Bộ sưu tập hạ tầng đa dạng bậc nhất cả nước
Nếu Hà Nội và TP. HCM là đầu tàu về chính trị, kinh tế của cả nước, thì Đà Nẵng lại là địa phương hiếm hoi sở hữu hệ thống hạ tầng giao thông đa dạng và đầy đủ: không - thủy - bộ - sắt. Nhờ đó, việc di chuyển từ Đà Nẵng đến các tỉnh, thành thuộc Miền Trung - Tây Nguyên, các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM hay cả các nước trong khu vực đều vô cùng thuận lợi, tối ưu thời gian di chuyển, đa dạng lựa chọn dành cho người dân và du khách.
Thành phố Đà Nẵng nhìn từ trên cao |
Với vị trí địa lý thuận lợi cùng nhiều cảng biển nước sâu, Đà Nẵng là trung tâm vận tải hàng hải lớn của Việt Nam, đồng thời là đầu mối logistics quan trọng, mắt xích chiến lược trên hành lang kinh tế Đông - Tây giữa Việt Nam - Lào - Thái Lan với tuyến đường bộ dài 1.450km đi qua 4 quốc gia.
Trong giai đoạn 2000 - 2023, thành phố đã đầu tư mới, cải tạo nâng cấp nhiều công trình quan trọng như các cây cầu, các tuyến đường vành đai, đường ven sông, quốc lộ 14B, đường liên tỉnh… Vì vậy, từ Đà Nẵng dễ dàng kết nối nhanh chóng, thuận tiện tới các điểm du lịch khu vực miền Trung - Tây Nguyên bằng đường bộ.
Song hành cùng Cảng Tiên Sa Đà Nẵng lâu đời, Cảng Đà Nẵng luôn duy trì tăng trưởng ổn định, sản lượng hàng hóa qua cảng vượt 10 triệu tấn/ năm. Đặc biệt, “siêu cảng” Liên Chiểu có tổng mức đầu tư lên tới 48.304 tỷ đồng cũng đã chính thức được khởi công và dự kiến hoàn thành trong năm 2025, với công suất khai thác lên đến 50 triệu tấn/năm.
Sân bay quốc tế Đà Nẵng trung bình đón 112 chuyến bay mỗi ngày, trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua |
Trong khi đó, về hàng không, sân bay quốc tế Đà Nẵng hiện là sân bay “bận rộn” thứ 3 cả nước, chỉ sau Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Vị trí nằm giữa đất nước, nên từ Đà Nẵng vô cùng thuận lợi bay đến Hà Nội, TP HCM và nhiều nơi trên thế giới. Trong quý I/2024, tổng số chuyến bay nội địa và quốc tế đến Đà Nẵng đạt 9.550 chuyến. Đặc biệt, trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua, bình quân có 112 chuyến bay đến Đà Nẵng mỗi ngày, trong đó có 61 chuyến bay nội địa và 51 chuyến bay quốc tế.
Đối với đường sắt, tháng 3/2024, đoàn tàu du lịch mang tên “Kết nối di sản miền Trung” nối Huế - Đà Nẵng đã chính thức lăn bánh, góp phần gia tăng trải nghiệm du lịch cao cấp, kết nối các điểm đến được du khách quốc tế ưa thích tại miền Trung.
Giới chuyên gia nhận định, xét về hạ tầng hiện hữu, Đà Nẵng được xem là một trong những địa phương có nền tảng và điều kiện hạ tầng top đầu cả nước, thuận lợi cho thúc đẩy giao thương, du lịch và thu hút cư dân mới đến sinh sống, định cư.
Khẳng định vị thế thành phố đáng đến, đáng sống, đáng đầu tư
Theo quy hoạch Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Đà Nẵng được định hướng trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh, bản sắc, bền vững, ngang tầm quốc tế, trung tâm dịch vụ chất lượng cao với hai mũi nhọn: Cảng biển, cảng hàng không gắn với dịch vụ logistics, đồng thời giữ vai trò là đầu mối kết nối và phát triển với mạng lưới đô thị khu vực và quốc tế.
