Hai mươi năm làm cần vụ cho tướng Giáp

Hai mươi năm làm cần vụ cho tướng Giáp
TP - Biết ông từng là cần vụ lâu năm của Đại tướng, một số phóng viên báo chí đã đến xin được trò chuyện và phỏng vấn, nhưng ông đều từ chối. Vì thế, việc ông dành cho tôi một buổi sáng để trò chuyện thực sự là điều may mắn với tôi.

> T.Ư Đoàn chúc thọ Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Ông Trần Văn Thìn (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng đội cũ chúc mừng phu nhân Đại tướng nhân dịp Đại tướng bước sang tuổi 100 (tháng 8-2010)
Ông Trần Văn Thìn (ngoài cùng bên trái) cùng các đồng đội cũ chúc mừng phu nhân Đại tướng nhân dịp Đại tướng bước sang tuổi 100 (tháng 8-2010) .

Ông là Trần Văn Thìn, ở tổ 23 phường Hoàng Văn Thụ, TP Thái Nguyên, người đã có vinh dự được ở bên Đại tướng Võ Nguyên Giáp suốt 21 năm - phần lớn cuộc đời quân ngũ của mình. Lý do để ông không muốn chia sẻ bởi với ông, những gì thuộc về Đại tướng là rất đỗi thiêng liêng, đến mức ông không đành và không muốn chia sẻ với người khác, mà chỉ muốn giữ cho riêng mình.

21 năm và lời dặn của Đại tướng

Ông Trần Văn Thìn sinh năm 1940 tại thị xã Thái Nguyên. Ông kể, ngày ấy thị xã Thái Nguyên chỉ có vài con đường gọi là phố, Quốc lộ 3 đi Bắc Cạn, Chợ Mới chỉ vừa đủ rộng cho cái ô tô tải loại bé bây giờ, lau sậy um tùm, ngả ra đường.

Ngày Cách mạng tháng Tám, ông mới 5 tuổi, nhưng giờ vẫn nhớ không khí tưng bừng của những người đi mít tinh giành chính quyền, nghe tiếng hô khẩu hiệu vang vang, cậu bé Thìn còn hớn hở chạy đi xem. Gia đình ông làm ruộng, cuốc đất trồng sắn ở xóm Phủ Liễn, đất đai vừa ở vừa vỡ hoang, làm ruộng. Đến lúc vào hợp tác xã, gia đình ông đóng góp 2,7 mẫu đất.

Tháng 3 năm 1959, ông Thìn được gọi nhập ngũ. Đợt ông đi cũng chính là đợt gọi nghĩa vụ quân sự đầu tiên của tỉnh Thái Nguyên. Sau ba tháng huấn luyện, ông được phân công về đơn vị bảo vệ cơ quan Bộ Quốc phòng.

Sáu năm ở đơn vị bảo vệ cơ quan Bộ Quốc phòng, đến tháng 10 năm 1965, ông được lệnh chuyển sang phục vụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lúc ấy, Đại tướng là Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Quân ủy Trung ương.

Tôi hỏi ông Thìn: “Khi nhận lệnh bác có bất ngờ không? Bác có “sợ” khi làm việc với đại tướng không?”. Ông bảo:

- Trước lúc được phân công sang thì tôi cũng có vài lần đi theo để bảo vệ vòng ngoài, phục vụ Đại tướng nên cũng đã quen, vả lại Đại tướng rất dễ gần, có gì đâu mà sợ. Anh Lưu trung đội trưởng sang trước, thỉnh thoảng anh gọi tôi đến, anh em giúp nhau.

Sau thì anh phân công tôi: “Chú sang giúp anh Văn”. Lúc đầu tôi gọi ông là “Đại tướng”, xưng “tôi”, sau Đại tướng bảo là chỗ gia đình rồi, cứ xưng hô là “anh em”. Anh gọi tôi là Thìn, Thìn lấy cho anh cái này, cái kia. Tôi gọi là “anh Văn, chị Hà”. Gia đình nề nếp gia phong, nên rất giữ lễ, vì thế tuy bằng tuổi tôi, nhưng Hồng Anh - con gái cả của anh Văn, vẫn gọi tôi là chú.

- Công việc cần vụ gồm những gì ạ?

