Hai câu chuyện xứ Hàn: Có một Jeju khác

Bức tường ghi danh tính các nạn nhân trong thảm sát Jeju.
Bức tường ghi danh tính các nạn nhân trong thảm sát Jeju.
TP - Hai sự kiện ở Hàn Quốc, một diễn ra cách đây nhiều thập kỷ và một ở thời hiện tại, đáng để chúng ta suy ngẫm.

Jeju là điểm du lịch nổi tiếng nhất Hàn Quốc. Nhiều người Việt biết đến hòn đảo này qua những bộ phim như “Bản tình ca mùa đông”, “Nàng Dae Jang Geum”... Nhưng Baek Ga-yoon nói du khách quốc tế và ngay cả nhiều người Hàn Quốc không biết hoặc biết rất ít về một thời kỳ đen tối của Jeju, khi ba vạn người bị giết trong các cuộc đụng độ giữa người dân và chính quyền được Mỹ hậu thuẫn.

Baek Ga-yoon, cô gái trẻ đại diện cho Jeju Dark Tours, một nhóm hoạt động dân sự, đã cung cấp cho chúng tôi nhiều thông tin về cuộc thảm sát trên đảo Jeju nhiều năm về trước. “Du khách đến đây đều tỏ ra rất thích thú với bãi biển Hamdeok, nhưng đa số họ không biết bãi biển cát trắng này là nơi rất nhiều thường dân vô tội bị giết”, Baek nói. “Thác Jeongbang nổi tiếng lại từng là nơi binh lính quăng xác những người bị giết trong các cuộc thảm sát. Và dưới lớp đất của sân bay quốc tế Jeju là biết bao nhiêu bộ xương người”, cô Baek nói với phóng viên Tiền Phong.

Hai câu chuyện xứ Hàn: Có một Jeju khác ảnh 1 Mộ phần những đứa trẻ bị tàn sát tại làng Bukchon.

Sự kiện 3/4

Thảm sát Jeju bắt đầu từ ngày 3/4/1947, kéo dài đến nửa sau năm 1948. Trong chiến dịch “chống cộng” này, quân đội của chính phủ lâm thời tại miền Nam, được quân đội Mỹ hỗ trợ, đã giết hại 10% dân số trên đảo, tức là khoảng 30.000 người, gồm cả đàn ông, đàn bà và trẻ em.

“Cuộc nổi dậy ngày 3/4 và thảm sát Jeju” là một chuỗi sự kiện bắt đầu từ 1/3/1947 cho tới ngày 21/9/1954 trên đảo Jeju. Ở thời điểm đó, Triều Tiên vừa giành lại độc lập, thoát khỏi chế độ cai trị của người Nhật và thế giới bước vào thời kỳ Chiến tranh lạnh. Phía bắc Triều Tiên chịu sự kiểm soát của Liên Xô, trong khi phía nam nằm trong vòng kiềm tỏa của Mỹ.

Một số người, trong đó có nhân vật sau này trở thành tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc là Syngman Rhee (Lý Thừa Vãn) và chính phủ Mỹ, muốn thiết lập một chính phủ ở nam Triều Tiên độc lập với miền bắc, trong khi nhiều người khác muốn thành lập một chính phủ thống nhất cho cả hai miền Triều Tiên. Nhiều người dân trên đảo Jeju, cực nam Triều Tiên, đã đứng lên chống lại việc chia tách bán đảo Triều Tiên, mạnh mẽ phản đối cuộc bầu cử do những người thân Mỹ dàn xếp để lập ra nước Đại Hàn Dân Quốc (Hàn Quốc) tại miền nam vào tháng 8/1948. Quân đội và cảnh sát đã đàn áp dân đảo Jeju cực kỳ tàn bạo. 6 người đã bị bắn chết trong một cuộc biểu tình, và cuộc nổi dậy Jeju bắt đầu.

“Năm đó tôi 9 tuổi. Một ngày nọ, tôi thấy binh lính kéo đến trường học, nói một số thầy giáo là cộng sản, đánh đập và bắt họ đi. Tôi không bao giờ còn gặp lại họ nữa”, bà Go Wan-soon, năm nay đã ngoài 80, kể. “Khi tôi về nhà, tôi thấy khắp nơi là xác chết, máu me vương vãi.Cảnh tượng thật kinh hoàng. Cha và chú tôi đã phải đi trốn để khỏi bị giết”, bà kể.

