Hà Nội: Ô nhiễm lên mức nguy hại, công trình vô tư xả bụi

Phá dỡ một công trình tại Hà Nội Ảnh: Phương Thảo
Phá dỡ một công trình tại Hà Nội Ảnh: Phương Thảo
TP - Hà Nội, hôm qua (28/1) tiếp tục là một ngày ô nhiễm không khí nặng nề. Địa điểm ô nhiễm nhất đạt mức nguy hại, theo ghi nhận của hệ thống quan trắc không khí là tuyến đường Phạm Văn Đồng, nơi có nhiều công trình xây dựng đang phá dỡ.

Vào 9h sáng qua, chỉ số AQI (chỉ số đánh giá chất lượng không khí) ở điểm đo trên đường Phạm Văn Đồng, đối diện với khu đô thị thành phố giao lưu, lên tới 303, mức nguy hại- mức cao nhất của ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe tất cả mọi người.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, tại Hội nghị Tổng kết ngành Tài nguyên và Môi trường năm 2018, từng nêu hai nguyên nhân chính dẫn đến ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội là giao thông và xây dựng. Trong khi Đề án hạn chế phương tiện giao thông cá nhân không dễ ngày một ngày hai có thể thực hiện, thì việc hạn chế phát tán bụi từ các công trình xây dựng hoàn toàn có thể thực hiện nhưng lại đang bị bỏ ngỏ.

Bụi bẩn tung hoành ngang dọc 

Trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, Dự án đầu tư xây dựng cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long đang triển khai nhưng hiếm khi thấy xe phun nước rửa đường để hạn chế bụi, nhiều nhà dân bên đường tháo dỡ để giải tỏa mặt bằng cũng trong tình trạng thông thống, không có sự che chắn. Vì thế, tuyến đường luôn trong tình trạng mù mịt vì bụi. Đây cũng là điểm đen về ô nhiễm không khí khi chỉ số AQI luôn ở mức cao nhất trong 10 điểm đo không khí của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội.

Hà Nội nhiều năm qua như một đại công trường với hàng loạt các dự án xây dựng nhà ở, giao thông. Quy định về bảo vệ môi trường trong xây dựng có từ lâu, ví dụ công trình xây dựng phải được che chắn để hạn chế phát tán bụi, xe chở vật liệu ra vào công trường phải được che chắn, lốp xe phải được xịt nước. Quy định là thế nhưng thực tế hiếm khi điều này được thực hiện tại các công trường xây dựng. Một chuyên gia môi trường lâu năm kể chuyện, hai công trình xây dựng cạnh nhau, một công trình của người Việt, một công trình của người Hàn.

Trong khi công trình xây dựng của người Hàn chấp hành tốt các quy định nên tương đối sạch sẽ, phát tán ít bụi thì công trình bên cạnh đó lại mù mịt bụi. Kể chuyện này để thấy, việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong xây dựng của một bộ phận nhà thầu thi công của Việt Nam chưa cao, cũng để thấy nếu chấp hành đầy đủ sẽ hạn chế khá nhiều ô nhiễm bụi từ công trường xây dựng.

Những tuyến đường có nhiều công trình xây dựng phải kể đến: đường Tố Hữu; đường Minh Khai (đoạn giải phóng mặt bằng đường vành đai 2,5); đường Phạm Văn Đồng (đoạn làm đường vành đai 3), Nguyễn Xiển… đường phố thường xuyên hứng chịu bụi, bẩn, ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông và đời sống người dân khu vực. Không cần đến những thiết bị đo độ bụi hiện đại, chỉ cần ngồi quán nước gần đường Minh Khai (đoạn gần cầu Mai Động) trong 5 phút, chiếc điện thoại màn hình đen đã lấm chấm bụi trắng. 

Dù được quản lý chặt chẽ hơn nhưng các công trình xây dựng trong 4 quận nội thành cũng không tránh được bụi bẩn. Đó là các dự án 30A Lý Thường Kiệt, công trình 3 số nhà 52, 54, 56 Hàng Bồ, dự án 35 Ngô Quyền. Ông Đỗ Văn Cảnh (cư dân khu tập thể du lịch, phường Phan Chu Trinh) cho biết, hơn 1 năm nay dự án 35 Ngô Quyền sát bên thi công ầm ĩ ngày đêm khiến cho sinh hoạt của người dân bị đảo lộn. “Họ cắt gạch, thi công bụi mù mịt khiến người dân rất bức xúc. Khi kiến nghị ra phường thì vẫn không có chế tài để xử lý”, ông Cảnh cho hay. Tại công trình 52, 54, 56 Hàng Bồ, PV đã nhiều lần ghi lại hình ảnh xe bồn có tên Sông Đà Việt Đức đầy bụi bẩn đi vào phố cổ vào giờ cấm, khiến người dân và du khách bất bình. 