- Là tất cả những gì liên quan đến việc phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của Đại tướng. Bộ phận phục vụ cho Đại tướng (cũng như các tướng lĩnh cao cấp khác của Bộ quốc phòng lúc bấy giờ) gồm một cần vụ, một bảo vệ, một lái xe, hai người nấu ăn, biên chế một chi bộ thuộc Đảng bộ Văn phòng Cơ quan Bộ Quốc phòng.

Đại tướng sinh hoạt cùng chi bộ chúng tôi. Anh Văn làm việc nhiều, sau tám tiếng ở cơ quan thì ở nhà lúc nào bên cạnh anh cũng có sổ, bút viết, bút chì Hồng Hà xanh đỏ và đồng hồ. Cái đồng hồ Thụy Sĩ được Bác tặng cho, anh ấy dùng suốt, có khi bây giờ vẫn dùng. Trong sinh hoạt và cuộc sống gia đình, anh Văn rất bình dị, đặc biệt quan tâm đến con cái...

21 năm làm công việc của một người cần vụ thầm lặng, bên cạnh vị Đại tướng lẫy lừng, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đến tháng 6 năm 1986, ông Thìn về hưu với quân hàm thiếu tá. Về địa phương, ông được giao nhiệm vụ làm Bí thư chi bộ, Trưởng ban kiểm soát ở HTX nông nghiệp Đội Cấn.

Liên tục 15 năm đảm nhiệm chức vụ Bí thư chi bộ, đến năm 2003 ông làm Chủ tịch Hội Nông dân của phường Hoàng Văn Thụ, năm 2007 mới nghỉ. 45 tuổi Đảng, 27 năm trong quân đội, về địa phương lại đóng góp tiếp 20 năm công tác nữa, được Nhà nước trao tặng Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Huân chương Chiến sĩ Vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ quyết thắng hạng Nhất, Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng,…

Ông bảo, mình đã làm đúng lời căn dặn của Đại tướng khi chia tay ông: “Cố gắng giữ bản chất tốt của một người lính, đừng để mắc sai lầm gì”.

Ông Trần Văn Thìn
Ông Trần Văn Thìn.
 

Có những điều chỉ khắc ghi trong dạ

Trước khi đến nhà ông Thìn, tôi nghĩ mình chuẩn bị được tiếp cận với một kho “tư liệu sống”, cùng những điều bí mật, bất ngờ về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng hóa ra ông Thìn rất ít lời. Viện lý do tuổi tác, trí nhớ giảm sút, ông đã không cho tôi cơ hội thỏa mãn trí tò mò nghề nghiệp.

Nhưng đôi lúc tôi hỏi kỹ về một vấn đề, một sự kiện nào đó, thì ông buột miệng: “Có những điều không thể nói được đâu”. Ý thức kỷ luật của một người lính không cho phép ông phát ngôn ngay cả khi ông đã là một “phó thường dân” tuổi cao sức yếu.

Có lẽ đó là một trong những phẩm chất tốt đẹp của ông, để tôi tự lý giải vì sao Đại tướng đã giữ ông ở bên cạnh mình suốt hơn hai mươi năm. Vì thế, những gì tôi nghe được từ ông chỉ là những câu chuyện rời rạc về Đại tướng và ông.

Như chuyện về những chuyến đi công tác. Tháp tùng Đại tướng, ông đã có dịp đi khắp các vùng miền của đất nước. Nhớ nhất là chuyến công tác đặc biệt, chuẩn bị cho chiến dịch giải phóng miền Nam, vào tháng 10/1973. Lần ấy Đại tướng dẫn một đoàn công tác gồm các tướng lĩnh ở Bộ Quốc phòng đi vào Trường Sơn, sang cả Lào. Để chuẩn bị cho chuyến đi của Đại tướng, ông Thìn đã tham gia nhóm công tác tiền trạm, vào làm việc trước với các đơn vị để đảm bảo an toàn và bí mật mọi mặt cho đoàn.

Xong việc, ông quay ra Bắc, rồi lại tháp tùng Đại tướng trở vào. Đoàn đi bằng các loại phương tiện, lúc ô tô, lúc đi thuyền. Sang Lào, thầy trò còn phải ngủ đêm ở trong rừng. Rừng nơi ấy nhiều mối lạ lùng, trải bạt xuống nằm một lúc là mối ở đâu đã mò lên, rào rào cắn người, quân tướng lại phải gọi nhau dậy mắc võng.

