Hà Nội: Nhiều dự án đắp chiếu vì cơ chế thỏa thuận

Dự án khu đô thị Tây Hồ Tây nhiều năm gặp khó khăn vì giải phóng mặt bằng (ảnh minh họa)
Dự án khu đô thị Tây Hồ Tây nhiều năm gặp khó khăn vì giải phóng mặt bằng (ảnh minh họa)
TP - Tại buổi làm việc giữa Bộ TN&MT với UBND thành phố Hà Nội sáng 27/5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh cho biết, nhiều dự án đắp chiếu cả chục năm vì vướng mắc từ quy định của Luật Đất đai…

Người dân “đánh đu” với doanh nghiệp

Ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) Hà Nội cho biết, có tới 70% diện tích đất đã chuyển nhượng theo quy hoạch, nhiều trường hợp không thỏa thuận được. Nhiều trường hợp gây khó khăn để ép chủ đầu tư phải thỏa thuận với mức giá cao hơn. Điều đó dẫn đến hàng loạt dự án kéo dài trên 10 năm vẫn chưa thỏa thuận được. Trong đó không ít trường hợp đất đã thỏa thuận và chưa thỏa thuận xong nằm xen kẽ với nhau dẫn đến không triển khai được dự án, thậm chí để hoang.

“Có dự án hàng chục, thậm chí hàng trăm héc ta nhưng chỉ vướng một vài hộ dân là có thể đắp chiếu. Tôi cho rằng đây không chỉ là vướng mắc của Hà Nội mà cả nhiều địa phương khác”.

Ông Vũ Hồng Khanh

Nhằm tháo gỡ vướng mắc nêu trên, UBND thành phố Hà Nội đề nghị Bộ TN&MT báo cáo Chính phủ cho phép thực hiện theo phương án: Trường hợp sử dụng đất vào mục đích kinh doanh, sản xuất thông qua hình thức mua tài sản gắn liền với đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy hoạch mà chủ đầu tư đã thỏa thuận chuyển nhượng trên 70% diện tích đất, nếu sau 30 ngày kể từ ngày UBND cấp huyện tổ chức cho các bên thương thảo mà không đạt được thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì cho phép giao Trung tâm phát triển quỹ đất lập hồ sơ thu hồi đất, thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) theo chính sách nhà nước. Sau khi GPMB xong, sẽ giao chủ đầu tư thực hiện dự án. Kinh phí GPMB do chủ đầu tư ứng trước cho Trung tâm phát triển quỹ đất.

Đại diện Bộ TN&MT cho rằng, việc để cho doanh nghiệp trực tiếp thỏa thuận với người dân đang nảy sinh nhiều bất hợp lý vì như vậy sẽ đẩy giá đất lên rất cao và nhiều khiếu kiện kéo dài. Luật Đất đai 2013 ra đời nhằm cắt giảm tình trạng thỏa thuận riêng. “Hà Nội có thể sử dụng vai trò của Trung tâm phát triển quỹ đất để thương thảo với người dân rồi sau đó bàn giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư”, đại diện Tổng cục Quản lý đất đai nói.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Hồng Khanh, Trung tâm phát triển quỹ đất không thể làm được như vậy vì thực chất cơ quan này chỉ là đơn vị làm thuê cho nhà đầu tư và cũng không lấy đâu ra tiền để tạm ứng cho việc GPMB. Trong khi đó, nếu chiếu theo quy định thì chậm triển khai sau 12 tháng phải thu hồi dự án. Nhưng nếu để doanh nghiệp thỏa thuận với dân thì tới cả chục năm vẫn không xong. Và kết quả là nhiều dự án bỏ hoang đất.

Cũng theo ông Khanh, theo quy định, quyền thu hồi đất của nhà nước đang bó hẹp khi chỉ áp dụng với dự án mục đích an ninh quốc phòng, dự án trọng điểm, mục đích công ích mà thiếu sự “điều tiết” đối với các dự án phục vụ cho sản xuất kinh doanh.

Đề xuất bỏ quy định ký quỹ

Sở TN&MT Hà Nội cho biết, tại Điều 58 Luật Đất đai 2013 quy định về điều kiện đối với người được giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư có quy định về việc chủ đầu tư phải ký quỹ. Nghị định 43/2014 quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai lại không quy định chi tiết về việc ký quỹ như số tiền bao nhiêu, cơ quan nhận ký quỹ, thời điểm ký quỹ. Quy định tại Thông tư 03/2009 hướng dẫn lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất quy định: Giá trị bảo đảm thực hiện dự án đầu tư được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo mức xác định từ 5-10% tổng mức đầu tư của nhà đầu tư được lựa chọn.

Trong khi đó, theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, không có hình thức giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức lựa chọn chủ đầu tư! Vì vậy thiếu căn cứ pháp lý để thực hiện quy định về ký quỹ khi giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Ngoài ra với dự án có tổng mức đầu tư từ hàng trăm đến hàng chục nghìn tỷ đồng, nếu ký quỹ thì số tiền bị tạm giữ là rất lớn sẽ làm khó khăn thêm cho doanh nghiệp. 

MỚI - NÓNG