Đối với các công trình đang được tiến hành tháo dỡ trong thời gian qua nơi nào cũng có phản ánh của người dân, đơn cử như cụm chung cư cũ L1, L2-93 Láng Hạ (phường Láng Hạ, quận Đống Đa); công trình phá dỡ xây dựng cây xăng trên phố Lạc Trung (phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng)…. Bà Hòa - người dân sống cạnh tòa nhà L1 Láng Hạ cho biết, khi tòa nhà phá dỡ như “thảm họa” cho cư dân và hàng quán xung quanh. Ngay cả người đi đường cũng bị ảnh hưởng vì lớp bụi vôi vữa, cát phát tán dày đặc. 

Cần đình chỉ thi công dự án gây ô nhiễm 

 Lý do vì sao để các công trình xây dựng thản nhiên xả bụi? vị chuyên gia môi trường phân tích, quy định thì có nhưng chẳng có ai thanh tra, kiểm tra, liệu có bao nhiêu công trình đã bị xử phạt do không chấp hành quy định bảo vệ môi trường? 

Trao đổi với PV Tiền Phong, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho biết, trước khi phá dỡ hay xây dựng công trình đều có quy định rất rõ ràng. Nếu phá dỡ phải lập phương án tháo dỡ, trình cơ quan chức năng phê duyệt, đảm bảo an toàn, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đối với thi công xây dựng cũng có các quy định không được sử dụng các thiết bị gây ồn, thiết bị có gia tốc rung vượt quá giới hạn cho phép; phải có biện pháp giảm bụi và khí thải ô nhiễm môi trường...

Theo ông Dũng, đối với lĩnh vực về môi trường Thanh tra Sở Xây dựng có xử lý nhưng không nhiều, chủ yếu là xử lý các lỗi về không quây bạt che chắn công trình, vi phạm an toàn xây dựng… “Môi trường cần phải có lực lượng chuyên môn, có các thiết bị đo để xử lý”, lãnh đạo Sở Xây dựng cho hay.

Theo số liệu từ Sở Xây dựng, năm 2018, Thanh tra Sở đã lập 2 đoàn kiểm tra công tác bảo đảm an toàn lao động và vệ sinh môi trường. Đoàn đã kiểm tra 84 dự án xây dựng, thực tế vẫn còn nhiều công trình chưa tuân thủ các quy định về vệ sinh môi trường. 

Một số chuyên gia nhận định, Bộ Xây dựng đã có Thông tư 02 quy định rất rõ về viêc bảo vệ môi trường trong thi công xây dựng công trình và chế độ báo cáo công tác bảo vệ môi trường ngành xây dựng. Theo đó, chủ đầu tư phải có trách nhiệm đình chỉ thi công và yêu cầu nhà thầu khắc phục để đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường khi phát hiện nhà thầu vi phạm nghiêm trọng các quy định về bảo vệ môi trường trong thi công hoặc có nguy cơ dẫn đến mất an toàn môi trường. “Quy định đã có, quan trọng là cơ quan chức năng có kiên quyết xử lý triệt để các công trình vi phạm môi trường hay không?”, vị chuyên gia đặt câu hỏi.

“Ở nhiều nước, camera theo dõi và máy đo nồng độ bụi được lắp đặt ở công trường. Nếu vượt ngưỡng quy định lập tức sẽ bị tuýt còi. Giải pháp này hoàn toàn có thể khả thi trong “thời đại 4.0” như hiện nay, chỉ là cơ quan chức năng có làm và quyết tâm làm hay không”. Một chuyên gia môi trường

Hà Nội: Ô nhiễm lên mức nguy hại, công trình vô tư xả bụi ảnh 1 Vào 9h sáng qua 28/1, chỉ số AQI (chỉ số đánh giá chất lượng không khí) tại điểm đo Phạm Văn Đồng lên tới 303, mức nguy hại - ô nhiễm cao nhất
MỚI - NÓNG