Hà Nội: Số bệnh nhân nặng, nguy kịch tăng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Hà Nội đang có 408 bệnh nhân nặng/nguy kịch, tăng gần 14% so với trung bình 7 ngày trước. Ngày 8/1 Hà Nội tiếp tục thiết lập số mắc cao trong ngày với 2.791 F0.

Tại Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19 (thuộc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, hầu hết các bệnh nhân nặng/nguy kịch, tiên lượng tử vong đều là người cao tuổi, nhiều bệnh nền, chưa tiêm hoặc mới tiêm 1 mũi vắc xin, nhập viện khi đã suy hô hấp nặng.

Từ đầu tháng 1, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương đã hoàn thành việc chuyển đổi công năng hoàn toàn sang Trung tâm Hồi sức tích cực điều trị COVID-19 quy mô 500 giường dành cho bệnh nhân nặng, nguy kịch.

PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19, cho biết mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận 20-30 bệnh nhân nặng. Hiện bệnh viện đang điều trị gần 300 trường hợp từ nặng, nguy kịch.

Tại Hà Nội số mắc mới tăng cao trong nhiều ngày liên tiếp, do đó TS Hải đề xuất: “Hiện không phải là truy vết mà nên tập trung vào ca nặng, nguy kịch, ca nguy cơ. Điều quan trọng cần phải phát hiện sớm và cho nhập viện những bệnh nhân nguy cơ để điều trị. Có như vậy mới giảm ca chuyển nặng để giảm tỉ lệ tử vong”.

Hà Nội: Số bệnh nhân nặng, nguy kịch tăng ảnh 1

Bệnh nhân nặng tại Bệnh viện điều trị người bệnh COVID-19. Ảnh: Thái Hà

Sở Y tế Hà Nội vừa có Công văn gửi các bệnh viện công lập và ngoài công lập; trung tâm y tế quận, huyện, thị xã về việc phân công hỗ trợ, chỉ đạo tuyến và tiếp nhận điều trị người bệnh COVID-19 lần 2. Theo đó các bệnh viện tầng 3 tại Hà Nội gồm Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Thanh Nhàn, Đa khoa Hà Đông, Đa khoa Xanh Pôn và Bệnh viện Đa khoa Đống Đa - chuyên khoa đầu ngành truyền nhiễm - hỗ trợ chuyên môn cho 35 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tuyến thành phố, tuyến huyện thuộc tầng 2.

Nhóm 5 bệnh viện tầng 3 của Hà Nội chỉ tiếp nhận F0 có nguy cơ rất cao: có tình trạng cấp cứu; SpO2 dưới 90%. Bệnh nhân sản khoa nguy cơ rất cao được chuyển tới Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Các bệnh viện tầng 3 sẽ hỗ trợ chuyên môn gồm: đào tạo, hướng dẫn chuyên môn về chẩn đoán, điều trị, theo dõi và phân tầng người bệnh COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế; hội chẩn trực tiếp và hội chẩn từ xa trong chẩn đoán, điều trị F0; hỗ trợ nhân lực khám, chữa bệnh trực tiếp (nếu cần) giữa các đơn vị trong hệ thống.

Sau điều trị, bệnh nhân COVID-19 vẫn có thể gặp phải một số di chứng kéo dài, chăm sóc đúng giai đoạn “hậu COVID” giúp bệnh nhân mau chóng bình phục. Các tình trạng bệnh lý được ghi nhận tại các bệnh viện rất đa dạng, như cảm giác mệt mỏi, di chứng phổi, di chứng tim mạch, rối loạn tâm thần hậu COVID-19 - đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm.

Theo nghiên cứu tại Đại học Leicester (Anh), trong 1.000 bệnh nhân F0 điều trị khỏi bệnh tại bệnh viện có tới 70% người bệnh vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau 5 tháng kể từ khi xuất viện

Khoảng 1/5 người bệnh xuất hiện triệu chứng mới; 17,8% chưa thể làm việc trở lại; 19,3% phải thay đổi công việc do vấn đề sức khỏe. Tuy nhiên, khi nói về hội chứng hậu COVID tại Việt Nam, nhiều người còn khá thờ ơ và chủ quan. Việc tiếp tục hỗ trợ người bệnh trong sinh hoạt, ăn uống và tập luyện là rất cần thiết cho quá trình phục hồi.

MỚI - NÓNG
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
Nhiều vũ khí hiện đại sẽ xuất hiện tại triển lãm quốc tế do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức
TPO - Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam lần thứ 2 - năm 2024 do Bộ Quốc phòng Việt Nam tổ chức, dự kiến diễn ra từ ngày 19/12 đến 22/12/2024 tại sân bay Gia Lâm, Hà Nội. Nhiều loại vũ khí, thiết bị quân sự hiện đại, trong đó có những sản phẩm mới sản xuất gần đây sẽ được trưng bày.