Hai bóng hồng trồng rừng dưới đáy đại dương

Thúy và Thảo chăm sóc các rạn san hô dưới biển Cù Lao Chàm
Thúy và Thảo chăm sóc các rạn san hô dưới biển Cù Lao Chàm
TP - Vì đam mê, trách nhiệm với công việc bảo tồn biển, hai cô gái đã lặn hàng giờ đồng hồ dưới đáy biển, tỉ mẩn chăm sóc, phục hồi, trồng những rạn san hô, hệ sinh thái ở khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.

Đó là 2 nữ kỹ sư trẻ Trần Thị Phương Thảo (30 tuổi) và Nguyễn Thị Hồng Thúy (25 tuổi) ở Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, Quảng Nam.

Không chọn việc nhẹ nhàng

Thảo quê ở Hội An, tốt nghiệp ngành Công nghệ sinh học, ĐH Bách khoa Đà Nẵng về làm việc tại Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đến nay tròn 5 năm. Thúy là người con gái xã đảo Cù Lao Chàm, học xong Quản lý nguồn lợi thủy sản, Khoa Thủy sản - ĐH Nông lâm Huế năm 2017 cũng về “đầu quân” tại Ban. Công việc chính của 2 nữ kỹ sư là giám sát hệ sinh thái gồm san hô, cỏ biển, rong biển ở khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm. Với phần việc này, mỗi người có thể hoàn thành báo cáo ở trên bờ, thông qua những số liệu được gửi về. Tuy nhiên, cả hai đã không chọn cách đó.

Bà Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc Ban quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho hay, dưới con mắt chuyên môn, lặn biển là công việc không dễ dàng, nhất là đối với nữ. Nên khi nhận Thúy và Thảo về làm việc, lãnh đạo Ban đã không phân công các bạn phải làm việc dưới biển, mà thực hiện nghiên cứu, đề xuất các giải pháp. Song làm bảo tồn biển mà không lặn biển, không khám phá được đáy đại dương sẽ không sát thực nên cả hai mạnh dạn đăng ký được đi học khóa lặn biển. Thảo vốn dân đảo nên khả năng bơi, lặn rất tốt từ bé, còn Thúy cũng vì niềm đam mê mà theo học đến cùng. Khi cầm trong tay chứng chỉ lặn biển xuất sắc, hai nữ kỹ sư được “duyệt" lặn cùng đội thợ lặn chuyên nghiệp, cùng lời cảnh báo về những rủi ro khi lặn biển. 

Hai bóng hồng trồng rừng dưới đáy đại dương ảnh 1 Hai nữ kỹ sư Trần Thị Phương Thảo (đeo kính) và Nguyễn Thị Hồng Thúy

“Ban cũng có một đội thợ lặn trên 10 người là nam. Tuy nhiên, Thúy và Thảo vì đam mê, muốn trải nghiệm thực tế dưới biển để phục vụ tốt hơn cho công việc của mình, sâu sát hơn nên được bổ sung vào đội. Cả hai vừa có chuyên môn, lại đam mê và trách nhiệm với công việc nên hiệu quả làm việc rất cao. Chúng tôi đến những khu bảo tồn biển khác thấy rất hiếm nữ nên chúng tôi rất trân trọng những gì các bạn nữ đóng góp” - bà Hồng Thúy tâm sự.

Nước da rắn rỏi, thân hình nhỏ thó nhưng nhìn cách 2 cô gái mặc đồ lặn, lưng đeo ống khí, nhanh nhẹn di chuyển, thao tác dưới nước khiến cả đội lặn chuyên nghiệp phải gật gù nể phục về lòng yêu nghề.

Hào hứng là thế, nhưng cũng không ít lần cả hai gặp những pha “hú hồn” khi lặn. Thảo kể, có lần đang lặn ở độ sâu 6 mét thì gặp sự cố nước trồi. Một dòng nước đục ngầu lạnh sống lưng trôi ngang. Bất giác, cô không còn nhìn thấy gì. “Lúc đó cũng sợ lắm nhưng rồi nhanh chóng trấn tĩnh, thả lỏng cơ thể. Khoảng 10 phút sau dòng nước trôi qua. Cũng may lúc đó tụi em chỉ ở độ sâu khoảng 6 mét chứ nếu gặp sự cố này ở độ sâu hơn rất nguy hiểm”, Thảo chia sẻ.

Lần khác đang lặn thì cả hai gặp dòng nước cuộn mạnh liên tục khiến các thợ lặn tiến cũng không được, lui cũng không xong. “Lúc đó em vừa hoảng vừa vận động nên người đuối luôn. Thấy có phao thả xuống nhưng do dòng nước cuộn mạnh nên việc tiếp cận phao rất khó. Khi lên được bờ thì mệt phờ. Sau những lần như vậy tụi em tích lũy thêm kinh nghiệm”, Thúy nhớ lại.

Những khó khăn, thử thách và cả những hiểm nguy không ít nhưng không cản được đam mê của hai cô gái trẻ. Vẻ đẹp dưới đại dương như một ma lực khiến cả hai cảm thấy thích thú và càng muốn bảo vệ nó.

Trồng rừng dưới đáy biển

Cù Lao Chàm là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới và cũng là điểm sôi động về du lịch những năm gần đây. Số lượng khách đông tạo ra những áp lực vô hình. Theo lãnh đạo BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, bên cạnh những mặt tích cực thì việc du lịch phát triển mặt trái cũng nhiều như rác, nước thải, ô nhiễm tiếng động... Đặc biệt là dịch vụ lặn biển ngắm rạn san hô tăng cao dù muốn hay không cũng làm xáo trộn môi trường sinh vật biển. Những du khách không biết lặn thậm chí còn giẫm đạp gãy, chết các rạn san hô.

Năm 2015, BQL Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm thực hiện dự án phục hồi hệ sinh thái san hô, cỏ biển bằng phương pháp tách chiết. Thảo và Thúy trực tiếp đảm nhận việc khảo sát, trồng, chăm sóc. Sau 3 năm, hiện hai vườn ươm san hô rộng 4.000m2 giờ đã lớn có thể sử dụng để cấy phục hồi ở những nơi san hô bị chết mà không tác động đến san hô tự nhiên. 

“So với những điểm du lịch khác, hiện nay tình trạng ô nhiễm tại Cù Lao Chàm chưa cao nhưng các hoạt động của con người nếu không cẩn trọng hệ sinh thái biển rất dễ bị tổn thương, do đó cần ý thức và chung tay từ cộng đồng”, Thảo chia sẻ.

Thảo hào hứng kể: “Dưới biển thú vị lắm! Những loài cá quý hiếm tung tăng bơi lội ngay cạnh mình. Những rạn san hô uyển chuyển trong làn nước. Mình cảm giác cứ như lạc vào thủy cung. Thế nên sợ thì sợ rứa thôi chứ ra biển lại ưng lặn à”. 

MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.