Hải Dương, Hưng Yên phát lệnh báo động lũ lụt mức độ cao

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng 11/9, tỉnh Hải Dương và Hưng Yên liên tiếp phát lệnh báo động lũ lụt mức độ 2, mức độ 3 trên hệ thống các sông Thái Bình, sông Luộc... chảy qua địa bàn. 

Hải Dương phát lệnh báo động mức 3

Sáng 11/9, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hải Dương cho biết, hiện hồ thủy điện Hòa Bình đang mở 1 cửa xả đáy, hồ thủy điện Tuyên Quang mở 6 cửa xả đáy.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hải Dương, mực nước đo lúc 6h ngày 11/9 trên sông Thái Bình tại Phả Lại là 5,79m tiệm cận báo động 3, tại khu vực Cát Khê (huyện Nam Sách) vượt mức báo động 3.

Tại trạm thủy văn Phú Lương (TP Hải Dương), nước dâng lên mức độ 3, mực nước sông Kinh Môn tại trạm thủy văn An Phụ lên báo động 3. Ngoài ra, nhiều sông khác cũng có khả năng lên mức báo động 3 trong sáng 11/9.

Trong 12-24 giờ tới, mực nước các sông qua địa phận tỉnh Hải Dương tiếp tục lên nhanh, trên sông Thái Bình tại Phả Lại và Cát Khê đạt mức báo động 3 và tiếp tục lên.

Hải Dương, Hưng Yên phát lệnh báo động lũ lụt mức độ cao ảnh 1

Lực lượng chức năng tỉnh Hải Dương đóng bao đất, cát gia cố những khu vực, vị trí xung yếu, phòng ngừa lũ lụt.

Ngay trong sáng 11/9, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Hải Dương phát lệnh báo động số 3 trên hệ thống sông Thái Bình từ 7h ngày 11/9. Yêu cầu các huyện/thị/thành trên địa bàn và các sở ngành triển khai lực lượng, thực hiện nghiêm ngặt tuần tra canh gác đê điều và thường trực, trực ban chống lũ theo cấp độ báo động, phát hiện, xử lý kịp thời mọi diễn biến hư hỏng của đê, kè, cống.

Các địa phương thực hiện ngay việc cảnh báo đến các cấp chính quyền và người dân để chủ động phòng tránh; xác định khu vực có thể có các hộ dân sinh sống ngoài bãi sông không đảm bảo an toàn, kể cả trong các đê bồi để di dời người và tài sản, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân; thu hoạch, di dời các lồng bè nuôi cá trên sông về nơi an toàn, trường hợp không thể di dời phải gia cố an toàn, đặc biệt tính mạng người dân…

Sẵn sàng vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương châm “4 tại chỗ” để xử lý, ứng phó mọi tình huống, đảm bảo an toàn cho công trình đê điều.

Tổ chức cấm phương tiện đi trên đê trong thời gian báo động lũ, trừ các phương tiện được phép đi theo quy định; cấm hoạt động đò ngang, phát quang, rà soát các điểm xung yếu, vị trí đê sát sông, chân đê là đầm, ao, ruộng trũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố.

Hải Dương, Hưng Yên phát lệnh báo động lũ lụt mức độ cao ảnh 2

Đoàn viên thanh niên tình nguyện tỉnh Hải Dương tham gia công tác khắc phục hậu quả sau bão số 3.

Nhiều sông chảy qua Hưng Yên vượt báo động 3

Tại Hưng Yên, mực nước lũ trên một số tuyến sông lên mức báo động 3 và trên báo động 3 như: sông Lục Nam, sông Phó Đáy, sông Tích, sông Bùi. Dự báo, mực nước lũ trên các sông còn tiếp tục lên, mực nước lũ hạ du sông Thái Bình, sông Hồng duy trì ở mức cao.