Bởi vậy, không ngạc nhiên khi trong số 36 dự án thuộc danh mục dự án thu hút đầu tư vào Đà Nẵng giai đoạn 2022 - 2026, định hướng đến năm 2030 có đến 9 dự án ở lĩnh vực giao thông, cơ sở hạ tầng, logistics.
Cầu Rồng là biểu tượng kiến trúc độc đáo của Đà Nẵng |
Chính quyền thành phố đã sớm “kích hoạt” cơ chế vốn cho đầu tư hạ tầng giao thông để nhiều dự án quan trọng “tăng tốc” về đích.
Tiêu biểu, dự án bến cảng Liên Chiểu cùng đường ven biển nối cảng Liên Chiểu hơn 1200 tỷ đồng sẽ tạo ra tuyến đường vận tải độc lập, khu vực rộng lớn phía Tây Bắc thành phố sẽ phát triển theo hướng trung tâm dịch vụ logistic kết hợp với khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung.
Song song, thành phố cũng có kế hoạch nâng cấp hạ tầng giao thông, logistics hiện có, bao gồm nâng cấp, xây dựng thêm các tuyến đường vành đai phía Tây, hầm chui xuyên qua sân bay; bổ sung các tuyến đường mới để tạo thành trục chính kết nối Đông - Tây…; nâng cấp, mở rộng các nút giao giữa đường tỉnh với quốc lộ; và xây dựng, nâng cấp các tuyến cao tốc nhằm kết nối các tuyến đường quốc gia vào hệ thống giao thông đô thị.
Đối với hàng không, sân bay quốc tế Đà Nẵng đang được nâng cấp, mở rộng để đến năm 2030 đạt công suất khai thác 25 triệu hành khách/năm và 100.000 tấn hàng hóa/năm. Và đến năm 2050 có công suất đạt 30 triệu hành khách/năm và 200.000 – 300.000 tấn hàng hóa/năm.
Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) mang tới sức hút du lịch lớn cho thành phố sông Hàn |
Bên cạnh giao thương và phát triển kinh tế, hạ tầng thuận lợi góp phần để tăng thêm lực đẩy đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, nhờ đó sớm hoàn thành mục tiêu đón 13-14 triệu lượt khách vào năm 2030. Tuyến du lịch đường thủy kết nối Đà Nẵng - Quảng Nam qua sông Cổ Cò cũng đang được thúc đẩy triển khai, gia tăng trải nghiệm mới hấp dẫn cho du khách.
Vì thế, lượng khách đến Đà Nẵng sẽ ngày càng tăng. Hàng năm, sẽ có hàng chục triệu lượt khách đến thành phố sông Hàn để trải nghiệm những tổ hợp, công trình du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế như Sun World Ba Na Hills, Công viên châu Á Asia Park, khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort… hay tham gia Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng – DIFF.
Hạ tầng giao thông đồng bộ là lực đẩy giúp Đà Nẵng phát triển mạnh về du lịch, kinh tế, xã hội |
Hạ tầng giao thông phát triển, thuận tiện cho di chuyển cũng kéo theo thu hút đầu tư, giúp gia tăng cơ hội việc làm để những chuyên gia, người thành đạt hay người nước ngoài đến Đà Nẵng để định cư, sinh sống ngày một nhiều hơn. Hiện Đà Nẵng có hàng chục nghìn người nước ngoài sinh sống, riêng Hàn Quốc là hơn 11.000 người.
Theo các chuyên gia, song song với sự chung tay của khu vực kinh tế tư nhân nhằm phát triển du lịch, Đà Nẵng cũng cần thu hút nhà đầu tư phát triển thị trường bất động sản quy mô, chuỗi y tế, giáo dục liên cấp, liên quốc gia chất lượng cao, đồng thời tạo dư địa phát triển hệ thống thương mại dịch vụ, nhà ở cao cấp... Với môi trường đầu tư kinh doanh đang ngày càng được cải thiện, Đà Nẵng hoàn toàn đủ “thời” và “cơ” để trở thành một “thiên đường mới” đáng sống, du lịch và đầu tư tầm cỡ quốc tế.