu tư chuyển nhượng lại cho hai công ty với những thời hạn sử dụng lâu dài là không đúng Luật Đất đai.

Nhà máy thép Dana - Ý sử dụng dây chuyền luyện, cán thép có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc và Ý. Tuy nhiên trong quá trình hoạt động đã thay đổi một số hệ thống lò luyện không đúng với dây chuyền đã đăng ký tại ĐTM đã được phê duyệt. Trong quá trình hoạt động Công ty CP thép Dana - Ý đã sản xuất lượng thép vượt công suất so với quy định. Năm 2013 vượt hơn 50.000 tấn, năm 2015 và 2016 mỗi năm vượt hơn 43.000 tấn , năm 2017 vượt 21.000 tấn...Tương tự, Nhà máy thép Dana - Úc (Công ty CP thép Dana - Úc) sử dụng dây chuyền luyện, cán thép có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Thanh tra chỉ rõ: trong quá trình hoạt động, công ty đã thay đội hệ thống lò luyện không đúng với dây chuyền đã đăng ký tại ĐTM được phê duyệt...

Bài toán di dời

Hai ngày trước khi Kết luận Thanh tra được công bố (ngày 6/10), một trong hai công ty đã có đơn kêu cứu gửi lãnh đạo Trung ương,  cho rằng công ty hoàn toàn ngay tình và không có lỗi trong việc bức xúc của người dân sống cạnh cụm công nghiệp Thành Vinh. Công ty được thành lập và hoạt động hoàn toàn hợp pháp, nhà máy thép và lĩnh vực hoạt động của công ty hoàn toàn phù hợp với chủ trương quy hoạch và lĩnh vực khuyến khích đầu tư tại cụm công nghiệp. Công ty luôn chấp hành quy định pháp luật bảo vệ môi trường. Căn nguyên vụ việc do UBND thành phố Đà Nẵng đã thực hiện quy hoạch Cụm công nghiệp Thành Vinh không nhất quán, không phù hợp tiêu chuẩn... Công ty này đưa ra hai phương án: di dời nhà máy và thực hiện hỗ trợ, đền bù theo quy định pháp luật để phát triển khu dân cư. Hoặc di dời các hộ dân cạnh cụm công nghiệp để nhà máy tiếp tục hoạt động.

Ngày 8/10, trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền Phong về việc sau kết luận của thanh tra, hai nhà máy thép có di dời ? Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng nói ngắn gọn: “Tất cả sẽ được xử lý theo kết luận của Thanh tra thành phố. Di dời hay không di dời thực hiện theo kết luận sẽ ra. Trong Kết luận của Thanh tra cũng đã có kiến nghị xử lý”.

Giao dịch đất đai tăng một cách khó hiểu

Cùng thời điểm này thanh tra về quản lý sử dụng đất đai tại thôn Vân Dương 2 (xã Hòa Liên, Hòa Vang) nơi 2 nhà máy thép đứng chân cũng được công bố. Trong kết luận này có chi tiết về việc để xử lý ô nhiễm khu vực quanh 2 nhà máy thép Dana Ý và Dana Úc, UBND Ðà Nẵng chủ trương di dời, giải tỏa và bố trí TÐC cho các hộ dân. Tuy nhiên, chỉ sau một năm (từ tháng 1/2017 – 2/2018) từ 500 lô TÐC đã thành 1.214 lô. Việc tăng thêm 714 lô đất TÐC chỉ trong 1 năm ở khu vực 2 nhà máy thép khiến quỹ đất quy hoạch TÐC của thành phố đưa ra bị vỡ.

MỚI - NÓNG
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
Mưa lớn gây ngập ở Hà Tĩnh
TPO - Mưa lớn kéo dài cùng nước từ thượng nguồn đổ về đã gây ngập úng, chia cắt giao thông một số khu vực ở Hà Tĩnh. Ngành chức năng địa phương đã xả tràn các hồ chứa để ứng phó mưa lũ có thể xảy ra.