“Có nhiều cách gọi các sự kiện trên đảo Jeju năm 1948”, cô Baek nói. “Chính phủ trước đây dùng từ “riot” (nổi loạn), gần đây gọi là “incident” (sự kiện) còn chúng tôi thì gọi đó là “uprising” (cuộc nổi dậy), bởi người dân Jeju đã dũng cảm đứng lên đòi quyền có tiếng nói trong các vấn đề của đất nước. Và họ đã bị dìm trong bể máu”.

Hai câu chuyện xứ Hàn: Có một Jeju khác ảnh 2 Bà Go Wan-soon thuật lại những ký ức kinh hoàng trước các nhà báo quốc tế.

Những người dân trên đảo Jeju, chỉ cách bán đảo Triều Tiên 85km, dám đứng lên chống lại sự chia cắt đất nước đã bị  gán cho cái mũ “commie” (từ lóng trong tiếng Anh, chỉ những người có tư tưởng cộng sản hoặc thân cộng) bị giết chóc không chút thương tiếc. Năm 1949, gần một năm sau các cuộc đàn áp đẫm máu những người cánh tả trên đảo, cảnh sát lại đổ đến làng Bukchon  với mục tiêu “nhổ rễ cộng sản”.  Được lực lượng của các nhóm cánh hữu hỗ trợ, cảnh sát Đại Hàn cùng binh lính quân đội đốt hết nhà cửa, khống chế  hàng trăm người họ cho là thuộc “cánh tả”, dẫn giải số người này ra cánh đồng. Cả  ngày hôm ấy, cảnh sát và binh lính lần lượt bắn chết 480 người, gồm cả đàn ông, đàn bà và trẻ con ở nơi nay là một cánh đồng trồng tỏi. Bà Kim Wan Mae, năm nay 95 tuổi, thoát chết vì trốn vào một trường học, chỗ trú ẩn của gia đình cảnh sát và binh lính trên đảo, nơi duy nhất không bị động đến. Hôm sau, khi quay về làng, bà chứng kiến những cảnh tang tóc. Cha mẹ bà đã chết, chồng và em trai cũng bị giết.“Tôi thấy nhiều xác chết”, bà vừa kể vừa khóc. “Thậm chí có đứa bé vẫn đang ngậm vú mẹ, dù xác người mẹ đã lạnh cứng”.

Theo một số tài liệu, quân khởi nghĩa lúc đó chỉ có khoảng 400 người, được trang bị súng trường cổ lỗ và giáo mác thô sơ, phải đương đầu với quân đội và cảnh sát được Mỹ trang bị tận răng. Trong vài năm, binh lính Hàn Quốc đã đốt trụi hàng trăm “làng đỏ” (làng cộng sản), hãm hiếp, hành hạ vô số người trên đảo. Người Mỹ đã ghi lại những “chiến tích” của quân đội Hàn Quốc lúc đó qua nhiều dạng tài liệu, phim ảnh, nhưng đã không có bất cứ hành động can thiệp nào.

Trong số các lực lượng mà tổng thống Lý Thừa Vãn phái đến Jeju từ đại lục, những kẻ lưu vong từ Bắc Triều Tiên là đáng sợ hơn cả. Những kẻ này tập hợp trong một tổ chức bán quân sự mang tên “Thanh niên Tây Bắc”, được mô tả là “những tên đồ tể”.

Cuộc đàn áp những người cánh tả của quân đội, cảnh sát và các nhóm vũ trang cánh hữu đã khiến nhiều dân thường bị kẹt ở giữa. Ở Dongkwang, phía nam đảo Jeju, binh lính giết chóc, đốt phá vì cho rằng người dân ở đây cung cấp thực phẩm cho “bọn phiến loạn”. Nhiều gia đình do vậy phải bỏ nhà chạy lên núi, trú ẩn trong các hang đá. Và nhiều cái hang như thế đã trở thành mồ chôn tập thể.