Ông đi nước ngoài cũng nhiều, đi hầu hết các nước XHCN. Xa nhất là đi Cu Ba vào dịp Đại hội Đảng Cộng sản Cu Ba lần thứ nhất, năm 1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Trưởng đoàn Việt Nam sang dự. Ba Lan ông được sang hai lần.

Lần đầu sang khi Việt Nam mới giải phóng, ra chợ ở Ba Lan thấy hàng hóa đầy ắp, ông thèm cho nước mình bao giờ mới được như vậy. Nhưng lần thứ hai là dịp Đại hội bất thường Đảng Cộng sản Ba Lan đúng lúc Ba Lan rơi vào khủng hoảng kinh tế mang màu sắc chính trị (1980-1981), thì ông bị bất ngờ vì thấy Ba Lan xơ xác chẳng khác gì Việt Nam sau chiến tranh.

Lúc ấy, phong trào đình công do ủy ban đình công, sau này là Công đoàn Đoàn Kết, đã ảnh hưởng đến đời sống chính trị - xã hội của Ba Lan.

Rồi chuyện về mối quan hệ thân thiết giữa Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Ông Thìn kể:

- Nếu nói trong hàng ngũ tướng lĩnh thì anh Thanh và anh Văn hiểu nhau nhiều hơn cả. Anh Văn từng kể với tôi: “Khi anh cầm quân đi chiến dịch Điện Biên Phủ, hai người chỉ gặp nhau, bàn với nhau khoảng hơn một tiếng đồng hồ rồi sang báo cáo với Bác là đi”. Trong kháng chiến chống Mỹ, hai người vẫn thường bàn bạc công việc với nhau.

Thời gian anh Thanh vào miền Nam, mỗi khi anh ra báo cáo với Bộ Chính trị, Bộ Quốc phòng xong, anh thường làm việc riêng với anh Văn. Những lần làm việc như thế đều diễn ra khá nhanh chóng, vì họ rất hiểu ý nhau. Vì thế, khi anh Thanh mất đột ngột, anh Văn rất đau lòng.

Sau này, khi cuộc kháng chiến kết thúc thắng lợi, anh Văn tỏ ý hài lòng, chia sẻ với cấp dưới rằng mọi việc diễn ra như anh và anh Thanh đã trù liệu trước, kể cả khi có người khác làm thay việc của anh Thanh.

Những năm tháng ở bên Đại tướng, ông Thìn có may mắn là hay được gặp Bác Hồ và các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhưng ông cũng đã từng được Bác dạy cho một “bài học nhớ đời”.

- Bác sang thăm gia đình anh Văn mỗi năm một vài lần. Gia đình tiếp Bác thân tình như một người ông trong nhà. Mỗi lần Bác sang, bọn này rất lo vì luôn bị động, không biết Bác vào cửa nào, bởi Bác luôn chủ động đường đi của mình, lúc đi cửa chính, lúc vào cửa ngách. Vì thế một lần, tôi vừa nghe điện báo Bác đến, chỉ kịp chạy ra cổng báo bảo vệ, quay lại thì xe đã đến cổng.

Gia đình anh Văn ra đón Bác. Bác rút dép ngồi luôn xuống bậc thềm. Tôi sợ bẩn, chạy vào nhà lấy quyển họa báo đem ra đưa Bác ngồi, thế là Bác phê bình luôn: “Tôi nói với chú nhá, thứ này là để đọc, để học tập, không phải để ngồi!”. Sau lúc ấy, ông Kháng, Cục trưởng Cục Cảnh vệ nhắc nhở: “Một - không, nhớ chưa?”.

Ông Thìn bảo, tiếp các vị lãnh đạo khác, như Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng thì dễ hơn. Trong xưng hô với lãnh đạo, thì chỉ Bác Hồ, bác Tôn, ai cũng gọi là “bác”, còn thì đều xưng hô là “anh, em”, anh Nguyễn Lương Bằng, anh Trường Chinh, anh Lê Duẩn,...

Lãnh đạo và cấp dưới rất thân mật, gần gũi. Quan hệ giữa các lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng rất thân tình, không chỉ công việc hay thăm hỏi dịp lễ tết, mà chia sẻ cả các việc vui buồn trong nhà, đến thăm con cái khi ốm đau.

