Hai chính khách Anh dính bẫy nhà báo

Ông Jack Straw (trái) và ông Malcolm Rifkind là những chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn ở Anh. Ảnh: IBTimes - Getty Images.
Ông Jack Straw (trái) và ông Malcolm Rifkind là những chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn ở Anh. Ảnh: IBTimes - Getty Images.
TP - Dính bẫy của phóng viên Anh giả là nhân viên một công ty Trung Quốc, hai cựu Thứ trưởng Ngoại giao Anh Jack Straw và Malcolm Rifkind vừa phải thừa nhận dùng ảnh hưởng chính trị của mình để kiếm tiền từ doanh nghiệp.

Trong thước phim được phóng viên của báo Daily Telegraph và kênh Channel 4’s Dispatches quay bí mật, nghị sĩ Jack Straw, một trong những chính trị gia đang có ảnh hưởng lớn nhất trong Công đảng Anh, kể về việc dùng ảnh hưởng của mình để thay đổi luật nhằm đem lại lợi ích cho một doanh nghiệp chịu trả ông 60.000 bảng Anh (gần 2 tỷ đồng) mỗi năm.

Từng làm việc trong chính phủ của Thủ tướng Tony Blair trong hơn 1 thập kỷ, chính trị gia Straw nói ông từng gặp Thủ tướng Ukraine để thuyết phục thay đổi những luật ảnh hưởng tiêu cực đến một công ty phân phối hàng hóa đang trả ông 60.000 bảng mỗi năm. “Thông thường, nếu đọc bài phát biểu hay làm gì đó, giá là 5.000 bảng mỗi ngày. Đó là mức phí tôi tính”, ông Straw nói. Trước đó, ông nói rằng, từ khi sự nghiệp thứ trưởng ngoại giao kết thúc năm 2010, ông đảm nhiệm vai trò cố vấn cho nhà cung cấp hàng tiêu dùng ED&F Man.

Ông Malcolm Rifkind hiện là Chủ tịch Ủy ban An ninh và Tình báo của Hạ viện Anh. Chính khách này nói ông có thể sắp xếp những cuộc “tiếp cận hữu ích” với mọi đại sứ của Anh trên thế giới. Trong đoạn phim, ông Malcolm nói: “Tôi tự thuê mình nên không ai trả lương cho tôi. Tôi phải tự kiếm thu nhập”. Ông cho biết, mức phí thông thường cho nửa ngày làm việc vào khoảng 5.000 - 8.000 bảng.

Cả hai ông Straw và Rifkind đều đã báo cáo vụ việc lên Ủy ban Tiêu chuẩn của Quốc hội Anh. Quá trình điều tra có thể kéo dài nhiều tháng. Ông Straw đã bị đình chỉ chức danh thành viên Công đảng theo yêu cầu của chính ông. Ông Rifkind chưa chịu hình thức phạt nào. Ông Rifkind nói rằng, những cáo buộc chống lại ông không ảnh hưởng vai trò chủ tịch ủy ban chuyên giám sát công việc của cơ quan tình báo đối nội Anh (MI5) và cơ quan tình báo đối ngoại Anh (MI6).

Chính phủ Anh chưa bình luận về vụ việc liên quan hai nghị sĩ Straw và Rifkind. BBC dẫn lời một nguồn tin nói rằng, Quốc hội Anh sẽ phải sớm quyết định vấn đề này. Xuất hiện trên kênh Today của BBC Radio 4 hôm qua, chính khách Rifkind cho rằng, ông “không có gì phải xấu hổ”, rằng những cáo buộc chống lại ông “không có cơ sở”.

Trong khi đó, nghị sĩ Rifkind nói ông được trả 67.000 bảng mỗi năm. “Tất nhiên, tôi nhận được lương của một nghị sĩ, nhưng tôi đang nhắc đến những lợi ích kinh doanh của riêng mình, và những điều này tôi không được trả lương. Tôi được trả tiền cho dịch vụ mà tôi cung cấp”, ông Rifkind nói. Quan chức này cho rằng, khoảng 200 nghị sĩ Anh có lợi ích kinh doanh riêng. Ông Rifkind nói sẽ không từ bỏ chức vụ Chủ tịch Ủy ban An ninh và Tình báo, trừ khi các đồng nghiệp trong ủy ban này muốn như vậy.

Ông Straw nói mình xấu hổ vì đã rơi vào bẫy của phóng viên. Các phóng viên thực hiện đoạn phim đã giả làm nhân viên một cơ quan truyền thông hư cấu tên là PMR, có trụ sở tại Hong Kong. Thông báo trên trang web của Channel 4 nói rằng, 12 nghị sĩ có “lợi ích bên ngoài đáng kể” được mời làm việc cho PMR với “rất nhiều tiền” và hãng này muốn tuyển dụng “những chính trị gia có tầm ảnh hưởng ở Anh để tham gia ban cố vấn của họ”. Nhưng không phải tất cả các chính trị gia đều đồng ý. “Một nửa trong số chính trị gia chúng tôi tiếp cận không hồi âm. Một người nói muốn xác minh chúng tôi tại Hong Kong nên chúng tôi không tiếp tục mời. Một người trả lời không hứng thú. Trong những người còn lại có hai người nổi bật hơn cả, đó là ngài Malcolm Rifkind và ngài Jack Straw”, Channel 4 thông báo. Phim tài liệu mang tên “Các chính trị gia làm thuê” được phát sóng tối qua trên Channel 4.

Theo Theo Telegraph, BBC
MỚI - NÓNG