Hà Nội: Nhiều cụm công nghiệp vẫn xả thải ra môi trường

Nhiều cụm công nghiệp vẫn vô tư xả thải trực tiếp ra môi trường
Nhiều cụm công nghiệp vẫn vô tư xả thải trực tiếp ra môi trường
TPO - Làm việc với đoàn giám sát của Ban Đô thị Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, trên địa bàn còn nhiều cụm công nghiệp quy mô dưới 10ha chưa có trạm xử lý nước thải, các cơ sở sản xuất vẫn xả thải trực tiếp gây ô nhiễm môi trường.

Làm việc với đoàn giám sát của Ban Đô thị - HĐND TP Hà Nội về tình hình thực hiện quy định pháp luật về thu gom và xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố, ngày 8/9, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 43 cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động ổn định. Trong đó, có 21 CCN đã và đang được đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải, 3 cụm đã có dự án nhưng chưa đầu tư, còn lại 19 cụm chưa có dự án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung.

Tuy nhiên, trong số các CCN đã có hệ thống xử lý nước thải tập trung, mới có 13 cụm hoạt động ổn định trạm, 8 cụm đã có trạm nhưng chưa hoạt động hoặc không hoạt động.

Đối với 19 CCN chưa có trạm xử lý nước thải tập trung, các CCN này có quy mô 1,9 đến 43,6ha. Trong đó, chủ yếu có quy mô khoảng 11ha với các ngành nghề chủ yếu là mộc và cơ khí, phát sinh lượng nước thải ít, hiện nay các hộ dân và doanh nghiệp đều đang khai thác, sử dụng nước ngầm do đó việc điều tra khảo sát khối lượng nước thải của các hộ sản xuất, kinh doanh rất khó khăn.

Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, công tác quản lý vận hành trạm xử lý nước thải còn gặp nhiều khó khăn, do các doanh nghiệp chưa phối hợp với các chủ đầu tư của CCN trong việc đấu nối thoát nước để thu gom nước thải về trạm. Công suất vận hành thực tế còn thấp hơn nhiều công suất thiết kế do chưa đấu nối thu gom đồng bộ và tư vấn tính toán thiết kế công suất nhà máy chưa điều tra chi tiết nhu cầu xả thải.

Ngoài ra, việc thu phí nước thải cũng gặp nhiều khó khăn do các chủ đầu tư chưa xác định giá dịch vụ thoát nước và lưu lượng nước thải của các doanh nghiệp.

Kết luận buổi làm việc, Trưởng Ban Đô thị Nguyễn Nguyên Quân đánh giá, các sở ngành đã chủ động tham mưu cho thành phố ban hành những quy định để tổ chức thực hiện, nhưng công tác quản lý và chấp hành quy định của pháp luật về thu gom và xử lý nước thải tại các cụm CCN còn nhiều bất cập. Các quy định của pháp luật về thu phí bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tại CCN rất cụ thể, rõ ràng, Thành phố cũng đã triển khai thực hiện và quy định phân cấp nhiệm vụ thu giữa thành phố và quận, huyện song việc thực hiện các quy định này còn nhiều hạn chế.

Để khắc phục tình trạng trên, đoàn giám sát đề nghị Sở Xây dựng phối hợp với Sở Công thương và Sở TN&MT rà soát, đánh giá lại cơ chế của thành phố, trên cơ sở đó, tham mưu UBND TP trình HĐND điều chỉnh cơ chế cho phù hợp nếu cần thiết; tham mưu cho thành phố ban hành chế tài xử lý đối với các doanh nghiệp không chấp hành đầy đủ quy định về xả thải và có phương án tổng thể trong quản lý việc xả thải tại các cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Tiến hành ngay việc xây dựng 2 trạm nước thải tập trung đã được Thành phố phê duyệt dự án đầu tư là trạm Phú Thịnh (Sơn Tây) và trạm Ngọc Sơn (Chương Mỹ). Cùng với đó, Sở TN&MT cần triển khai quyết liệt quy định về thu phí bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong CCN. Sở Công thương sớm hoàn thiện trình UBND TP phê duyệt quy hoạch phát triển CCN trên địa bàn thành phố đến năm 2020 có xét đến năm 2030, làm cơ sở cho các địa phương tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng trạm và hệ thống xử lý nước thải tập trung.

MỚI - NÓNG