Ngày 24/5, thông tin từ TS.BS Huỳnh Văn Ân, Trưởng khoa Hồi sức tích cực Chống độc, Bệnh viện Nhân dân Gia Định TPHCM cho biết, tại đây vừa kịp thời can thiệp, cứu sống một trường hợp đặc biệt nguy kịch do tai nạn điện.
Bệnh nhân là anh N.V.N (34 tuổi) khi đang làm việc trên một công trường thì bị điện giật, ngất xỉu, hôn mê. Nạn nhân được chuyển đến một cơ sở y tế trên địa bàn quận Phú Nhuận trong tình trạng ngừng tim, tím tái. Tại đây, các bác sĩ đã xoa bóp tim ngoài lồng ngực, sốc điện 3 lần, chích 6 ống Adrenalin (một loại thuốc được dùng nhiều trong hồi sức và cấp cứu) giúp nạn nhân có nhịp tim trở lại, sau đó chuyển đến bệnh viện Nhân Dân Gia Định.
Bệnh nhân đã từ cõi chết trở về nhờ phương pháp hạ thân nhiệt chủ động |
Tại khoa Cấp cứu, bệnh nhân tiếp tục rơi vào tình trạng ngừng tim lần thứ 2, nguy cơ tử vong ngay lập tức do rung thất. Nỗ lực hồi sức của bác sĩ một lần nữa giúp bệnh nhân có nhịp tim trở lại và chuyển đến khoa Hồi sức tích cực Chống độc.
Sau khi được hỗ trợ thở máy, người bệnh được chỉ định thực hiện kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy. Đây là kỹ thuật cao được áp dụng để cứu những trường hợp ngừng tim ngừng thở. Thân nhiệt của người bệnh được giảm xuống còn 33 độ C. Sau 24 giờ liên tục duy trì nhiệt độ trên, các bác sĩ từng bước nâng nhiệt độ, đưa thân nhiệt của bệnh nhân trở về trạng thái bình thường (37 độ C).
Sau 5 ngày hồi sức tích cực, người bệnh dần tỉnh táo, các bác sĩ đã ngưng máy hạ thân nhiệt, dừng thở máy, rút ống nội khí quản. Hiện bệnh nhân đã tiếp xúc tốt, đủ điều kiện để có thể xuất viện.
TS.BS Huỳnh Văn Ân cho biết: “Kiểm soát thân nhiệt mục tiêu hay hạ thân nhiệt chỉ huy ở 33 độ C ở người bệnh hôn mê sau ngừng tim là phương pháp hiệu quả giúp bảo vệ não. Hạ thân nhiệt đã giảm thiểu các di chứng về thần kinh, giúp người bệnh sau điều trị có thể tái hòa nhập cuộc sống tốt hơn”.
Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo, khi phát hiện người bị điện giật, cần nhanh chóng tách nạn nhân ra khỏi dòng điện. Người ứng cứu tuyệt đối không vì hoảng loạn mà chạm tay vào cơ thể nạn nhân khi chưa ngắt điện. Nạn nhân bị ngừng tim, ngừng thở cần được sơ cứu, hô hấp nhân tạo, nhấn tim tại hiện trường, sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất.