Bài cuối: Dời đô
Nhưng với những nhà chiến lược xứ Hàn, mục tiêu xây dựng thủ đô hành chính Sejong, đặt theo tên một trong các vị vua vĩ đại nhất của đất nước (Sejong, hay Thế Tông đại đế), cụ thể hơn rất nhiều và đây là bước đi mang tầm chiến lược.Trong thực tế, thành phố này, tuy chưa được xây dựng hoàn tất, đã trở thành thủ đô hành chính của Hàn Quốc.
Vấn đề của đại đô thị
Seoul, thủ đô chính thức của Hàn Quốc, rõ ràng là một trong những đô thị năng động nhất trên thế giới. Nhưng cũng như nhiều siêu đô thị khác, Hán Thành (tên phiên âm theo Hán Việt của Seoul) cũng phải đối mặt với các vấn đề của một metropolitan - đại đô thị.
Trở thành kinh đô của Triều Tiên kể từ năm 1392, Seoul là nơi sinh sống của một nửa dân số Hàn Quốc, tức là 25 triệu người, tập trung nhiều cơ quan chính phủ, cơ sở giáo dục, văn hóa… Seoul to lớn và đông đúc, quan trọng đối với cả nước Hàn Quốc đến mức lắm khi người ta gọi nó là “Nước cộng hòa Seoul”. Điều đáng ghi nhớ nữa về mặt chiến lược: Seoul chỉ cách biên giới với CHDCND Triều Tiên vỏn vẹn 56km, hoàn toàn nằm trong tầm pháo của đối phương. Trong khi đó, kể từ năm 1950 tới nay, biên giới hai nước chưa bao giờ hết căng thẳng.
Năm 2004, tổng thống có xu hướng cải cách Roh Moo-hyun (nắm quyền cho đến năm 2008) thông qua luật Hành động đặc biệt vì sự phát triển quốc gia cân bằng, cho phép chuyển các cơ quan chính phủ ra khỏi Seoul.
Oh Young-jin, biên tập viên tờ Thời báo Hàn Quốc nói với các phóng viên nước ngoài: “Thủ đô của chúng tôi gần với Bắc Triều Tiên, vì thế chúng tôi phải dịch chuyển tới một vị trí hợp lý hơn”. Người từng là trợ lý của ông Roh Moo-hyun (đã qua đời trong một vụ tự sát) còn nói thêm: “Và nếu mọi thứ đều ở Seoul, đó là sự bất bình đẳng đối với các tỉnh lẻ. Hậu quả là người ta cứ tìm cách đổ về Seoul”.
Việc dời thủ đô hành chính từ Seoul, nằm trong tầm pháo kích của Bắc Triều Tiên, cũng kéo theo hệ lụy là các căn cứ quân sự của Mỹ ở thủ đô Hàn Quốc buộc phải dời theo. Dự kiến trong năm nay, toàn bộ căn cứ Mỹ sẽ hoàn tất chuyển dịch về phía nam, tới một địa điểm ở Pyeongtaek, cách Seoul 64km.
Nhưng dời đô bao giờ cũng là việc lớn của quốc gia và chắc chắn gây tranh cãi. Có người nói câu chuyện “cân bằng phát triển quốc gia” là chiêu giành ưu thế trong bầu bán của tổng thống Roh Moo-hyun. Khi thuyết phục quốc hội và các cơ quan nhà nước về chuyện dời đô, ông Roh nêu ví dụ: New York là trung tâm thương mại và Washington D.C là trung tâm chính trị của Mỹ. Ông đề xuất xây một thành phố mới, nơi đặt các cơ quan chính phủ. Đề xuất của tổng thống Roh vấp phải sự phản đối của thị trưởng Seoul Lee Myung-bak (sau này trở thành tổng thống tiếp theo của Hàn Quốc). Ông Lee đã giành ưu thế trong các cuộc tranh luận công khai và kết quả là thủ đô Hàn Quốc vẫn ở Seoul. Chẳng có cơ quan chính phủ nào rời đi.
Nhưng ít nhất các nỗ lực của ông Roh Moo-hyun cũng khiến người Hàn Quốc nhất trí với nhau rằng đất nước đang phát triển mất cân đối. Và rồi kế hoạch dời đô lại tiếp tục được xúc tiến. Ở thời điểm 2004, trong số 410 cơ quan nhà nước của Hàn Quốc, 346 nằm ở thủ đô Seoul.
“Tính đến nay, 60% cơ quan nhà nước đã chuyển từ Seoul đến Sejong”, thị trưởng Sejong Lee Choon-hee nói với phóng viên Tiền Phong. “Dân số hiện tại của thành phố là 180.000, dự kiến đạt 300.000 vào năm 2030”. Ông Lee, người từng giữ ghế thứ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng và Vận tải dưới thời tổng thống Roh Moo-hyun nói thêm: ‘Chúng tôi chọn Sejong vì nó có vị trí trung tâm. Từ đây có thể đến bất cứ thành phố lớn nào của Hàn Quốc sau hai giờ ô tô”.
