Sáng 11/4, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành T.Ư Đảng (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Báo cáo tại hội nghị, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Vũ Hà cho biết, số doanh nghiệp và số lao động toàn thành phố ngày càng tăng, hiện có khoảng 270 nghìn doanh nghiệp, với trên 2,7 triệu lao động.
Sau 15 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 20, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trên địa bàn thành phố đã nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của giai cấp công nhân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Văn Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: PV. |
Các chương trình chăm lo phúc lợi cho đoàn viên, người lao động luôn được duy trì hiệu quả, từ nguồn “Quỹ xã hội công đoàn” và ngân sách công đoàn, các cấp công đoàn thành phố đã chi hỗ trợ cho 1,4 triệu lượt đoàn viên, người lao động, với tổng số tiền gần 645 tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào các hoạt động như: Tổ chức chương trình “Tết sum vầy”; “Chuyến xe 0 đồng”; “Chợ Tết công đoàn”, các hoạt động chăm lo nhân Tháng công nhân hằng năm…
Việc chăm lo về nhu cầu nhà ở cho công nhân cũng được thành phố quan tâm đầu tư như: Dự án thí điểm xây dựng nhà ở công nhân tại xã Kim Chung, huyện Ðông Anh, với diện tích 20ha, gồm 24 đơn nguyên nhà 5 tầng, 4 tòa nhà 15 tầng, đáp ứng khoảng 12.000 chỗ ở; dự án nhà ở tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, các khu công nghiệp: Thạch Thất, Thăng Long, Phú Nghĩa...
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo cũng nêu rõ một số tồn tại, hạn chế. Đời sống công nhân, lao động nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, thu nhập tuy đảm bảo với mức lương tối thiểu theo quy định nhưng vẫn không đủ trang trải cuộc sống. Một số doanh nghiệp chưa đảm bảo điều kiện vệ sinh môi trường, bảo hộ lao động, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị Ban Dân vận Thành ủy, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội tập trung đánh giá kỹ những khó khăn, thách thức trong công tác lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng công nhân, lao động trong tình hình mới, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; phê chuẩn nhiều công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế.
Theo ông Phong, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội cần tiếp tục quán triệt sâu sắc nội dung Nghị quyết số 20 nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và nhân dân.
Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội cũng cho rằng, cần tiếp tục quan tâm chăm lo cho tổ chức Công đoàn với đủ nguồn lực, cơ chế, điều kiện. Trong đó, Liên đoàn Lao động thành phố chủ động, mạnh dạn hơn trong tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND thành phố về quy hoạch, đầu tư các thiết chế cho người lao động, công nhân. Cụ thể, trước khi xây dựng các khu công nghiệp phải hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao, y tế, hạ tầng... để đáp ứng nhu cầu của người lao động.
Ông Phong cũng đề nghị, các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với những lĩnh vực về bảo hiểm, điều kiện làm việc của công nhân, lao động, qua đó góp phần nâng cao đời sống của người lao động. Cùng với đó, chủ động xây dựng các báo cáo đánh giá, nghiên cứu nhằm dự báo được những vấn đề mới phát sinh liên quan đến công đoàn, công nhân, lao động trong tình hình mới...
Trước đó, tại Hội nghị đối thoại với đại biểu phụ nữ Thủ đô, thời điểm tháng 11/2022, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng thông tin, thành phố đã chỉ đạo quy hoạch để sớm kêu gọi đầu tư xây dựng các khu nhà xã hội tập trung quy mô lớn, trước mắt sẽ thực hiện ở huyện Đông Anh. Thành phố cũng xác định quan điểm sẽ dùng nguồn ngân sách để đầu tư trường học, bệnh viện trong các khu nhà này để vừa giảm giá thành căn hộ, vừa bảo đảm điều kiện học tập với chi phí thấp cho công nhân, lao động.