Lê Minh Khuê, người về từ Jeju

Lê Minh Khuê, người về từ Jeju
TP - Phóng viên trò chuyện với Lê Minh Khuê khi chị vừa trở về từ chuyến đi thứ ba đến Hàn Quốc để nói chuyện văn học và con người Việt Nam.

> Nhà văn Dương Kỳ Anh nói về Người lấy hai vua và... ?

Trước đó, năm 2008, Lê Minh Khuê là người đầu tiên đoạt giải thưởng văn học mang tên văn hào Byeong-ju Lee, Hàn Quốc vì tuyển tập Những ngôi sao, trái đất, dòng sông.

Lê Minh Khuê ở Hàn Quốc Ảnh nhân vật cung cấp
Lê Minh Khuê ở Hàn Quốc Ảnh nhân vật cung cấp.

Chuyến đi này nhằm giới thiệu sách của chị hay còn mục đích gì khác? Nó có gì đặc biệt so với chuyến đi Hàn Quốc lần trước nhận giải thưởng?

Đây không phải là chuyến đi giới thiệu sách vì hiện giờ người ta đang hoàn tất bản dịch, ít lâu nữa mới xuất bản tập sách của tôi.

Tôi sang đó được người ta cho xem bìa sách và được tặng một tuyển tập truyện ngắn Việt Nam in cuối năm 2011. Trong đó tôi có ba truyện. Tuyển tập này bán rất chạy ở Hàn Quốc.

Đợt này tôi sang theo lời mời của Quỹ Văn hoá thành phố Incheon, dự Diễn đàn văn học Á- Phi- Mỹ Latinh lần thứ ba, gọi tắt là AALA. Có đủ ba màu da đen đỏ vàng, và vài ông da trắng nghe nói là đại diện cho Tây Ban Nha.

Diễn đàn này cũng đông vui như lần tôi dự năm 2007. Đến đây bắt tay miệng cười tươi, ông nào cũng xuất sắc cả nhưng đọc của họ thì chưa. Họ cũng chả biết mình là ai. Các hội nghị quốc tế đều thế cả mà.

Dự xong diễn đàn AALA tôi bay ra đảo Jeju cùng một giáo sư- nhà thơ người Ghana và hai nhà văn Hàn Quốc. Ở đây có hội thảo “Văn học hòa bình” do nhà văn hàng đầu Hàn Quốc Lee Ho Cheol sáng lập.

Lần đi nhận giải thưởng 2008 ít người hơn. Nhưng chủ nhà Hàn Quốc lúc nào cũng chu đáo, nồng nhiệt. Họ làm mình áy náy vì sao mình lại được… trọng vọng thế.

Được biết “Nỗi buồn chiến tranh” cũng vừa được dịch ra tiếng Hàn. Dư luận về cuốn sách của Bảo Ninh ở Hàn Quốc thế nào thưa chị?

Nỗi buồn chiến tranh đã có bản dịch từ tiếng Anh sang tiếng Hàn từ lâu và tạo được ấn tượng mạnh mẽ trong giới đọc sách. Lần này người ta dịch thẳng từ tiếng Việt sang tiếng Hàn.

Nghe một giáo sư nói bản mới này tốt hơn, đầy đủ hơn, khôi phục được những phần mà bản tiếng Anh bỏ sót. Họ đánh giá cao tác phẩm của Bảo Ninh, nhất là giới sinh viên.

Người Hàn Quốc đọc sách nhiều và cảm thụ văn học khá sâu sắc. Họ cũng ở trong một đất nước có nhiều vấn đề phức tạp với “nửa bên kia” nên đề tài chiến tranh trong sách của Bảo Ninh hấp dẫn họ.

Trên diễn đàn và hội thảo, chị chọn vấn đề gì để phát biểu?

Ở AALA người ta gợi ý là hãy nói về thế giới hiện hữu trong khu vực bạn đang sống. Thế giới chúng ta sống thời chiến tranh khác xa với hiện nay.

Ngày nay giới trẻ hướng tới lối sống tiêu thụ, đất nước nghèo nhưng những gì của thế giới giàu sang mình cũng có- dù lác đác: siêu xe, hàng hiệu, mốt thay đổi chóng mặt… Đại khái như vậy.

Nhiều người bảo đó là thực trạng của toàn cầu- và người trẻ thì có quyền hưởng thụ thành quả của công nghệ.

Ở diễn đàn văn học hòa bình mình kể chuyện chiến tranh. Có nhiều sự đồng cảm trong những người tới dự.

Những năm gần đây, hồi ký và tự truyện của một số nhà văn, nhà phê bình được bạn đọc quan tâm (sách in hoặc đưa lên mạng). Nhiều tác giả tỏ ra biết tận dụng thể loại lợi hại này. Dư luận về những cuốn này cũng nhiều chiều. Là người trong giới lâu năm, chị có nhận ra thật- giả, độ tin cậy nhiều hay ít trong những tác phẩm loại này không? Nếu trong những cuốn hồi ký đó, tên của chị bị trích dẫn không đúng, hoặc trích dẫn bất lợi cho một nhân vật đồng nghiệp nào đó, thì chị có phản ứng không?

