Hai chữ “trách nhiệm”

TP - Cũng như các phiên chất vấn trước, tại kỳ họp này hai chữ “trách nhiệm” một lần nữa lại xuất hiện với tần suất dày đặc trong phiên chất vấn đối với 4 bộ trưởng là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ trưởng Công Thương, Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông.

Thống kê sơ bộ, hai chữ “trách nhiệm” xuất hiện trung bình khoảng 30- 40 lần trong phiên chất vấn của mỗi bộ trưởng. Tuy nhiên, phần lớn hai từ trách nhiệm đó rơi vào phần câu hỏi của các đại biểu theo hướng “đề nghị cho biết trách nhiệm của bộ đối với vấn đề này, vấn đề kia”. Riêng về cụm từ “nhận trách nhiệm”, có lẽ Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường là người nói duy nhất một lần. Trong đó, việc ông nhận trách nhiệm cũng chỉ là trách nhiệm gián tiếp trước hiện tượng “resort, khách sạn chặn đường ra biển của ngư nhân”.

Trái với Bộ trưởng Cường, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân là những người nhiều lần phải sử dụng đến cụm nhận trách nhiệm theo cách trực tiếp nhất.

Cụ thể, ông Tuấn Anh, ít nhất 2 lần đứng ra nhận trách nhiệm về việc dự báo sự phát triển của điện mặt trời và chưa quán xuyến, chưa đảm bảo hết được những yêu cầu trong đấu tranh những mặt hàng gian lận, hàng giả, hàng kém phẩm chất lượng. Bộ trưởng Nội vụ thì nhận trách nhiệm khoảng 4 lần, thậm chí ông còn thẳng thắn cho biết “sẽ tự làm bản kiểm điểm gửi Thủ tướng vì sự chậm trễ trong việc ban hành các quy định để triển khai công việc”.

Trực tiếp báo cáo và trả lời chất vấn tại Quốc hội, hai chữ “trách nhiệm” một lần nữa lại được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhiều lần. Thủ tướng khẳng định, thách thức lớn nhất của chúng ta hiện nay không phải là thoát bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ lớn nhất không phải là tụt hậu kinh tế, mà là thiếu ý chí mạnh mẽ vươn lên và không hành động vì sợ trách nhiệm. Nhắc đến thảm kịch 39 người Việt Nam tử vọng vừa xảy ra tại Anh, Thủ tướng nhấn mạnh không được để thảm kịch đó
tái diễn.

Năm 2020, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, 75 năm thành lập Nước và là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Theo dự báo, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Tăng trưởng kinh tế, thương mại quốc tế tiếp tục xu hướng giảm; bảo hộ thương mại gia tăng; cạnh tranh giữa các nước lớn và xung đột ở nhiều nơi gay gắt.

Các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, an toàn thông tin, an ninh mạng và tội phạm ngày càng gia tăng. Bối cảnh đó đòi hỏi những người đứng đầu trong bộ máy, cấp ngành và mỗi đại biểu theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao phải hành động để hai chữ “trách nhiệm” vốn vang vọng trong nghị trường nhanh chóng thành hiện thực trong đời sống.

Chỉ có thế thì những điểm nghẽn vốn cản trở sự phát triển, tiến bộ của xã hội mới được khơi thông; chỉ có thế mới không còn những hiện tượng tham nhũng, nhũng nhiễu, tiêu cực, không còn những cán bộ vô cảm, thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân.

MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.