Hai cô gái bước qua vùng an toàn để theo đuổi đam mê

TP - Cả hai còn rất trẻ, nhưng dám bước qua vùng an toàn để theo đuổi đam mê của mình. Một người khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, còn người kia trở về quê hương để bảo tồn và phát triển nghề truyền thống.

Mô hình dưa lưới

Hai cô gái bước qua vùng an toàn để theo đuổi đam mê ảnh 1

Chị Lê Ngọc Hiền bên vườn dưa lưới của mình -  ẢNH: HÒA HỘI

“Được làm điều gì đó để cống hiến cho xã hội và giúp đỡ người khác cùng vươn lên khiến tôi luôn khát khao làm cho bằng được”, Lê Ngọc Hiền ở khóm Tân Quới Đông, phường Trường An, TP Vĩnh Long (Vĩnh Long) mở đầu câu chuyện với phóng viên. Hiền là chị cả trong gia đình có 2 chị em, bố mẹ đều làm công chức nhà nước. Có bằng thạc sỹ chuyên ngành Tài nguyên môi trường, chị về đầu quân cho Ban quản lý Khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long. Tuy nhiên, đam mê nông nghiệp công nghệ cao từ những ngày ngồi ghế giảng đường, chị quyết định xin nghỉ hẳn (từ 1/4/2020) để tập trung khởi nghiệp với mô hình dưa lưới công nghệ cao Israel.

Đầu tư gần 500 triệu đồng, Hiền trồng 1.000 m2 dưa lưới trong nhà màng với hơn 2.000 dây, đang cho trái vụ thứ 3. Hiện trung bình mỗi trái nặng 2,5 kg, tổng cộng ước đạt khoảng 5 tấn. Thay vì thu hoạch bán cho thương lái một lần,  chị mở kênh bán hàng riêng, bán hàng online và kết hợp tham quan, du lịch.

Vốn là người thẳng thắn, mạnh mẽ và quyết đoán, Hiền quyết tâm theo đuổi mô hình trồng dưa lưới mặc dù vấp phải sự phản đối của gia đình. Khi bắt tay vào làm với kiến thức gần như bằng không về nông nghiệp, đặc biệt là trồng dưa lưới, chị gặp không ít khó khăn, thất bại. “Tất cả đều có sự trả giá, ban đầu chưa có kinh nghiệm nên hiệu quả đem lại chưa cao. Càng làm càng đam mê và học hỏi thêm nên năng suất và chất lượng cao hơn”, Hiền chia sẻ.

Điều Hiền mong muốn hơn chính là được chia sẻ niềm đam mê, khát vọng làm giàu của mình cho các bạn trẻ có cùng quyết tâm khởi nghiệp. “Nếu ai cũng chỉ cần công việc ổn định, đủ ăn để lo cho gia đình thì thật uổng phí tuổi trẻ. Cho dù khởi nghiệp có thất bại đi chăng nữa thì đó cũng là bài học để trưởng thành và lấy nó làm hành trang cho cuộc sống, đến khi vững chãi có thể chia sẻ cho nhiều người”, Hiền quan niệm.

Phát triển đặc sản đường thốt nốt

Từ bỏ mức lương cao ở Sài Gòn, cô gái dân tộc Khmer Chau Ngọc Dịu, Giám đốc Cty CP Palmania (thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn, An Giang) trở về quê hương quyết tâm xây dựng và phát triển đặc sản đường thốt nốt nổi tiếng quê mình. Trước đây, Dịu là trưởng phòng của một ngân hàng, làm việc tại TPHCM. Tháng 6/2017, Dịu cùng một người bạn hùn vốn thành lập Công ty Cổ phần Palmania, trụ sở đặt tại TPHCM. Tháng 8/2019, công ty dời trụ sở về quê nhà tại số 25 đường Võ Thị Sáu (thị trấn Tri Tôn).

Hai cô gái bước qua vùng an toàn để theo đuổi đam mê ảnh 2 Chị Chau Ngọc Dịu (áo đen) tiếp khách hàng. - ẢNH: HÒA HỘI

Theo cô gái Khmer, mặc dù đường thốt nốt là đặc sản nhưng thực tế chưa được nhiều người biết đến, đặc biệt là khách quốc tế. Nói đến đường, mọi người thường nghĩ tới đường Thái Lan, Campuchia hay Philippines, trong khi đường Việt Nam có chất lượng không thua kém, thậm chí cao hơn. Nếu như một số sản phẩm đường thốt nốt của các nước khác có hàm lượng vitamin B12 vào khoảng 20 mg/100g thì đường thốt nốt vùng Bảy Núi có hàm lượng vitamin B12 lên đến 28,2 mg/100g. “Điều đó có nghĩa, chỉ với khoảng 8,5g đường thốt nốt bột Palmania, bạn đã có thể cung cấp đủ 100% lượng vitamin B12 cần thiết cho cơ thể trong 1 ngày”, Dịu nói.

Và điều khác biệt của Dịu khi sản xuất sản phẩm đường thốt nốt là được đóng gói trong hũ thủy tinh và sử dụng bao bì thân thiện với môi trường. “Sở dĩ bấy lâu nay đường thốt nốt chưa được nhiều người biết đến cũng là vì người dân chưa chú trọng đến 2 yếu tố này”, Dịu nói.

Cây thốt nốt là một món quà đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng cho người dân vùng Bảy Núi, An Giang. Đường thốt nốt do người dân vùng Bảy Núi nấu đã trở thành một đặc sản truyền thống của địa phương. Nhưng đã có thời điểm nghề nấu đường truyền thống bị mai một, chưa được quan tâm đúng mức. Điều mà Dịu lo lắng nhất là những người thợ nấu giỏi ngày càng ít đi và kỹ thuật nấu đường theo phương thức truyền thống với gỗ sến bị lãng quên.

“Cho dù những gì Palmania đang làm còn rất nhỏ bé nhưng hy vọng rằng những viên gạch nhỏ mà chúng tôi đang xây lên một ngày nào đó sẽ trở thành một bức tường vững chãi. Điều này không chỉ gìn giữ được nghề truyền thống của cha ông xưa mà còn có thể phát huy và đưa đặc sản quê hương đến với mọi người”, Dịu chia sẻ.

Chị Nguyễn Phượng Thư, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tỉnh An Giang, cho biết, đã chủ động kết nối, hỗ trợ sản phẩm của Chau Ngọc Dịu. “Với mong muốn thu hút nhân lực trẻ trở về quê hương lập thân, khởi nghiệp, Dịu là một trong những điểm sáng tiêu biểu cho lực lượng khởi nghiệp tỉnh nhà, vừa là doanh nghiệp trẻ vừa là người dân tộc. Tôi rất hy vọng dự án sẽ vươn xa để trở thành sản phẩm đại diện của An Giang trong thời gian tới”, chị Thư nói.

MỚI - NÓNG