Hà Nội nắng nóng thiêu đốt hơn vì thiếu cây xanh, hồ nước?

Đường phố nhiều xe cộ, ít cây xanh càng khiến nhiệt độ tăng cao.
Đường phố nhiều xe cộ, ít cây xanh càng khiến nhiệt độ tăng cao.
TPO - Theo GS.TSKH Đặng Huy Huỳnh, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, nghiên cứu cho thấy, tại khu vực có cây xanh, nhiệt độ có thể giảm từ 4-5 độ so với nơi không có. Vì vậy, việc chặt hạ nhiều cây xanh cũng như thu hẹp diện tích các hồ nước sẽ làm gia tăng nắng nóng ở thủ đô.

Khẳng định nắng nóng ở Hà Nội là do yếu tự nhiên, song theo GS Đặng Huy Huỳnh việc chặt hạ cây xanh cùng bê tông hóa đã làm nhiều tuyến phố ở Hà Nội thêm nắng nóng. Ông cho biết, cây xanh có giá trị về nhiều mặt như tác dụng che chắn bụi, khả năng giảm tiếng ồn, hấp thụ CO2 làm giảm ô nhiễm không khí, giá trị về mỹ quan, nguồn gene.

Nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới cho thấy, cây xanh có khả năng hấp thụ 50% bụi phóng xạ, hấp thụ hơi, bụi độc. Đặc biệt cây xanh có vai trò quan trọng trong việc làm mát. Một nghiên cứu của Singapore cho thấy, với cùng một nền nhiệt, những nơi có cây xanh sẽ mát hơn nơi không có từ 4-5 độ. Vì vậy, theo GS Huỳnh, việc chặt hạ cây xanh chắc chắn sẽ làm gia tăng nắng nóng cục bộ tại những nơi không có cây xanh.

Ở Hà Nội tỷ lệ diện tích đất dành cho cây xanh còn rất thấp. Theo tiêu chuẩn đô thị xanh, mỗi người phải có 10m2 cây xanh để hấp thụ không khí do họ thải ra trong khi đó tại Hà Nội, con số này là 7m2 ở các quận nội thành nhưng tỷ lệ không đồng đều giữa các quận.

Theo ghi nhận của phóng viên, thực tế tại một số tuyến phố của Hà Nội, nhiệt độ ban trưa có thể tăng hơn 50, thậm chí gần 60 độ, cao hơn nhiều so với nhiệt độ mà Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn đo được tại các lều khí tượng.

GS Huỳnh cũng cho biết, việc thu hẹp diện tích các hồ nước cũng làm gia tăng nắng nóng vì hồ nước, cây xanh là hai thành phần quan trọng của môi trường trong việc điều hòa khí hậu. Những khu vực gần hồ, bao giờ cũng mát hơn khu vực lân cận.

Theo Báo cáo hồ Hà Nội do Trung tâm nghiên cứu môi trường và cộng đồng (thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam) thực hiện, chỉ trong vòng 5 năm, số lượng hồ ao ở Hà Nội đã giảm đi 10 hồ, diện tích mặt nước ao hồ giảm đi 72.540 mét.

Vì vậy, theo GS Huỳnh, Hà Nội cần cân nhắc kỹ lưỡng khi có ý định chặt hạ cây xanh làm đường trên cao ở Phạm Văn Đồng, cần chọn phương án hạn chế tối đa việc giảm thiểu chặt hạ cây xanh. Với diện tích mặt nước, bất cứ dự án nào làm giảm thiểu diện tích mặt nước cũng cần được cân nhắc cẩn thận.

MỚI - NÓNG