Tôi gợi chuyện:

- Sự an nguy của Đại tướng trong suốt chừng ấy năm chắc chắn là có liên quan đến sự an nguy của những người cần vệ, bác nhỉ? Có tình huống nào đặc biệt không bác?

Ông Thìn chỉ gật đầu: “Cũng có chứ”, rồi... im lặng. Tôi hiểu, mình sẽ không biết được gì thêm.

Trọn đời với nghĩa cả

Khi tôi hỏi tình cảm của ông dành cho Đại tướng, ông Thìn đã khóc.

Nước mắt ông rơi không chỉ một lần, trong buổi sáng trò chuyện với tôi.

Nước mắt ông rơi khi kể về những nỗi đau buồn trong cuộc đời Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Những nỗi đau buồn đến từ nhiều phía, cả khi chiến tranh vẫn đang ác liệt và khi nó đã kết thúc.

Như cuộc biệt ly ở Hồ Tây vì nhiệm vụ cách mạng của ông Võ Nguyên Giáp với bà Nguyễn Thị Quang Thái - người vợ đầu cùng đứa con đầu lòng còn đỏ hỏn, rồi bà hy sinh trong ngục tù. Không được chứng kiến, vậy mà khi kể lại với tôi, ông Thìn cũng rơm rớm nước mắt.

“Sau khi Đại tướng thôi giữ chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung ương giao làm nhiệm vụ phát triển khoa học kỹ thuật. Ông chấp hành, còn làm tốt nữa. Lúc sang ủy ban Dân số kế hoạch hóa gia đình, dư luận bàn ra tán vào chuyện đó thế nào, Đại tướng biết cả. Ông nói với chúng tôi trong sinh hoạt chi bộ: Đảng phân công, mình là đảng viên thì cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ...

Một đời người như thế…!”

Tôi hiểu, ngoài sự thành kính thiêng liêng là tình cảm chung của nhân dân cả nước dành cho Đại tướng, tình cảm của ông Thìn dành cho Đại tướng đã vượt qua tình đồng chí, trở thành tình nghĩa gia đình sâu nặng, mà ông nói, đã “như anh em, như bố con”.

Ở địa phương, nhưng hơn hai mươi năm qua, không bao giờ ông bỏ sót một bản tin, một chương trình truyền hình nào về Đại tướng. Xem rồi, ông còn theo dõi giờ phát lại để xem tiếp. Ông bảo, tình cảm gia đình Đại tướng với ông, cũng như với anh em giúp việc khác, vẫn không hề thay đổi, mỗi lần về gặp gia đình anh Văn chị Hà và các cháu là một lần đoàn tụ đầm ấm.

Ông còn bảo ngày 21-8 tại nhà Đại tướng có cuộc gặp mặt mừng Đại tướng tròn 100 tuổi. Anh em từng phục vụ Đại tướng từ thời kháng chiến chống Pháp cũng sẽ về, người cao tuổi nhất đã hơn 80 tuổi.

- Tôi cũng muốn về lắm, nhưng không biết có về được không. Nhà cửa, đất đai đang ngổn ngang thế này… - Ông Thìn buồn rầu.

Căn nhà kiên cố được làm từ sự dành dụm cả đời, trên mảnh đất 1.845 mét vuông tự tay ông bà và các con khai phá, giờ nằm trọn trong Dự án khu tái định cư đường Bắc Sơn. Tiền đền bù nhận rồi, đất giao cho dự án rồi, mà gia đình ông chưa được nhận phần đất tái định cư theo đúng chính sách của Nhà nước. Nên ngôi nhà và chủ nhân của nó vẫn còn lại trơ trọi giữa khu đất mênh mông trống vắng. Chuyện nhà cửa đất đai lình sình liên quan đến dự án này đã lấy của ông rất nhiều sức lực, còn chút lòng tin ông vẫn chờ đợi để chính sách được thực thi thỏa đáng, hợp lý hợp tình.

Ra về, tôi chúc ông mạnh khỏe, để thỉnh thoảng có dịp lại về Hà Nội, gặp lại những người mà ông yêu kính. Mái đầu bạc phơ của ông nói với tôi câu trả lời thật mong manh. Cuộc đời còn lắm bất trắc, chỉ mong bình yên và những niềm vui đến với ông, người suốt đời luôn tự dặn lòng: “Đừng làm gì ảnh hưởng đến một người như anh Văn”, và ông đã sống như thế.

Ngày 18-8-2011

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG