Hà Nội tăng 27.000 phương tiện/tháng: Không tắc thêm mới lạ!

Dù đang quá tải gấp nhiều lần, lòng đường của Hà Nội mỗi tháng gánh thêm 27 ngàn phương tiện cá nhân Ảnh: Anh Trọng
Dù đang quá tải gấp nhiều lần, lòng đường của Hà Nội mỗi tháng gánh thêm 27 ngàn phương tiện cá nhân Ảnh: Anh Trọng
TP - Trong khi biện pháp hạn chế, chặn đà tăng trưởng của xe cá nhân chưa thực hiện được theo lộ trình, một thực tế ngược lại đang diễn ra tại Thủ đô là lượng ô tô, xe máy tiếp tục gia tăng chóng mặt. Hạ tầng vốn đã chật hẹp, ách tắc nay mỗi tháng lòng đường Hà Nội còn bị “nhồi” thêm 27 nghìn ô tô, xe máy, khiến cảnh ùn tắc càng trở nên bức bối, ngột ngạt.

Tái diễn 13 điểm đen

Để giải tỏa ùn tắc, trong các năm 2015 - 2016 UBND thành phố Hà Nội đã thống nhất giao cho Sở GTVT thực hiện hàng loạt giải pháp tổ chức giao thông, trong đó có phương án phân làn, phân luồng, tách dòng phương tiện; xây hàng loạt cầu vượt thép tại các nút giao thông thường xuyên ùn tắc... Các giải pháp này ngay sau đó đã mang lại hiệu quả tích cực, với hàng loại “điểm đen” ùn tắc được xóa bỏ, trong đó có các nút giao, như: Tây Sơn - Chùa Bộc, Thái Hà - Láng Hạ, Nguyễn Chí Thanh - Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương - Láng… Cũng nhờ các giải pháp trên, năm 2014 toàn thành phố có 41 điểm ùn tắc thì đến cuối năm 2016 đã giảm xuống còn khoảng 30 điểm.

Tuy  nhiên, việc giải tỏa các điểm đen ùn tắc trên cũng chỉ duy trì được một thời gian ngắn, đến cuối năm 2017 tình trạng ùn tắc tại đây lại tái diễn. Thống kê của Sở GTVT Hà Nội vừa qua cho thấy, trong 37 điểm ùn tắc đang tồn tại thì có đến 13 điểm là tái diễn ùn tắc, trong đó có các điểm đã từng được giải tỏa bằng cầu vượt thép, như Lê Văn Lương - Láng Hạ, Láng - Nguyễn Chí Thanh…

Qua khảo sát, cả Sở GTVT và Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Hà Nội đều nhận định: “Mật độ phương tiện giao thông tăng cao trên các tuyến đường, nhất là các khu vực có nhiều chung cư, khu đô thị, trung tâm thương mại là nguyên nhân phát sinh các điểm ùn tắc”.

Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT - TEDI cho rằng, hiện trên nhiều tuyến đường, nút giao thông tại Hà Nội mật độ phương tiện lưu thông đã quá tải thiết kế mặt đường từ 3 đến 4 lần, riêng các tuyến đường như Lê Văn Lương, Láng, Phạm Hùng (Vành đai 3)… giờ cao điểm đã vượt 22 lần.

PGS.TS Doãn Minh Tâm, nguyên Viện trưởng Viện khoa học Công nghệ GTVT cũng khẳng định, trong quản lý đô thị, về nguyên tắc khi hạ tầng giao thông không thể phát triển, mở rộng thêm thì điều hiển nhiên cơ quan chức năng phải làm là hạn chế hoặc cấm xe cá nhân lưu thông trong khu vực trung tâm.

Đây là việc mà các thành phố lớn ở châu Á thực hiện rất hiệu quả khi muốn giảm ùn tắc trong nội đô, trong các thành phố này có Jakarta (Indonesia), Bắc Kinh, Quảng Châu (Trung Quốc), thậm chí một thành phố mới ổn định là Yangon (Myanmar) cũng đã thực hiện rất hiệu qủa.

Tuy nhiên, với Hà Nội, sau hơn 30 năm đổi mới, phát triển nhưng hiện nay việc sử dụng xe cá nhân vẫn được tự do, cùng với đó, đi đến đâu, tuyến đường nào cũng thấy xe khách, xe hợp đồng, thậm chí xe tải lớn chạy xuyên tâm… thì “hạ tầng nào đáp ứng được?”, ông Tâm đặt câu hỏi.

10 năm, ô tô xe máy tăng trưởng gấp 3 lần

Đánh giá về gia tăng xe cá nhân tại Thủ đô, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, được chia làm 3 nhóm, gồm xe cá nhân để người dân sử dụng đi lại (gồm ô tô, xe máy); xe taxi chở khách; xe ba, bốn bánh được hoán cải để chở hàng. Với phương tiện cá nhân người dân sử dụng để đi lại, ông Liên nêu thực tế, ngoài đi lại tự do, người dân có thể mua mới, đăng ký, sử dụng bất kỳ đâu.

Tìm hiểu sự gia tăng phương tiện trên địa bàn Hà Nội những năm qua, ông Liên khẳng định đang có sự phát triển với tốc độ kỷ lục. Cụ thể, cuối năm 2008  Hà Nội có 2,2 triệu phương tiện, trong đó có 185 nghìn ô tô, nhưng chỉ sau 10 năm phát triển, con số này đến hết năm 2017 đã là 6 triệu phương tiện, tức là tăng gần 3 lần, trong đó ô tô có hơn 540 nghìn xe, xe máy có 5,4 triệu xe.

Với 8 tháng đầu năm 2018, Phòng CSGT Hà Nội cho biết, đã làm đăng ký, cấp biển số mới cho hơn 218.000 phương tiện, trong số này có hơn 38.000 ô tô, 170 nghìn xe máy. Từ lượng phương tiện gia tăng từ đầu năm 2018 đến nay, tính trung bình mỗi tháng, Hà Nội đang có thêm hơn 27 nghìn ô tô, xe máy, xe đạp điện được cấp biển số để đổ ra đường. Đó là chưa kể 1,2 triệu phương tiện từ ngoại tỉnh vào Hà Nội tham gia giao thông.

Với taxi và xe ô tô chở khách dưới 9 chỗ, từ năm 2012 Hà Nội đã dừng gia tăng số lượng phương tiện mới. Tại thời điểm dừng, số lượng taxi trên địa bàn Hà Nội là 17.400 taxi, tuy nhiên con số taxi thực tế được thống kê hiện nay là 20.000 xe. Cùng với đó, số lượng xe chở khách dưới 9 chỗ tham gia loại hình taxi công nghệ hiện đã được Sở GTVT Hà Nội cấp phù hiệu lên đến 21.800 xe. Như vậy số lượng xe taxi và phương tiện hoạt động như taxi trên địa bàn Hà Nội hiện nay là 41.800 xe chứ không phải 17.400 xe! 

Đánh giá về mật độ taxi tại Hà Nội, Viện Chiến lược và phát triển GTVT - TDSI cho rằng, mật độ taxi trung bình tại khu vực nội thành đang vượt nhiều nước ở châu Á khi có tới 52,5 xe/km2 và mỗi km đường có 16 xe taxi hoạt động. Riêng một số nút giao thông lớn, giờ cao điểm, lượng taxi chiếm 1/2 lưu lượng ô tô qua lại.

Qua khảo sát, cả Sở GTVT và Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội đều nhận định: “Mật độ phương tiện giao thông tăng cao trên các tuyến đường, nhất là các khu vực có nhiều chung cư, khu đô thị, trung tâm thương mại là nguyên nhân phát sinh các điểm 
ùn tắc”.

MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.