Chiều 14/11, tại hội nghị giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, ông Đinh Hồng Phong, Phó Chủ tịch thường trực UBND quận Hoàn Kiếm thông tin về 1 năm thí điểm phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Theo ông Phong, qua 1 năm triển khai, kết quả đạt được rất tốt, đạt được sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân.
Theo ông Phong, thành phố và quận dự kiến sẽ kết nối không gian đi bộ Hồ Hoàn Kiếm với một số tuyến phố cổ trong thời gian sắp tới, đồng thời triển khai nhiều biện pháp nhằm nâng cao chất lượng phục vụ về văn hóa nghệ thuật, giải trí, cảnh quan, cũng như bố trí nhiều điểm phục vụ du khách liên quan đến ăn uống, giải khát...
Theo ông Phong, trong một năm qua, các lực lượng chức năng đã kiểm tra xử lý hơn 18 nghìn trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông quanh không gian phố đi bộ, 271 điểm trông giữ phương tiện trái phép và thu quá giá; nhắc nhở xử lý 903 trường hợp bán hàng rong, 692 trường hợp sử dụng xe điện cân bằng, patin, xe trượt, giầy trượt không đúng quy định, 400 trường hợp dắt thả chó không rọ mõm. Ông Phong thừa nhận, còn một số hạn chế nhất định như tình trạng bán hàng rong; dắt chó không có rọ mõm, trượt patin, đi xe điện cân bằng, ô tô – xe máy điện trẻ em chưa được giải quyết triệt để.
“Do đây là không gian mở, lực lượng còn kiêm nhiệm nên không tuần hành thường xuyên được. Chủ yếu thời gian qua vẫn vận động cho người dân hiểu là không nên mang theo chó lên phố đi bộ. Có mang chó theo thì phải rọ mõm. Nói thật, để xử lý một trường hợp cũng rất phức tạp. Nhưng rõ ràng là chó to thì cũng hạn chế rồi. Bây giờ chủ yếu là chó nhỏ nhỏ, xinh xinh thôi. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục vận động và tìm giải pháp xử lý tốt hơn”, ông Phong nói.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một số điểm giao thông tĩnh gần sát khu vực các chốt ra vào không gian đi bộ luôn trong tình trạng quá tải. Do vậy, phát sinh một số hộ dân gần không gian đi bộ đã tận dụng vỉa hè trước ngõ hoặc trước cửa nhà tự ý trông giữ xe trái phép thu giá cao gây bức xúc dư luận. Cùng với đó, một số hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật tự phát; tập thể dục, tập nhảy vào buổi tối mở nhạc to và trang phục không phù hợp đã ảnh hưởng đến văn minh chung của không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm.
Liên quan đến lực lượng chức năng quản lý không gian đi bộ, ông Phong cho biết, đây là lực lượng thuộc Ban Quản lý hồ Hoàn Kiếm, có đủ bộ máy hoạt động. “Khi chưa có không gian đi bộ khu vực Hồ Hoàn Kiếm thì các lực lượng này đảm bảo tốt công tác an ninh trật tự khu vực này. Khi bắt đầu có không gian đi bộ thì vẫn với từng đó người, thời gian hoạt động nhiều hơn. Hiện nay có thêm lực lượng phối hợp của công an thành phố và công an quận bố trí ở các chốt”, ông Phong nói.
Ông Phong cũng cho biết, đang đề nghị bổ sung thêm chức năng cho Ban quản lý hồ và cho lực lượng quản lý hồ để trở thành lực lượng chuyên trách, khi thực thi nhiệm vụ sẽ thuận lợi hơn. “Về câu hỏi của báo chí liên quan đến thái độ của lực lượng này thì chúng tôi có quy định, quy chế quản lý rất chặt chẽ chứ không phải là muốn phát ngôn thế nào, muốn ứng xử, cư xử thế nào cũng được”, ông Phong chia sẻ.
Ông Phong nhắc lại một số vụ việc, như cháu bé kéo đàn trên phố đi bộ hồi tháng 7/2017. Theo ông Phong, khi cháu bé hoạt động trong không gian đi bộ bị nhắc nhở không được xin tiền thì có xung đột. “Ban đầu có ý kiến cho rằng, chúng tôi đã ứng xử không văn hóa, không văn minh, nhưng cuối cùng thì chính gia đình, bố mẹ cháu bé phải đến trụ sở công an quận và ban quản lý di tích hồ để xin lỗi trực tiếp cán bộ chiến sĩ công an làm nhiệm vụ và một cán bộ của quản lý hồ”, ông Phong khẳng định.
Vẫn theo ông Phong, mới đây, có một vụ việc xảy ra ở tượng đài Lý Thái Tổ. “Các trường hợp tổ chức các sự kiện ở đây đều phải có sự thông báo đến đơn vị quản lý nhưng một số đơn vị, tổ chức, cá nhân không thông báo. Khi ra làm thì cho rằng đã được quận và sở Văn hóa có văn bản là được làm. Nhưng vẫn phải thông tin với Ban quản lý hồ là chúng tôi làm hoạt động này cho hài hòa. Khi lực lượng ra kiểm tra thì họ bảo là lại gây phiền hà. Sau khi chúng tôi làm việc lại thì quản lý của đơn vị đó có ý kiến xin lỗi do hiểu nhầm của những người thực thi nhiệm vụ của đơn vị đó”, ông Phong nói thêm.
Tuy nhiên, ông Phong cũng thừa nhận, có phản ánh về các trường hợp ứng xử không được tốt. “Cũng có những việc xảy ra, và chúng tôi cũng thường xuyên nhắc nhở, cán bộ, công nhân viên là có những quy tắc ứng xử văn hóa nơi công cộng, trong cơ quan, phải chú ý, để tránh trường hợp làm việc ở nơi văn hóa mà lại xảy ra những chuyện không hay. Báo chí có phản ánh đâu đó có trường hợp này thì xin trân trọng tiếp thu và sẽ xử lý”, ông Phong nói.