Theo thống kê của Sở Y tế Hà Nội, một số quận huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hà Đông (325 ca); Nam Từ Liêm (319 ca); Hoàng Mai (229 ca); Cầu Giấy (197 ca); Long Biên (168 ca); Gia Lâm (155 ca); Ba Đình (136 ca); Đống Đa (136 ca); Thanh Trì (130 ca).
COVID-19 tại Hà Nội tăng mạnh trong những ngày đầu năm 2022. Nguồn: CDC Hà Nội |
Các bệnh nhân phân bố tại 379 xã phường thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Trong đó 723 ca mắc COVID-19 ở cộng đồng ghi nhận tại 220 xã phường thuộc 26/30 quận huyện.
Một số quận, huyện nhiều bệnh nhân tại cộng đồng như: Nam Từ Liêm (111 ca); Ba Đình (61 ca); Hoàng Mai (58 ca); Thanh Xuân (51 ca); Đống Đa (48 ca); Cầu Giấy (45 ca); Thanh Trì (44 ca).
Bảng thống kê tình hình dịch COVID-19 tại Hà Nội: Nguồn: CDC Hà Nội |
Cộng dồn trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021), Hà Nội ghi nhận 57.409 ca mắc COVID-19, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 18.667 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 38.742 ca.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng, hiện Hà Nội rất khó, nếu không muốn nói là không thể giảm số ca mắc COVID-19.
“Hiện nay đã không còn kiểm đếm được số ổ dịch mà chủ yếu nêu theo địa bàn phường, xã…”, ông Nga nói.
Tuy nhiên, theo ông Nga, khi đã tiêm đủ số mũi vắc xin, chủ yếu các ca bệnh có triệu chứng nhẹ, không nên quá chú ý đến số ca mắc mới mà cần tập trung vào số ca nặng, phải điều trị tích cực để giảm tử vong. Đặc biệt, nên chú ý tới các trường hợp người già, người có bệnh nền, trẻ em.
Ông Nga nêu, tất nhiên, khi lượng bệnh nhân càng tăng cao thì tỷ lệ các trường hợp nặng cũng tăng lên. "Không nên coi F0 là bệnh nhân nữa. Số lượng người mắc COVID-19 hiện rất nhiều, chủ yếu là thể nhẹ và không có triệu chứng. Họ như người bình thường", ông Nga nêu quan điểm.
Từ thực tế đó, theo ông Nga, hệ thống y tế nên tập trung vào những người có triệu chứng, bị nặng để điều trị tích cực, giảm tử vong. Khi Hà Nội quá tải, các bệnh viện tuyến T.Ư, bệnh viện dã chiến cần hỗ trợ, vào cuộc.