Hai câu chuyện xứ Hàn: Có một Jeju khác ảnh 3 Nhiều hang đá đã trở thành mồ chôn tập thể.

Nỗi đau câm nín

Người dân Jeju nói gia đình nào trên đảo cũng có người thân bị giết trong các cuộc giao tranh. Kim Yang Hak, năm ấy mới 8 tuổi, đã phải chứng kiến cái chết của anh mình. Đó là ngày 14/12/1948, khi binh lính vào làng, dồn tất cả mọi người vào một chỗ. “Chúng bắt đi 150 thanh niên, chọn ra 20 cô gái xinh xắn nhất”, cụ Kim, nay đã ngoài 80, kể. Đàn ông thì bị dẫn giải ra bờ biển và 4 ngày sau, tất cả đều bị giết.Người ta nói binh lính hiếp dâm tập thể các cô gái trong hai tuần liền, rồi cũng giết chết họ. Gia đình họ Kim tìm được xác con trai ngoài bãi biển, làm lễ cưới cho người quá cố với một trong các cô gái bị giết. “Cả hai gia đình chôn cất họ cùng một chỗ”, cụ Kim nhớ lại.

Nỗi đau của người dân Jeju vẫn chưa chấm dứt sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (1950-1953). Các chính phủ tiếp sau thể chế Lý Thừa Vãn vẫn tiếp tục coi Jeju là “cái nôi cộng sản”, thân cận với Bắc Triều Tiên. Trong nhiều thập kỷ, cảnh sát chìm của chính quyền đã khiến nhiều người trên đảo buộc phải im lặng, chịu đựng nỗi đau. Không ai kể với du khách những trang đen tối của Jeju. Trong hàng chục năm, tại Hàn Quốc tồn tại những điều luật cho phép đánh đập hay bỏ tù những ai dám nói về sự kiện thảm sát Jeju. Năm 1992, chính phủ của Tổng thống Roh Tae Woo niêm phong một động trên núi Halla, là nơi phát hiện các hài cốt của các nạn nhân bị tàn sát.

Mãi đến tháng 10/2003, dưới sức ép từ nhiều phía, Tổng thống Roh Moo-hyun mới công khai tạ lỗi với nhân dân Jeju vì chính quyền tiền nhiệm đàn áp tàn bạo khởi nghĩa.”Do các quyết định phi pháp của chính phủ, nhiều cư dân vô tội của Jeju phải chịu nhiều thương vong và nhà cửa bị tàn phá”, ông Roh nói.

Tuy nhiên, mặc dù một người đứng đầu chính phủ Hàn Quốc đã có lời xin lỗi nhưng theo một số người dân trên đảo, thảm sát Jeju vẫn rất ít khi được nói đến, được công nhận trong chính sử nước này. Trong bảo tàng chứng tích thảm sát Jeju có một chiếc quan tài bằng đá màu trắng được đặt tên là “Tượng đài vô danh”, với lời giải thích rằng đó là vì “sự kiện Jeju vẫn chưa được ghi nhận vào chính sử”.

“Một số người cho đến nay vẫn không muốn nhắc đến những đau buồn xa xưa. Nhiều người trong số con cháu những nạn nhân thảm sát Jeju nói rất khó khăn khi tìm việc làm, vì bị mang tiếng là con nhà “cộng sản”.

Baek Ga-yoon

Tôi có nói với cô Baek Ga-yoon rằng “ở Việt Nam cũng có những sự kiện tương tự”. Ý là có lúc, vì ngoại bang, chúng tôi đã cầm súng bắn vào nhau. Nhưng dường như cô Baek đã hiểu rằng tôi nhắc khéo về những vụ thảm sát trong chiến tranh Việt Nam, liền ngắt lời: Vâng, chính chúng tôi đã gây ra những vụ thảm sát đó…”.

Trên đảo Jeju có những phụ nữ làm nghề lặn biển, một công việc nặng nhọc thường dành cho đàn ông. Một trong những lý do là sau sự kiện 3/4, đàn ông trên đảo thưa vắng, nên phụ nữ ở những “làng góa phụ” buộc phải đảm nhiệm nhiều công việc xưa nay thuộc về nam giới.

(còn nữa)

MỚI - NÓNG