Hiện, mực nước sông Hồng, sông Luộc đoạn chảy qua tỉnh Hưng Yên đang lên rất nhanh. Trong đó, mực nước trên sông Luộc lúc 6h ngày 11/9 tại trạm thủy văn La Tiến là 4,72m, trên báo động 2 và tiếp tục lên.

Tỉnh Hưng Yên vừa phát lệnh báo động lũ lụt cấp độ 1 trên sông Hồng, báo động lũ lụt cấp độ 2 trên sông Luộc.

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu các sở ban ngành, các huyện/thị/thành trên địa bàn triển khai nghiêm công điện về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3.

Các huyện: Văn Giang, Khoái Châu, Kim Động, Tiên Lữ, Phù Cừ và TP Hưng Yên, tổ chức kiểm tra, rà soát thực tế phương án bảo vệ các trọng điểm đê xung yếu, phương án hộ đê toàn tuyến; chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật tư, phương tiện và các điều kiện đảm bảo thực hiện phương án theo phương châm “4 tại chỗ” để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố đê điều.

Hải Dương, Hưng Yên phát lệnh báo động lũ lụt mức độ cao ảnh 3

Thanh niên tình nguyện tỉnh Hải Dương hỗ trợ nông dân thu hoạch nông sản sau bão số 3.

Các xã, phường thông báo nhân dân thu hoạch hoa màu ở bãi sông, ưu tiên hoa màu ở vùng trũng, hoa màu đến thời kỳ thu hoạch.

Chủ động, sẵn sàng và triển khai việc sơ tán người dân ngoài vùng bãi sông khi có ngập lụt theo phương án.

Tăng cường kiểm tra đê điều, đặc biệt vị trí trọng điểm, xung yếu. Dừng hoạt động các bãi trung chuyển, bốc xếp, chứa chất tạm thời vật tư, vật liệu xây dựng trên bãi sông Hồng, sông Luộc.

Theo dõi chặt chẽ mực nước lũ trên sông, diễn biến thời tiết, mưa lũ, công trình đê điều để tham mưu triển khai các biện pháp phòng chống lũ lụt.

Hải Dương sơ tán hàng trăm hộ dân

Ngày 10/9, ông Lê Ngọc Châu - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương kiểm tra thực tế một số vị trí đê xung yếu trên sông Thái Bình, sông Kinh Thầy thuộc địa phận TP Chí Linh và huyện Nam Sách. Ông Lê Ngọc Châu yêu cầu các sở ngành, địa phương khẩn trương triển khai phương án sơ tán người dân tại khu vực nguy hiểm, khu vực trũng, thấp dễ xảy ra ngập sâu, bị cô lập, sát bờ sông, nhất là người già, trẻ nhỏ, người yếu thế. Đồng thời, hỗ trợ người dân di chuyển tài sản đến nơi an toàn và đảm bảo an toàn, đủ chỗ ở, lương thực, nước uống, thuốc men.

Ngay trong ngày, thị xã Kinh Môn đã tổ chức lực lượng hỗ trợ 60 hộ dân sống ở khu vực bãi sông Kinh Thầy; huyện Kim Thành di dời 59 hộ xã Tuấn Việt về nơi tạm trú an toàn. Các huyện còn lại đang triển khai phương án sơ tán dân cư tại vùng nguy cơ ngập lụt.

MỚI - NÓNG
Nữ sinh Bình Dương đa tài tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em 2024
Nữ sinh Bình Dương đa tài tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em 2024
TPO - Nguyễn Ngọc Mai An, học sinh lớp 9A2, trường THCS Mỹ Phước (TP Bến Cát, tỉnh Bình Dương) là một trong những đại biểu đa tài tham gia phiên họp giả định Quốc hội trẻ em lần thứ II, năm 2024, với 8 năm liền đạt danh hiệu học sinh xuất sắc; tích cực tham gia các hoạt động Đội, đồng thời là MC học đường và đạt nhiều thành tích các cuộc thi về Tin học, sáng tạo.