Chúng tôi dạo một vòng trong tòa thị chính thành phố Sejong. Không biết có phải đã được báo trước hay không, nhưng các phòng ban im phăng phắc, nhân viên tòa thị chính cắm cúi làm việc trước máy tính, không hề quan tâm đến những vị khách đi lại ngoài hành lang.
Trung tâm hành chính mới
Như đã nói ở trên, dịch chuyển thủ đô chưa bao giờ đơn giản. Nhiều nhân viên chính phủ đã phải bỏ ra 4 giờ lái xe để đi làm hằng ngày ở Sejong, trong khi vẫn ở Seoul. “Có những việc muốn giải quyết lại phải chạy về Seoul”, Lee Joon-hee, một nhân viên trong tòa thị chính nói. “Anh biết đấy, Nhà Xanh (dinh tổng thống Hàn Quốc-PV) vẫn còn ở Seoul”.
Nhưng với tốc độ phát triển đô thị, các tòa chung cư, siêu thị, trung tâm mua sắm, nhiều nhân viên chính phủ đã chuyển nhà đến Sejong để tiện công việc”, thị trưởng Lee Choon-hee nói.
Hơn nữa, công nghệ chính là đáp án cho bài toán khoảng cách. Với các thiết bị hội nghị trực tuyến, IT, không cần phải có mặt ở trung tâm đô thị mới giải quyết được công việc.
Những cơ quan tiên phong chuyển về Sejong bao gồm Bưu điện Hàn Quốc, Bộ Xây dựng và Vận tải, Cơ quan Thuế quốc gia…
Từ Sejong, người ta có thể nhanh chóng đi đến thành phố công nghiệp Daejeon (24km), đến cố đô Gongju cũng với khoảng cách tương tự. Còn đến thành phố cảng Pyeongtaek cũng chỉ 43km.
Công việc xây dựng thành phố rộng 115km2 được bắt đầu từ năm 2006 và chính thị trưởng Lee là chủ tịch ủy ban giám sát dự án Thủ đô hành chính Sejong. Cho đến nay, khoảng 50% khối lượng xây dựng được hoàn tất. Dân cư bắt đầu đổ về Sejong từ năm 2011.
Theo thị trưởng Lee Choon-hee, để xây dựng thủ đô hành chính Sejong, các quan chức Hàn Quốc đã tham khảo các đô thị Brazilia (Brazil), Canberra (Úc) Putra Jaya (Malaysia), Ottawa (Canada), Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) và Istana (Kazakhstan).
Các hợp phần của Sejong được xây dựng xung quanh một hồ công viên lớn, xung quanh là cảnh quan đồi núi thấp (tựa như Đà Lạt của Việt Nam). Các thành phố mới của Hàn Quốc đều phải đáp ứng yêu cầu 20-30% diện tích là không gian xanh, dành cho cây cối, công viên. Riêng đối với Sejong, tỷ lệ đó là 52%.
Hệ thống xe buýt và tàu điện của thành phố được bố trí theo mạng lưới đường trên cao, giúp người dân di chuyển đến mọi khu vực của thành phố chỉ trong vòng 20 phút. Rác được phân thành hai loại: thức ăn thừa và các loại còn lại. Chúng được vận chuyển tự động bằng hệ thống đường ống đặt ngầm theo đường xe buýt. Tất cả được đưa đến nhà máy xử lý, phân tách, biến thành khí bio-gas và methane phục vụ nhà máy điện của thành phố.
Nhưng như người ta nói, cư dân mới làm nên hồn cốt của một đô thị. Tôi có cảm giác ở Sejong, mọi thứ ngăn nắp, trật tự đến độ buồn tẻ. Chính thị trưởng Lee Choon-hee có lần từng nói: “Ở Seoul, bạn có thể ăn uống vui chơi, đến hộp đêm, câu lạc bộ… Ở đây, chúng tôi hướng đến gia đình nhiều hơn. Các bà nội trợ chắc sẽ thích Sejong hơn Seoul”.
Người ta nói, ở Sejong đã thành lệ với một số công chức: Trong tuần làm việc thì ở Sejong, cuối tuần lại về Seoul vui chơi hưởng thụ. Cũng có người cảm thấy không hợp với Sejong nên bỏ việc. Một kênh truyền hình của Hàn Quốc từng phát phóng sự nói một số công chức từ Seoul xuống Sejong làm việc đã bỏ công tìm “bồ nhí” để “đỡ thấy nhàm chán hơn”.
Dù gì đi nữa thì thủ đô hành chính mới của Hàn Quốc đã đi được nửa chặng đường và điều rõ ràng là nó đang được hoàn thiện từng ngày. Dù có nhớ tiếc Seoul thì nhiều công chức nhà nước đã dần quen với thành phố mới và công việc hằng ngày của họ đã bắt nhịp với nhịp độ cao.
Người ta nói, ở Sejong đã thành lệ với một số công chức: Trong tuần làm việc thì ở Sejong, cuối tuần lại về Seoul vui chơi hưởng thụ. Cũng có người cảm thấy không hợp với Sejong nên bỏ việc. Một kênh truyền hình của Hàn Quốc từng phát phóng sự nói một số công chức từ Seoul xuống Sejong làm việc đã bỏ công tìm “bồ nhí” để “đỡ thấy nhàm chán hơn”.