Tiếp bài CSGT tỉnh “kiểm tra” thanh tra giao thông Bộ:

Hai lực lượng cãi cự, xe quá tải vô tư vượt trạm

CSGT (bìa phải) đang tiến lại tổ công tác của TTGT, trong khi xe quá tải ngang nhiên đi lại.
CSGT (bìa phải) đang tiến lại tổ công tác của TTGT, trong khi xe quá tải ngang nhiên đi lại.
TP - Các bên liên quan sự việc CSGT Hải Phòng kiểm tra thanh tra giao thông thuộc Tổng Cục Đường bộ đã lên tiếng. Tuy nhiên, vì sao cả hai lực lượng xuất hiện nhưng xe quá tải vẫn vô tư vượt qua; vì sao trạm cân lại đặt cách điểm có nhiều xe quá tải đến 4 km vẫn chưa được làm rõ.

Cả hai tổ công tác đều “có vấn đề”

Ngày 13/7, Công an TP Hải Phòng có thông báo chính thức về sự việc. Theo đó, lúc 17 giờ 45 phút ngày 2/7, tổ công tác trạm CSGT Quán Trữ (Hải Phòng) phối hợp cùng Thanh tra Sở GTVT kiểm soát tải trọng phương tiện tại Km41+005 QL10. Lúc này, tổ công tác nhận được tin có 6 người (3 người mặc trang phục thanh tra giao thông) cùng 2 ô tô bán tải (thành xe có dòng chữ Thanh tra giao thông, BKS 31A-6899 và BKS 31A-3381) đang kiểm tra, kiểm soát các phương tiện lưu thông trên QL10 thuộc địa bàn xã Quang Trung, huyện An Lão, cách trạm kiểm soát tải trọng phương tiện khoảng 4 km.

Sự việc xảy ra sau đó như Tiền Phong phản ánh. Công an Hải Phòng khẳng định, nguyên nhân dẫn đến khúc mắc giữa hai lực lượng là tổ công tác của thanh tra giao thông không xuất trình kế hoạch công tác để chứng minh đang thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ngày 13/7, Đại tá Trần Duy Diên, Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hải Phòng, cho biết sau có thông tin phản ánh vụ việc CSGT Hải Phòng cản trở TTGT xử lý kiểm soát tải trọng xe, Công an Hải Phòng đã tiến hành xác minh làm rõ.

Theo Công an Hải Phòng, khi tổ công tác của Trạm CSGT Quán Trữ đến đến địa điểm trên để liên hệ, đề nghị trao đổi thông tin nhưng nhóm TTGT bất hợp tác, không phối hợp. Sau đó, Công an huyện An Lão mời tất cả về trụ sở làm việc. Công an huyện An Lão xác định đây là số cán bộ, công chức thuộc Chi cục Quản lý đường bộ I.7 (Cục quản lý đường bộ I thuộc Tổng cục đường bộ - Bộ GTVT) gồm ông Nguyễn Xuân Lịch - Chi cục trưởng, 3 thanh tra giao thông Nguyễn Ngọc Minh, Nguyễn Thanh Toàn, Nghiêm Xuân Giang cùng một nhân viên và một lái xe.

Cũng ông Trần Duy Diên cho biết, ngày 29/6/2015, Cục Quản lý đường bộ I - Tổng cục Đường bộ Việt Nam có Kế hoạch số 1341/KH-CQLĐBI - TT - AT về thanh tra, kiểm tra tháng 7/2015. Bản kế hoạch này có nội dung “thanh tra việc chấp hành quy định về xếp hàng hóa lên phương tiện, chở hàng vượt quá tải trọng, quá khổ theo quy định tham gia giao thông; thanh tra xử lý vi phạm đối với hành vi tự ý thay đổi kích thước thùng chở hàng của xe ô tô tải tự đổ, dự kiến bắt đầu thực hiện từ ngày 1/7/2015 và phải có sự phối hợp với thanh tra sở GTVT và công an các tỉnh, thành phố”. Tuy nhiên, ngày 7/7 Sở GTVT mới nhận được bản kế hoạch này, trong khi đó Chi cục quản lý đường bộ I.7 tiến hành kiểm tra từ trước đó.

Ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục Trưởng Đường bộ cũng khẳng định: Để có thể phối hợp khi cần, tránh trường hợp giả mạo thanh tra giao thông, Tổng cục yêu cầu: Các tổ công tác khi làm nhiệm vụ phải xuất trình bản kế hoạch có đóng dấu đỏ.

Ông Nguyễn Xuân Lịch, Chi cục trưởng Chi cục I.7 thừa nhận: Tổ công tác chỉ đưa theo bản kế hoạch phô tô nhưng cho rằng: Với hai xe thanh tra giao thông, các anh em mặc sắc phục gắn biển tên, có thẻ thanh tra không thể nói là giả mạo. Ngoài ra, hằng tháng, Cục đều có kế hoạch tương tự gửi cho Sở GTVT Hải Phòng, chức năng nhiệm vụ của thanh tra giao thông đăng công báo công khai cũng quy định nhiệm vụ chống xe quá tải. Chánh thanh tra giao thông Hải Phòng cũng xác nhận qua điện thoại với các CSGT từng nhận kế hoạch thanh tra. “Lúc đó, chúng tôi đang quay lại cảnh xe chở vượt thùng, không xử phạt. Đây là một việc bình thường. Mọi  khi bị quên kế hoạch, chúng tôi có thể về lấy nhưng phía CSGT có thái độ hùng hổ, hạch sách nên chúng tôi không thực hiện”– ông Lịch nói.

Trạm cân có né xe quá tải?

Điều đáng nói trong vụ việc này là vị trí xảy ra cãi cự giữa tổ công tác có nhiều xe tải chở vật liệu thi công đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cao vượt thành thùng. Trong khi trạm cân được đặt cách đó 4 km, không nằm trên đường đi của các xe quá tải này. “Qua theo dõi, chúng tôi thấy điểm này có nhiều xe vượt thành thùng, có dấu hiệu quá tải rõ ràng” – ông Lịch nói.

Ngoài ra, trong khi hai lực lượng đang tranh luận (khoảng 30 phút tại hiện trường) và sau đó tiếp tục cùng làm việc tại Công an huyện An Lão (khoảng từ 18 giờ 30 đến 22 giờ), hàng loạt xe quá tải đã không được kiểm soát.

Trả lời câu hỏi việc thanh tra giao thông thông báo kế hoạch, kết hợp với CSGT và thanh tra giao thông địa phương sẽ đánh động, khiến xe quá tải né tránh, ông Nguyễn Văn Huyện cho biết: “Lực lượng thanh tra giao thông có thể hoạt động độc lập, khi phát hiện xe vi phạm có thể dừng xe và xử lý. Việc gửi kế hoạch là để thông báo, có thể tập hợp lực lượng cùng tuần tra xử lý hoặc thanh tra giao thông xử lý độc lập nhưng khi xảy ra tình huống phức tạp thì kêu gọi các lực lượng đã được thông báo kế hoạch hỗ trợ”.  

Thông báo của Công an Hải Phòng không đề cập việc hai CSGT không đội mũ khi làm nhiệm vụ; trong đó, ông Phạm Tuấn Anh (trạm phó Quán Trữ, người trực tiếp làm việc với thanh tra giao thông) đi giày không đúng đồng phục. Theo Trung tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Tuyên truyền phổ biến pháp luật giao thông, Cục CSGT, trong quá trình tuần tra kiểm soát, khi xử lý vi phạm, CSGT phải đội mũ và đi giày đồng phục. 

MỚI - NÓNG