Xe buýt là phương tiện đi lại chủ yếu đối với học sinh, sinh viên và người lao động có thu nhập thấp. |
Đó là nội dung Sở GTVT Hà Nội vừa trình UBND TP xin tăng giá vé xe buýt trong thời gian tới. Theo kiến giải của Sở, mức giá xe buýt đưa ra từ năm 2005 tới nay vẫn chưa thay đổi, trong khi các yếu tố đầu vào đã tăng lên khá nhiều như nhiên liệu, tiền lương...
Những năm qua, TP đã phải bỏ ra khoản kinh phí lớn để trợ giá cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Năm 2006, kinh phí bỏ ra là 203 tỷ nhưng đến năm 2011, con số này đã tăng lên 1.332 tỷ đồng.
Trong khi đó, những năm trở lại đây, mức thu nhập bình quân của người dân thủ đô tăng đáng kể, khả năng chi trả cho việc đi lại bằng xe buýt cũng tăng. Theo tính toán của Sở, khả năng chi trả cho chuyến đi hàng tháng của nhóm người có thu nhập thấp nhất là 241 nghìn đồng/tháng. Như vậy, mức giá vé hiện nay giá vé lượt là thấp và giá vé tháng là quá thấp so với khả năng chi trả của người dân. Mặt khác nếu so với giá vé tháng xe buýt của TP.HCM thì giá vé của Hà Nội chỉ bằng 30%.
Việc tăng vé xe buýt theo lộ trình là từng bước giảm gánh nặng cho ngân sách mà vẫn đảm bảo mục tiêu của dịch vụ công. Tất nhiên, học sinh, sinh viên và những người đi lại thường xuyên bằng vé tháng vẫn có chính sách ưu tiên.
Theo tính toán của Sở GTVT Hà Nội, sau khi tăng giá vé tháng, nếu khách đi vé tháng không đổi thì doanh thu sẽ tăng thêm hơn 280 tỷ đồng/năm. Trường hợp trong 1-3 tháng đầu điều chỉnh, có thể khách vé tháng tạm thời giảm nhẹ nhưng sau đó sẽ lại ổn định và tối thiểu trợ giá sẽ giảm được trên 224,8 tỷ đồng.
Tuy nhiên, xung quanh đề xuất này còn có nhiều quan điểm cho rằng, tăng giá lúc này là chưa thích hợp bởi họ lo sợ việc tăng giá vé sẽ khó giải thích với người dân, dẫn tới dư luận không hay bởi chúng ta đang khuyến khích người dân đi lại bằng phương tiện công cộng để giảm thiểu ùn tắc. UBND TP Hà Nội cũng phải cân nhắc kỹ vấn đề này bởi đối tượng tác động trực tiếp của việc tăng giá vé đa phần là học sinh, sinh viên và người lao động thu nhập thấp.
Theo Infonet