Thú thật tôi rất ít đọc vì không phải lúc nào cũng có sẵn báo chí trong tay. Nhưng nghe nói một vài “nhà” có tiếng, hay viết lách kiểu giả vờ xưng tụng người ta rồi chêm vào những nhận xét rất trắng trợn về nhân vật mình viết – đa phần là người đã chết.

Thứ nhất, người chết thì không cãi được nhưng theo tôi con cháu họ đều “ghi nhận” cả- họ chưa hỏi tới thôi, tôi nghe nói như vậy.

Thứ hai, ai cũng biết viết. Và ai cũng có nhiều chuyện thậm chí là chuyện đúng chứ không phải chuyện chêm vào ra vẻ vu vơ nhưng tàn độc mà nhà phê bình đang sử dụng.

Và bây giờ nghe nói luật hình sự cũng xử cả cái chuyện vu cáo vu khống- mà người trẻ thì có đủ sức theo kiện ông ta.

Nhiều người bàn luận rằng ông này không có đủ tài đủ sức làm cái gì có giá trị nên phải tìm cách thu hút người khác bằng kiểu ngồi lê mách lẻo mà các ông từng phê phán là “thói xấu của người Việt”. Kiểu này ngắn hơi lắm, các nhà báo làm giỏi hơn.

Chị từng nói về căn bệnh vô cảm của nhiều người Việt hôm nay, ngay cả người viết cũng trở nên cằn cỗi. Vì không có thời gian để suy ngẫm, để sống đúng nghĩa?

Bệnh vô cảm thì có. Nhiều người thuộc thế hệ cha anh đánh giặc xong rồi quên hẳn mình đã từng sống thế nào thời đó, suốt bao năm nay cho con cháu nhìn mình làm, nghe mình nói mà thất vọng.

Thói vô trách nhiệm với cuộc sống dẫn tới bệnh vô cảm và có vẻ ngày càng trầm trọng. Nhiều khi nhìn người trẻ mà lo lắng. Họ không có gì để bấu víu.

Còn người viết thì không thể như vậy. Nếu có tài năng thực sự, người viết- và các nghệ sĩ sáng tạo khác- không bao giờ cằn cỗi.

Nhân vật trong trang viết là của ngày hôm nay, thậm chí cả sự vô cảm. Nhưng người viết vẫn xưa cũ, vẫn có cái ngây ngô dại dột, có như vậy văn học mới không thể kết thúc.

Chị cũng nói không thích những người lúc nào cũng khôn ngoan, nói những lời hay ho mà có khi nên khờ khạo, ngây ngô một tí? Những người đàn ông ngây ngô đáng yêu này cũng xuất hiện nhiều trong truyện ngắn của chị?

Làm kinh tế mà ngây ngô thế nào được? Khôn ngoan mới thành công. Nhưng trong những mối quan hệ thường ngày sự khôn khéo quá thường hỏng việc. Ngây ngô ở đây tôi nói có lẽ là sự chân thành. Tôi thích những nhân vật chân thành sống theo thứ tình cảm mà mình có. Tôi thường xây dựng những nhân vật đàn ông thành thực đáng yêu mà trong đời tôi cũng không gặp.

Nếu chị phải kể 5 truyện ngắn ưng ý nhất của mình thì đó là những truyện nào?

Anh lính Tony D. Trong ghế bành. Một mình qua đường. Ronan Keating. Cơn mưa cuối mùa.

Giả dụ Việt Nam có được một cuốn sách như kiểu “Người Trung Quốc xấu xí”, theo chị ai là người có thể viết nó?

Nhiều người viết được- vì ai cũng thấy mình xấu xí cả. Dân mình có cái đáng yêu như vậy, thấy cả nhưng sửa thì không.

Nguyễn Huy Thiệp từng nói “nhà văn Việt Nam thiếu nhất là tiết tháo”, chị thấy có đúng?

Nguyễn Huy Thiệp nói quá đúng.

Cảm ơn chị.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Ba tân Phó giáo sư 9X gồm: Nguyễn Hoàng Chung, Vũ Thu Trang và Trần Ngọc Mai (từ trái qua phải)
Chân dung các tân phó giáo sư 9X
TPO - Ngoài tân phó giáo sư (PGS) trẻ nhất năm 2024 Trần Ngọc Mai (sinh năm 1991, Hà Nam), còn 3 ứng viên khác trở thành PGS trẻ thuộc thế hệ 9X gồm: PGS Nguyễn Hoàng Chung (1990, Bình Định), công tác tại Trường ĐH Thủ Dầu Một; PGS Nguyễn Thị Hoa Hồng (1990, Hà Nam), công tác tại Trường ĐH Ngoại thương; PGS Vũ Thu Trang (1990, Hải Phòng), công tác Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.