Hạ tay vợt Trung Quốc, Tiến Minh vào bán kết giải New Zealand

Kinh nghiệm và sự hợp lý về chiến thuật giúp Tiến Minh chiến thắng trận này. Ảnh: CSG.
Kinh nghiệm và sự hợp lý về chiến thuật giúp Tiến Minh chiến thắng trận này. Ảnh: CSG.
Tay vợt nam số một Việt Nam ngược dòng giành chiến thắng 17-21, 21-17, 21-14 trước Qiao Bin ở tứ kết giải New Zealand Mở rộng 2016 sáng 25/3.

Tiến Minh xếp thứ 43 thế giới, trong khi vị trí của Qiao Bin là 50. Tuy nhiên, tay vợt Việt Nam sinh năm 1983, nhiều hơn đối thủ người Trung Quốc đến bảy tuổi. Cuộc đối đầu này vì vậy được dự báo sẽ cân bằng và hứa hẹn nhiều bất ngờ giữa một bên có kinh nghiệm và đẳng cấp với một bên có sức trẻ cùng quyết tâm thể hiện.

Tiến Minh khởi đầu thuận lợi khi dẫn 4-0 ngay đầu set một. Tuy nhiên, sự hứng khởi đó không được duy trì lâu. Qiao Bin sau đó đã tìm được nhịp đấu và thi đấu chính xác hơn. Sau khi gỡ hoà 9-9, anh ghi liền bốn điểm để dẫn lại 13-9. Cách biệt từ đó được duy trì, giúp Qiao Bin giành chiến thắng 21-17.

Những năm gần đây, thể lực luôn là vấn đề đáng ngại với tay vợt Việt Nam mỗi khi gặp phải đối thủ trẻ khỏe. Nhưng trận này anh đã kịp thời phát huy kinh nghiệm, liên tục có sự điều chỉnh về lối chơi để gây bất ngờ cho đối phương.

Ở set hai, khi tỷ số đang là 6-6, Tiến Minh bất ngờ vùng lên ghi liền bốn điểm, dẫn trước 10-6. Không để mất cơ hội như set đầu, anh giữ cách biệt bốn điểm để tiến tới thắng lợi 21-17. Trong set ba quyết định, tay vợt Việt Nam chắt chiu từng cơ hội, chủ động đưa cầu ra phía sau hai góc sân để phá thể lực đối thủ. Lối chơi “cù cưa” này của Tiến Minh khiến Qiao Bin đánh hỏng nhiều. Ngôi sao của Việt Nam nhờ đó vượt lên dẫn trước 10-5, rồi thừa thắng xông lên hạ đối thủ với tỷ số 21-14.

Đối thủ tiếp theo của Tiến Minh là người thắng trong cặp tứ kết giữa Lee Dong Keun (Hàn Quốc) và Riichi Takeshita (Nhật).

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.