Hà Nội: Vì sao nước sạch nhà máy nghìn tỷ chậm đến với dân?

TPO - Hà Nội sắp vào mùa nắng nóng, nhu cầu nước sạch tăng cao. Trong khi nhiều nơi còn thiếu nước sạch thì Nhà máy nước mặt sông Đuống hiện có công suất khoảng 150 nghìn mét khối/ngày đêm nhưng chỉ mới tiêu thụ được khoảng 30 nghìn mét khối.

Sáng 14/3, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải làm việc với Nhà máy nước mặt sông Đuống (Gia Lâm, Hà Nội).

Trao đổi tại buổi làm việc, đại diện Nhà máy cho biết, trên diện tích 61,5 ha, Nhà máy đang hướng tới việc nâng tổng công suất lên 600 nghìn mét khối/ngày đêm vào năm 2023, 900 nghìn mét khối/ngày đêm vào năm 2030 và một triệu mét khối/ngày đêm vào năm 2050.

Đến nay, khi hoàn thành giai đoạn 1A, công suất Nhà máy khoảng 150 nghìn mét khối/ngày đêm với tổng mức đầu tư khoảng 5 nghìn tỷ. Tổng đường ống truyền dẫn giai đoạn 1 đạt 74km, đi theo 3 hướng, một lên Sóc Sơn, một về các quận, huyện phía Nam thành phố, một hướng sang Long Biên.

Hà Nội: Vì sao nước sạch nhà máy nghìn tỷ chậm đến với dân? ảnh 1

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nghe giới thiệu về Nhà máy nước mặt sông Đuống

“Chúng tôi đã hoàn tất 61km đường ống bằng vật liệu thép và gang dẻo. Chỗ rộng nhất là 1,6m và chỗ nhỏ nhất là 0,8m”, Giám đốc Ban quản lý Dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống Đỗ Văn Định cho biết. Ông Định cũng tự tin, theo công suất lắp đặt, nhà máy sẽ có công suất tối đa khoảng 900 nghìn mét khối/ngày đêm, và với công nghệ đổi mới hiện nay, Nhà máy hoàn toàn có thể áp dụng công suất 1,2 triệu mét khối/ngày đêm.

Đi vào vận hành, khai thác từ cuối năm 2018, đến nay, Nhà máy đã hoạt động ổn định công suất 150 nghìn mét khối/ngày đêm, tuy nhiên, theo ông Định, hiện tại tiêu thụ mới đạt khoảng hơn 30 nghìn mét khối/ngày đêm.

“Số công suất dư ra hiện nay không đưa vào đâu được cả. Mỗi ngày Nhà máy chúng tôi chỉ hoạt động 1 – 2 giờ và tích nước trong bể chứa. Chúng tôi có đề xuất làm sao đảm bảo được tiêu thụ hết công suất 150 ngàn mét khối/ngày đêm”, ông Định nói.

Ông Định cũng đề xuất, khi độ phủ của nhà máy nước mặt sông Đuống đến khu vực nào, thành phố cho đóng dần các hệ thống cung cấp nước ngầm tại đó, thay thế toàn bộ bằng hệ thống nước mặt. Ông Định tự tin cho rằng, nước mặt sông Đuống thông qua hệ thống mạng lưới, có thể uống ngay tại vòi. Ông Định cũng xin thành phố đồng ý cho mở rộng thêm diện tích xung quanh để phù hợp với định hướng phát triển lên khoảng 1 triệu mét khối/ngày đêm.

Hà Nội: Vì sao nước sạch nhà máy nghìn tỷ chậm đến với dân? ảnh 2

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Trường Phong

Trao đổi tại buổi làm việc, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nôi Lê Văn Dục cho biết, toàn bộ việc phát triển Nhà máy, quy hoạch mạng lưới, hướng tuyến đều phù hợp với quy hoạch đã được điều chỉnh. Sở cũng đã tham mưu cho UBND thành phố đấu nối ở 8 điểm, hiện đã đấu nối nước từ Nhà máy với Cty nước sạch, tiêu thụ khoảng 30 nghìn mét khối/ngày đêm.

Ông Dục cũng cho biết, hiện, nước sạch của Nhà máy được cung cấp cho khu vực vành đai 3, khu vực đường Pháp Vân, khu vực giáp ranh giữa quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì để từng bước thay thế lượng nước ngầm ô nhiễm. Nói về việc tiêu thụ nước, ông Dục cho biết, theo nguyên tắc mạng phân phối của nhà máy đến đâu, sẽ chỉ đạo đơn vị cung cấp ở đó mua và tiêu thụ.

Tuy nhiên, ông Dục cũng cho rằng, nếu chỉ dừng lại ở khoảng 74km đường ống cấp 1 thì không đến được với người dân mà phải đầu tư đường ống cấp 2, cấp 3 và nhỏ hơn nữa.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng cũng cho biết, nhà máy cần chủ động, phối hợp với các đơn vị có mạng lưới, làm sao thuận lợi nhất để cung cấp nước sạch cho người dân. Thành phố cũng chỉ đạo Nhà máy nghiên cứu, phát triển mạng lưới cho riêng mình, có thể chủ động tiến độ phục vụ chứ không chờ các đơn vị khác.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đánh giá cao việc xây dựng Nhà máy nước mặt sông Đuống, cùng với nhà máy nước mặt sông Hồng, sông Đà, sẽ cung cấp nước sạch cho người dân Thủ đô, giảm dần và đóng lại hoàn toàn việc sử dụng nước ngầm.

Ông Hải ủng hộ việc tiếp tục phát triển, mở rộng Nhà máy, đề nghị Nhà máy tiếp tục phát triển mạng lưới vì đầu tư nước sạch mà không có mạng lưới thì không làm được. Ông Hải cũng nhấn mạnh, nhu cầu nước sạch còn rất lớn, trong tương lai cần đến khoảng 3 triệu mét khối/ngày đêm.

“Cho nên phải triển khai, chuẩn bị các dự án để đáp ứng được nhu cầu đấy. Tránh trường hợp chậm. Các đồng chí vừa nói nước ngầm ở nhiều nơi rất ô nhiễm, thì phải sắp xếp theo thứ tự, khi đầu tư nước mặt đến đấu nối thì đóng cửa, giảm dần các nguồn nước ngầm đúng theo định hướng của thành phố. Người dân cũng mong mỏi như vậy”, ông Hải nói.

MỚI - NÓNG
Đường qua khu đô thị cao cấp ở Huế như 'bẫy người'
Đường qua khu đô thị cao cấp ở Huế như 'bẫy người'
TPO - Đường Lê Đức Anh đi qua các khu đô thị cao cấp, kiểu mẫu thuộc phường Thủy Vân (TP. Huế) thời gian gần đây luôn trong tình trạng ngập nước, mặt đường bị các phương tiện vận tải cày xới, băm nát nhưng không được duy tu, sửa chữa kịp thời khiến tai nạn xe cộ thường xuyên xảy ra. 
Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh - Bài 5: Hồi sinh quạt cổ
Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh - Bài 5: Hồi sinh quạt cổ
TP - Qua bàn tay khéo léo, kiên trì của người thợ lão luyện, những chiếc quạt cổ sáng bóng trở lại và chạy êm ru. Quạt cổ phả ra làn gió nhẹ, mơn man khiến chủ nhân như đang được ngồi giữa cánh đồng bát ngát. Trong thời buổi con người vật lộn, sống gấp như hiện nay thì ai cũng muốn có được những giây phút thư thái như thế…